Theo dõi Báo Hànộimới trên

Làng Hải Bối

LANHUONG| 08/08/2006 13:59

(HNMĐT) - Làng Hải Bối tên Nôm là làng Bỏi, hồi cuối Lê đầu Nguyễn là một xã thuộc tổng Hải Bối, huyện Yên Lãng, phủ Tam Đái, trấn Sơn Tây.

(HNMĐT) - Làng Hải Bối tên Nôm là làng Bỏi, hồi cuối Lê đầu Nguyễn là một xã thuộc tổng Hải Bối, huyện Yên Lãng, phủ Tam Đái, trấn Sơn Tây.

Trong kháng chiến chống Pháp, làng nhập với một số làng bên thành xã Anh Dũng, thuộc huyện Đông Anh, tỉnh Phúc Yên (năm 1950 là tỉnh Vĩnh Phúc). Năm 1961, xã Anh Dũng cùng các xã trong huyện Đông Anh được chuyển về thành phố Hà Nội. Năm 1965, xã Anh Dũng được đổi thành xã Hải Bối.

Theo bản khai thần tích thần sắc còn lưu tại Viện Thông tin khoa học xã hội, làng Hải Bối do ba vị Thiên thần - vốn là ba người con của Lạc Long Quân và Âu Cơ đầu thai lập ra. Truyền rằng, ba vị cùng theo mẹ Âu Cơ lên khai phá miền rừng núi, sau được phong làm Tam Đảo sơn thần. Về sau có ông Triệu Long và bà Đào Thị Loan người huyện Yên Lãng lên chùa Tây Thiên ở Tam Đảo cầu tự, đêm về thấy hiện lên ba người đội mũ, mặc áo đỏ, đai đen, xưng là Sơn thần và báo sẽ đầu thai vào ông bà. Một thời gian sau, bà Loan mang thai; đến mồng 4 tháng Giêng năm Giáp Ngọ (?) sinh ra một bọc ba người con trai, đặt tên là Triệu Nguyên, Triệu Chính và Triệu Lịnh. Ba người lớn lên đều thông thạo võ nghệ. Năm 21 tuổi, theo lời kêu gọi của Hai Bà Trưng, ba anh em tuyển mộ được ba nghìn binh sĩ và dẫn quân theo Hai Bà đánh quân Hán. Hai Bà đã phong cho ông Triệu Nguyên là Chỉ huy sứ Thượng tướng quân, ông Triệu Chính làm Tả đô đại tướng quân, ông Triệu Lịnh làm Hiển phu tướng quân. Các ông đóng đồn ở Hải Bối chế ngự quân giặc ở Bắc sông Hồng, lập được nhiều chiến công. Giặc tan, cả ba ông được Hai Bà cho về lập ấp ở Hải Bối. Các ông đã chiêu tập dân các nơi lập nên làng ấp, vì thế, được dân làng thờ làm thành hoàng.

Trước Cách mạng Tháng Tám 1945, Hải Bối 938 nhân khẩu, dân đinh tronglàng sinh hoạt trong 6 giáp. Dân làng sống bằng nông nghiệp kết hợp buôn bán tại chợ làng và bằng đường sông.

Làng Hải Bối có ông Vũ Công Tể (1687 - 1745), đỗ Hội nguyên, Đình nguyên Thám hoa khoa Mậu Tuất niên hiệu Vĩnh Thịnh (năm 1718). Năm Bảo Thái thứ bảy (1726), ông giữ chức Bồi tụng, cùng Hồ Phi Tích lên biên giới ở Tuyên Quang hội đồng với sứ nhà Thanh xác định mốc giới giữa hai nước. Khi Trịnh Doanh chấp chính (1740), ông làm Tham tụng (Tể tướng), Thượng thư bộ Lại, tước Lãng Quận công, có nhiều đóng góp trong việc ổn định tình hình Đàng Ngoài. Sử cũ ghi nhận, Vũ Công Tể có sở trường về văn học, có mưu lược, tài trí, gặp lúc việc nước việc quân bề bộn, biết điều khiển, sắp xếp; lại thường tiến cử được người tài đức. Khi mất, ông được tặng hàm Thiếu bảo.

Làng Hải Bối có ngôi đình, ngoài ba vị thần Triệu Nguyễn, Triệu Chính, Triệu Lịnh đã nêu, còn thờ Phan Hữu Ngạn - làm quan nhà Mạc đến chức Khai quốc công thần, Đặc tiến phụ quốc Thượng tướng quân, Đông quân Đô đốc, Tả đô đốc, tước Tuyên Lộc hầu, Mạc Quốc công. Có lẽ vị thần Phan Hữu Ngạn này là Phan Ngạn - vị tướng có nhiều công lao với nhà Mạc, sau lại theo nhà Lê vào những năm cuối thế kỷ XVI. Theo thần phả, Phan Hữu Ngạn đã cấp tiền cho làng dựng hai ngôi chùa Bạch Lôi và Diên Phúc, lại cho dân làng 52 mẫu ruộng làm ruộng thờ. Hàng năm, đến ngày mất của ông (mồng 10 tháng Chạp), dân làng tế lễ rất long trọng. Ông còn giúp dân làng Phú Gia ở bên kia sông Hồng (nay thuộc phường Phú Thượng, quận Tây Hồ) ổn định sau trận đại thủy tai, nên giữa làng Phú Gia và làng Hải Bối kết nghĩa với nhau.

Tiến sĩ Bùi Xuân Đính

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Làng Hải Bối

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.