Làng Hạ Yên Quyết tên Nôm là làng Cót, còn có tên khác là Bạch Liên Hoa, nay thuộc phường Yên Hoà (quận Cầu Giấy) trải dài theo sông Tô Lịch, ngay cửa ngõ phía Tây kinh thành Thăng Long, trên một đầu mối giao thông quan trọng. Đây là một vùng đất cổ. Năm 1978, khi nạo vét đoạn sông Tô Lịch ở cuối làng đã phát hiện một quan tài bằng thân cây khoét rỗng, bên trong có một số đồ tuỳ táng. Niên đại của mộ cách ngày nay khoảng trên dưới 2000 năm.
Làng Hạ Yên Quyết tên Nôm là làng Cót, còn có tên khác là Bạch Liên Hoa, nay thuộc phường Yên Hoà (quận Cầu Giấy) trải dài theo sông Tô Lịch, ngay cửa ngõ phía Tây kinh thành Thăng Long, trên một đầu mối giao thông quan trọng. Đây là một vùng đất cổ. Năm 1978, khi nạo vét đoạn sông Tô Lịch ở cuối làng đã phát hiện một quan tài bằng thân cây khoét rỗng, bên trong có một số đồ tuỳ táng. Niên đại của mộ cách ngày nay khoảng trên dưới 2000 năm.
Theo cuốn Bạch Liên khảo ký (soạn năm 1832) thì ban đầu làng Cót có 5 họ: Nguyễn, Hoàng, Quản, Doãn, Trần, sau thêm các họ Phạm, Lê, Ngô, lập thành 8 giáp Đông và Đoài. Bức hoành phi " Cư ngũ ngự bát" (5 dòng họ về cư trú, lập thành 8 giáp) hiện treo ở phía trong gian giữa đình nói lên điều đó.
Cùng với làng Thượng, làng Hạ Yên Quyết được gọi chung là “Kẻ Cót”, là vùng quê có truyền thống hiếu học và khoa bảng, nằm trong “tứ danh hương” (Mỗ, La, Canh Cót) của huyện Từ Liêm xưa với 10 tiến sĩ là : Hoàng Quán Chi (đỗ Thái học sinh năm 1393), Nguyễn Như Uyên (Hoàng giáp, 1469), Nguyễn Xuân Nham (1499) và Nguyễn Khiêm Quang (1523), 3 người thời Mạc là Nguyễn Quang Huệ (1535), Nguyễn Huy (1553) và Hoàng Bồi (1565), Nguyễn Nhật Tráng (Hoàng giáp, 1595), Nguyễn Dụng Triêm (1602) và Nguyễn Vinh Thịnh (1659). Trong số họ có Hoàng Bồi là cháu xa đời của Hoàng Quán Chi. Ông từng đỗ khoa ất Sửu niên hiệu Thuần Phúc 4 (1465), nhưng khi các tiến sĩ tân khoa ra mắt, vua Mạc thấy ông thì thấp bé, Nguyễn Chi thì chột, đã ngán ngẩm than rằng :"Nhân tài thế này thì thế nước còn được bao lâu? ", bèn không lấy đỗ cả hai người. Không nản, khoa sau (1568), Hoàng Bồi lại dự thi và lần này vua Mạc buộc phải cho ông đỗ.
Trong các tiến sĩ có Hoàng Quán Chi làm quan đến Hình bộ Thượng thư, Thẩm hình viện. Con trai ông là Hoàng Công Tình tham gia cuộc khởi nghĩa Lam Sơn do Lê Lợi lãnh đạo, được phong chức Chỉ huy sứ.; Nguyễn Như Uyên (1436 - ?) nhà nghèo tự học mà đỗ Hoàng giáp, làm quan đến Chưởng lục bộ (như Tể tướng) kiêm Tế tửu Quốc tử giám, được phong Thái bảo, Liêm Quận công. Ngoài 10 tiến sĩ, làng Hạ Yên Quyết còn có gần 30 hương cống thời Lê và 9 cử nhân thời Nguyễn.
Sự học hành thành đạt của người làng Cót là do làng ở gần kinh đô, kinh tế khá phát đạt với nhiều nghề thủ công, buôn bán. Làng Cót có một chế độ khuyến học thoả đáng, từ xưa làng dành ra 3 mẫu ruộng "độc thư điền" để biếu cho người đỗ tiến sĩ trở lên; ngày ông nghè về vinh quy, cả làng đem cờ lọng đón rước và mừng 100 quan. Ngoài ra còn thưởng ruộng cho cả người đỗ cử nhân, tú tài.
Làng Cót hiện còn ngôi đình dựng lại vào năm Minh Mạng thứ 13 (1832), Cùng với 5 ngôi miếu, đình làng thờ 5 vị thần trong đó có Cao Sơn đại vương, thần bản thổ. Điều này chứng tỏ tính cổ xưa của làng. Làng có chùa Ngọc Quán, dựng năm Dương Hoà 8 (1642), hiện còn quả chuông đúc năm Cảnh Thịnh 8 (1800). Ngoài ra, còn có nhà thờ của dòng họ các Tiến sĩ Hoàng Quán Chi, Nguyễn Như Uyên, Nguyễn Xuân Nham – là biểu tượng cho truyền thống học hành thành đạt của người làng...
Lễ hội chính của làng hàng năm từ ngày 10 đến 15 tháng 2, xưa có tục nuôi lợn thờ của các giáp trưởng đăng cai.
TS. Bùi Xuân Đính
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.