(HNM) - Di tích Lăng Hoàng Cao Khải đang bị người dân
Mặt tiền của lăng Hoàng Trọng Phu thành nơi bán thịt lợn và phơi quần áo. |
Khu ấp Hoàng Cao Khải, còn gọi là ấp Thái Hà được Tổng đốc Hoàng Cao Khải (1850-1933) xây dựng từ năm 1893. Ông là một đại thần dưới triều Vua Thành Thái nhà Nguyễn. Ấp Hoàng Cao Khải gồm nhiều công trình có kiến trúc tinh xảo, nằm rải rác ở khu vực phía tây gò Đống Đa, nay còn lại một số công trình chính ở khu vực ngõ 252, phố Tây Sơn, phường Trung Liệt (Đống Đa). Đây là một quần thể di tích gồm dinh thự, đền thờ, lăng mộ… với trình độ kiến trúc tinh xảo trong nghệ thuật điêu khắc đá của người Việt. Năm 1962, di tích đã được Bộ Văn hóa (nay là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) xếp hạng là Di tích lịch sử văn hóa. Do việc quản lý không khoa học, thiếu sự quan tâm của các ngành chức năng và thiếu các văn bản pháp lý, nên suốt thời gian dài di tích gần như bị lãng quên.
Vào những năm 1960, một số công trình của di tích ấp Hoàng Cao Khải đã được trưng dụng làm trụ sở các cơ quan: Một số diện tích đất quanh các công trình của di tích đã được chia cho cán bộ, công nhân viên của nhiều đơn vị và đến nay nhiều hộ đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Chính vì vậy, các công trình của ấp Thái Hà xưa hiện bị bao vây bởi các ngôi nhà lộn xộn, lớn nhỏ của các hộ dân. Khu lăng mộ Hoàng Cao Khải được địa phương sử dụng làm trụ sở tuần tra của Công an phường Trung Liệt, còn sân lăng trở thành điểm trông xe đạp, xe máy và một số tượng đá ở sân lăng đã không còn nữa. Lăng Hoàng Trọng Phu (con trai cả của Hoàng Cao Khải) cũng bị gạch xây bịt kín một số cửa, rồi biến thành nhà riêng; đôi rồng đá ở cửa lăng cũng bị lợi dụng làm hàng rào để chậu cây cảnh và xe; nhiều bức tường đá đã bị ám khói bếp; mặt tiền lăng trở thành nơi bán thịt lợn và phơi quần áo…
Điều đáng buồn, toàn bộ diện tích đồi Nghinh Phong (Đón gió) phía sau Lăng Hoàng Cao Khải đã bị các hộ dân "xẻ thịt" để xây nhà và trên đỉnh đồi hiện có một hộ đang xây dựng. Hồ Tẩm Nguyệt (nay người dân quen gọi là Hồ Bán nguyệt) được cụm dân cư số 9 cho người dân thuê để nuôi thả cá và trong lòng hồ cũng có một căn lều được dựng lên để trông cá. Nhiều năm nay, hồ không được nạo vét và trở thành nơi xả chất thải của các hộ bán hàng quanh hồ. Trên vỉa hè quanh hồ, các hộ dân căng bạt, bày bàn ghế bán hàng ăn; dưới lòng đường người ta họp chợ bán đủ các loại thực phẩm; trước cửa phòng họp cụm dân cư số 9 cũng bị hàng cá, hàng thịt gà chắn toàn bộ mặt tiền.
Một số cán bộ phường Trung Liệt cho biết: Việc các hộ dân xây nhà trên đồi Nghinh Phong diễn ra đã lâu, nhưng công trình đang xây trên đỉnh đồi thì phường phải kiểm tra lại mới rõ? UBND phường cũng đã ra quân dẹp bỏ hàng quán, chợ cóc, song chưa làm được triệt để và phường vẫn đang thuyết phục các hộ dân để họ nâng cao ý thức, giữ gìn không gian chung cho khu vực.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Trọng Hải, Phó phòng Văn hóa quận Đống Đa lý giải: Những vi phạm đó đều do lịch sử để lại. Năm 2008, quận Đống Đa đã lập hồ sơ đề nghị điều chỉnh khu vực bảo vệ di tích, trong đó lựa chọn 7 công trình cần phải được lưu giữ, đó là: Lăng Hoàng Cao Khải, lăng Hoàng Trọng Phu, đền thờ, dinh thự… Đây là những công trình còn giữ được khá nguyên vẹn và có tính khả thi trong việc bảo tồn; đồi Nghinh Phong không được đưa vào quần thể di tích do không thể khôi phục được hiện trạng ban đầu. Hiện tại, hồ sơ đề nghị điều chỉnh khu vực bảo vệ di tích đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch chấp thuận.
Được biết, đây không chỉ là tình trạng của riêng khu di tích Lăng Hoàng Cao Khải, mà còn là của gần 100 di tích khác trên địa bàn thành phố. Nhiều vấn đề cấp thiết đã và đang được đặt ra, công tác bảo tồn cũng đã được tính toán, song trước mắt đề nghị chính quyền sở tại, các cơ quan hữu quan, ngành văn hóa cần tăng cường tuyên truyền để nâng cao hơn nữa ý thức của người dân. Bên cạnh đó, việc di dân ra khỏi các di tích cũng cần được thực hiện ngay mới mong giữ lại được những giá trị nghệ thuật tinh xảo của cha ông để lại cho muôn đời.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.