Theo dõi Báo Hànộimới trên

Làng Giỗ Đông

TUYETMINH| 25/12/2007 11:28

(HNMĐT)- Giỗ Đông vốn là xóm gốc của làng Giỗ, là một làng cổ được hình thành từ thuở các Vua Hùng. Có ý kiến cho rằng, tên làng lúc đầu là “Lỗ” (vốn là một tên Nôm), xuất phát từ truyền thuyết, xưa kia, Thánh Gióng cùng Ông Dực, Ông Minh (thành hoàng hai làng Giỗ Đông và Giỗ Hương)

(HNMĐT)- Giỗ Đông vốn là xóm gốc của làng Giỗ, là một làng cổ được hình thành từ thuở các Vua Hùng. Có ý kiến cho rằng, tên làng lúc đầu là “Lỗ” (vốn là một tên Nôm), xuất phát từ truyền thuyết, xưa kia, Thánh Gióng cùng Ông Dực, Ông Minh (thành hoàng hai làng Giỗ Đông và Giỗ Hương) khi đánh giặc tại đây đã để lại hàng trăm lỗ (vết chân ngựa), chính là các ao chuôm trên các cánh đồng nằm bên cạnh sông Hoàng Giang cổ còn lại gần đây.

Vì trong chữ Hán cũng có từ “Lỗ” nên xóm này được phiên gọi là “Hà Lỗ”, song dân gian thường gọi là Giỗ Đông. Từ xóm này, dân cư phát triển ra hai xóm là Giỗ Giong và Giỗ Hương, phiên âm chữ Hán thành Hà Phong và Hà Hương. Ba xóm từ xưa là một khối thống nhất với đình, đền chùa, văn chỉ, thành hoàng chung, tế tự chung trong một cơ cấu tổ chức làng chung. 

Khoảng giữa thế kỷ XVII, xóm Giỗ Giong (Hà Phong) dần tách ra thành một khối riêng, như là một làng với đình chùa riêng, thành hoàng và tế tự riêng. Đến giữa thế kỷ XIX, hai xóm Giỗ Đông và Giỗ Hương khác biệt dần về cơ cấu tổ chức, dựng đình, chùa riêng, nhưng vẫn thờ chung thành hoàng và tế tự chung. Cả ba xóm này dần dần phát triển thành ba làng, nhưng vẫn nằm trong một xã mang tên Hà Lỗ, đầu thế kỷ XIX thuộc tổng Hà Lỗ, huyện Đông Ngàn, phủ Từ Sơn, trấn Kinh Bắc (từ tháng 11 - 1831 đổi thành tỉnh Bắc Ninh). 

Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, Giỗ Đông (Hà Lỗ) nằm trong xã Ngũ Hà (tức năm làng Giỗ) thuộc huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Tháng 4 - 1949, xã Ngũ Hà hợp nhất với xã Hà Vĩ thành xã Liên Hà. Tháng 5 - 1961, xã Liên Hà được chuyển về huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội. 

Đồng làng Giỗ Đông trước đây chỉ cấy được một vụ lúa mùa với năng suất thấp. Ngoài nông nghiệp, dân làng còn tận dụng lợi thế của vùng có nhiều ao chuôm để khai thác các nguồn tôm cá trong đồng trũng, diễn ra quanh năm, nhưng nhiều nhất là vào tháng Ba, tháng Tư và sau vụ gặt mùa. Làng có nghề làm hàng xay hàng xáo, có chợ Giỗ, họp một tháng sáu phiên, vào các ngày Bốn và Chín.

Khu dân cư của làng Giỗ Đông được bao bọc bởi các lũy đất, phía trên trồng tre, nêndân làng quen gọi là thành, bao quanh ba mặt Đông, Tây, Bắc; mặt Nam là ao. Các con đường phụ trong làng thẳng góc với đường chính, tạo thành các cụm ngõ vuông vức. Vào mùa mưa, nước nổi trên các cánh đồng trũng, làng xóm với “thành”, lũy soi bóng bên các bến nước tạo ra một cảnh thơ mộng.

Trước Cách mạng Tháng Tám 1945, làng Giỗ Đông không chia thành các xóm; trai đinh sinh hoạt trong hai giáp (Trung và Nam), mỗi giáp có các ban lềnh hay chạ, gồm những người ở dưới độ tuổi lên lão (từ 48 tuổi trở xuống), lo điều hành các công việc của làng giao. Làm lềnh hay chạ rất tốn kém vì phải khao lềnh hay vọng chạ: phải làm cỗ mời toàn bộ trai đinh hàng giáp, có khi mời cả hai giáp. Hết tuổi lềnh hay chạ phải làm cỗ mời cả giáp rồi mới được chuyển lên hàng các cụ.

Trước Cách mạng, làng chỉ còn 5 mẫu ruộng công để bán đấu giá lấy tiền dùng vào các việc công và 4 mẫu 01 sào ruộng thần từ Phật tự.
 Thời phong kiến, làng Giỗ Đông có hai người đỗ tiến sĩ từ rất sớm :
 - Dương Văn Đán, đỗ Hoàng giáp khoa Quý Mùi, niên hiệu Quang Thuận, đời Vua Lê Thánh Tông (năm 1463), làm quan đến chức Tham chính sứ, được cử đi sứ sang nhà Minh.
 - Viêm Nghĩa Lộ (1516 - ?), đỗ Tiến sĩ khoa Tân Sửu, niên hiệu Quảng Hòa, đời Mạc Phúc Hải (năm 1541), làm quan đến Hàn lâm viện Hiệu thảo.

Ngoài ra còn có một số vị đỗ Hương cống thời Lê. Thời Nguyễn chỉ có Dương Tuấn Duy (1862 - 1932) đỗ Cử nhân khoa Đinh Dậu đời Thành Thái (1897). Ông không ra làm quan mà ở nhà dạy học, sau tham gia Việt Nam Quang phục hội, vào năm 1928 từng giúp đỡ đồng chí Nguyễn Văn Cừ (sau này là Tổng Bí thư của Đảng) thoát khỏi sự truy đuổi của thực dân Pháp nên ông được truy tặng Bằng có công với nước. 

Làng có ngôi đình nhìn hướng Nam, xế Tây, gồm năm gian hai dĩ nối với hậu cung, được dựng vào tháng Ba năm Bính Tý, đời Vua Tự Đức (năm 1876). Đình thờ Thiên Uy và Minh Uy, còn gọi là Ông Dực và Ông Minh, là người làng Hà Hương, có nghề thuốc gia truyền chữa cho dân làng thoát khỏi một trận dịch hiểm nghèo; sau lại tham gia cùng Thánh Gióng đánh giặc Xích Tỵ và giặc Ân. Hội làng diễn ra từ ngày 10 đến 20 tháng Giêng. 

PGS, TS. Bùi Xuân Đính

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Làng Giỗ Đông

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.