Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Làng Hà Nội” ở xứ Tuyên

Bảo Nga - Chí Đạo| 22/09/2014 05:47

(HNM) - Chuyến công tác ngắn ngủi về


Nói phát hiện cũng là "bạo phổi", nhưng chính một đồng nghiệp kỳ cựu ở Báo Tuyên Quang, người dẫn đường cho chúng tôi trong suốt chuyến công tác, cũng "mới chỉ nghe mang máng có cái làng như thế, nhưng chưa một lần được đặt chân". Vậy là, dù "mặt trời đã ngả đằng Tây", chúng tôi vẫn quyết định lên đường, vượt hơn 20km đường rừng để tìm về xã Xuân Vân - huyện Yên Sơn trong tâm trạng bồi hồi khó tả...

Giữ "nếp" người Hà Nội

Men theo tỉnh lộ 186, ngôi nhà hai tầng của "vĩ nhân phố huyện" Doãn Quang Sửu nằm bên vườn bưởi ngay sát bờ sông Gâm. Hơn 30 năm sinh sống ở vùng rừng núi, chàng kỹ sư Khoa Chế tạo máy - Trường Đại học Bách khoa ngày nào nay đã hóa thành một nông dân chính hiệu. Dáng người nhỏ thó, gương mặt khắc khổ, duy chỉ cách nói chuyện sắc lẻm và giọng nói đặc sệt dân xứ Đoài là chẳng thể trộn vào đâu. Rít một hơi thuốc lào thật sâu, ánh mắt ông tư lự qua làn khói bàng bạc. Ký ức cuộc đời như những thước phim quay chậm, cứ thế lần lượt hiện về.

Vườn thanh long của ông Bùi Đức Hùng ở xã Xuân Vân.



Vào năm 1967, cả xã Vân Nam, huyện Phúc Thọ, Hà Nội chỉ có mình ông trúng tuyển Đại học Bách khoa Hà Nội trong niềm hãnh diện của cả gia đình, dòng họ. Ra trường với tấm bằng kỹ sư ngành chế tạo máy, con đường sự nghiệp tưởng chừng thênh thang trước mắt nhưng khi nhận quyết định phân công lên công tác tại Thủy điện Hòa Bình, ông chần chừ không đi. Phần vì ông không muốn xa gia đình, phần vì nghiệp văn chương đã ngấm vào ông tự lúc nào chẳng biết. Chồng là liệt sĩ, hy sinh trong kháng chiến chống Pháp, thấy cậu con độc trong gia đình chỉ tối ngày "đàn đúm" với đám bạn văn, sợ con sa đà nghiệp bút nghiên, mẹ ông lôi tất cả tác phẩm của ông ra đốt. Dù bị mẹ phản đối dữ dội, những bài thơ, truyện ngắn của ông vẫn lần lượt xuất hiện trên Tạp chí Tản Viên Sơn của Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Hà Tây (cũ). Đam mê viết và bị chính nghiệp viết vận vào người nên cuộc đời ông nhiều phen lao đao, vất vả. Sau những chuyện buồn trong đời sống riêng tư, một thời gian dài ông bỏ xứ vào Nam, làm đủ nghề lần hồi kiếm sống. Năm 1982, trong một lần ra Bắc, hay tin mẹ đã cùng gia đình người em chuyển lên Tuyên Quang sinh sống, ông về quyết định bán hết cơ nghiệp trong Nam, ngược lên xứ Tuyên sống cùng mẹ trong căn nhà nhỏ bên bờ sông Gâm, thuộc thôn Vông Vàng 2, xã Xuân Vân.

Ngày ấy, Xuân Vân là một vùng đất hẻo lánh, đường sá gập ghềnh, chỉ có vài nếp nhà nằm thưa thớt... Niềm an ủi duy nhất là nằm cách một con sông, phía bờ hữu sông Gâm có cả một làng toàn "đồng hương" Hà Nội. Hễ có thời gian, ông lại vượt đò sang bờ hữu, vừa để giao lưu, tâm sự, vừa trao đổi cách làm ăn. Vốn thông minh lại đi nhiều, hiểu rộng, ông biết rõ giá trị của đất nên dốc sức khai khẩn đất hoang, bắt tay vào làm kinh tế. Nào làm chủ lò gạch, thu mua lá tre mai xuất khẩu, theo dân bản lên nương trồng trọt... Sau bao năm miệt mài với cây và đất, cuối cùng đất không phụ lòng người. Đến nay, ông đã có hơn 2ha vườn đồi, trồng từ chuối, bưởi Diễn, cam, đến keo, tre, luồng... Rồi ông cũng tự tay dựng được nếp nhà khang trang, gia đình dần có của ăn, của để. Việc nhà nông chẳng lúc nào được ngơi tay, nhưng ông vẫn dành niềm đam mê cho sáng tác. Trong căn nhà nhỏ, bốn bức tường treo la liệt những bằng khen, giấy khen, phần thưởng ông đạt được trong các cuộc thi...

Chúng tôi vượt sông Gâm vào chiều muộn. Nắng cuối ngày rắc một màu vàng sậm xuống dòng nước xanh ngắt, cả khúc sông óng lên sắc vàng, đẹp đến ma mị. Xe chúng tôi lọt thỏm giữa ngút ngát những ruộng mía sắp đến kỳ thu hoạch. Bất giác, anh bạn đồng nghiệp quay cửa kính xe. Gió sông ập vào, mang theo mùi hương của những rặng bưởi đang kỳ nặng trái, những vạt mía ven đường... Nghe tin có khách dưới xuôi lên chơi, ông Bùi Đức Hùng - nguyên Bí thư Đảng ủy xã Xuân Vân, Chủ tịch Hội đồng hương Hà Tây (cũ) bỏ cả việc chăm sóc vườn thanh long, chạy ra sân đón khách. Rồi cả chủ và khách ngồi bệt ngay dưới mái hiên bên ấm trà nóng. Ông Hùng bảo, cả xã Vân Xuân có trên 8.500 người thì người Hà Nội chiếm gần 30%. Họ chủ yếu là dân ở các huyện Hoài Đức, Phúc Thọ, Thạch Thất, Đan Phượng... di cư lên đây từ những năm 1961-1962 theo chương trình xây dựng kinh tế mới miền núi. Khi đó, ông Hùng mới 11 tuổi. Trong ký ức của ông, vùng bãi ven sông Gâm vẫn là vùng rừng rậm rạp. Những ngày đầu đặt chân lên vùng kinh tế mới, các gia đình cùng nhau khai hoang, sống quây quần trong những gian nhà tranh dựng tạm. Cuộc sống tuy nghèo nhưng luôn đầy ắp tiếng cười, chan hòa tình làng, nghĩa xóm. Những năm sau đổi mới, thực hiện chủ trương khoán thẳng, ruộng đất được giao cho nông dân, tư duy sáng tạo trong sản xuất được người Hà Nội khai thác triệt để. Sẵn có nghề phụ, "làng Hà Nội" mở ra đủ thứ nghề, từ cán mía lấy mật, làm bún, làm bánh, làm dịch vụ, cơ khí, giết mổ gia súc, gia cầm... kinh tế dần khá giả. Đi lên vùng kinh tế mới, nhiều người không quên mang theo cây bưởi Soi Hà - giống bưởi quý nổi tiếng của Hoài Đức. Hợp thổ nhưỡng, cây bưởi Soi Hà vươn nhanh ở vùng đất mới, chính quyền địa phương phát động bà con nhân rộng mô hình trồng bưởi. Từ chỗ chỉ được trồng ở những thôn có người Hà Nội định cư trên xã Xuân Vân như Vân Giang, An Lạc, Tân Sơn, Vông Vàng, Soi Đát, Soi Hà thì nay, cây bưởi, cây dong riềng, cây mía... đã có mặt khắp các huyện lân cận như Hàm Yên, Chiêm Hóa, Sơn Dương và tràn sang cả tỉnh bạn. Kinh tế phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của bà con được nâng cao. "Người dân ở đây kháo nhau, hễ thôn, xóm nào có người Hà Nội, nơi ấy đường làng, ngõ xóm được xây dựng khang trang, sạch đẹp. Dù xa quê nhiều năm, chúng tôi vẫn giữ gìn nếp cũ, luôn yêu thương, đùm bọc nhau lúc tối lửa, tắt đèn. Hàng năm quê hương có việc làng, việc xã, chúng tôi lại kéo nhau về để thăm hỏi họ hàng, quê hương bản quán và để giáo dục con cháu không quên gốc gác của mình..." - ông Hùng tự hào.

Thêm những mùa trái ngọt

Hình ảnh dễ nhận thấy nhất, theo những người cao tuổi lên Xuân Vân khai khẩn đầu tiên cho biết, đó là thay vào vạt rừng cây dại mọc um tùm là những cánh đồng trồng bưởi, trồng mía, trồng dong riềng xanh bạt ngàn. Vì thế mà Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Vân Nguyễn Văn Việt (anh Việt là thế hệ thứ ba trong gia đình có quê ở Đông La, Hoài Đức đi khai hoang lập nghiệp ở Xuân Vân từ năm 1962) đánh giá cây bưởi, cây mía đã và đang trở thành cây "xóa đói giảm nghèo", là nguồn thu nhập mũi nhọn cho nhiều hộ dân. Cũng theo Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Việt, hiện nay diện tích bưởi Diễn đã tăng lên khoảng 100ha với thu nhập giá trị bước đầu đạt 200 triệu đồng/ha. Trên cơ sở vùng bưởi Xuân Vân, UBND huyện Yên Sơn đã quy hoạch vùng cây ăn quả ra các xã vùng hạ lưu sông Gâm, gồm Lực Hành, Phúc Ninh, Quý Xuân... với tổng diện tích hơn 300ha.

Chúng tôi đến thôn Soi Hà, nơi được coi là mảnh đất "khởi nguồn của cây bưởi đường" trên đất Yên Sơn. Theo lãnh đạo xã Xuân Vân, cả thôn có khoảng 90 hộ thì có tới gần 60 hộ trồng bưởi, hộ trồng nhiều nhất tới 200 cây với mỗi cây có từ 200 đến 300 quả/năm. Ưu thế của bưởi Soi Hà là chín sớm, thu hoạch khoảng từ tháng 9 đến tháng 10, sớm hơn 1 đến 2 tháng so với các loại bưởi khác trong vùng nên rất dễ tiêu thụ. "Với giá trị cao, cây phát triển đồng đều, ổn định, quả ngọt thanh, mọng nước, múi dày, đều, cây bưởi Xuân Vân đã trở thành cây trồng có giá trị cao nhất trong vùng" - anh Việt cho biết thêm. Hơn thế, vào tháng 11-2013, "bưởi Soi Hà" chính thức được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp nhãn hiệu hàng hóa Việt Nam chất lượng cao đã khẳng định thành quả lao động không biết mệt mỏi của những người nông dân Hà Nội trên đất mới Tuyên Quang.

Xã Xuân Vân có 12 dân tộc anh em sinh sống, trong đó chủ yếu là người Kinh, người Tày và người Dao. Hơn 50 năm qua, người Hà Nội ở Xuân Vân đã "chung lưng đấu cật" cùng nhân dân các dân tộc trong xã xây dựng quê hương ấm no, thôn bản yên bình. Chính những nỗ lực trong lao động sản xuất của những "làng Hà Nội" ở đất Xuân Vân mà thu nhập của người dân trong xã đã tăng lên đáng kể, nhiều hộ thoát nghèo và có cuộc sống khá giả so với trước đây. Từ chỗ thu nhập đầu người những năm trước năm 2010 chỉ đạt bình quân dưới 8 triệu đồng/năm, đến thời điểm này đã tăng lên 12 triệu đồng/năm. Đáng kể nhất là số hộ nghèo đã giảm rõ rệt, nếu như trước năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo còn 40% thì đến nay đã giảm xuống còn 19%, số hộ giàu tăng lên. Ở những "làng Hà Nội" như Vân Giang, An Lạc, Tân Sơn, Soi Đát... cơ sở hạ tầng phát triển rất tốt, 100% đường giao thông đã được bê tông hóa khang trang đến từng hộ gia đình theo phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm". "Người dân tự nguyện hiến đất, ngày công, cát sỏi, thuê máy móc, Nhà nước hỗ trợ xi măng, chỉ trong thời gian ngắn chúng tôi đã hoàn thành những con đường trong niềm vui của hàng nghìn người dân" - anh Nam, một người dân ở thôn Vân Giang chia sẻ.

Chiều muộn, chúng tôi tạm biệt những người dân ở "làng Hà Nội", trở lại thành phố Tuyên Quang. Qua dòng Gâm trên con đò tự chế của một người dân xã Xuân Vân, "người đưa đường" cho chúng tôi, ông Dương Văn Sửu cho biết thêm: "Yên Sơn là vùng núi yên tĩnh. Mảnh đất được bao bọc bởi dãy núi vòng cung Lô - Gâm nên quanh năm không có bão lớn, người dân được sinh sống trong khí hậu ôn hòa, mát mẻ". Có lẽ vì thế những con người nơi đây cũng vậy, họ chan hòa, hiếu khách bởi tất cả những người gặp hôm ấy đều coi chúng tôi là người anh em thân thiết, khi chia tay bịn rịn chẳng muốn rời...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Làng Hà Nội” ở xứ Tuyên

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.