Theo dõi Báo Hànộimới trên

Làng Dừa hôm nay

Bài và ảnh: Sơn Tùng| 09/12/2012 06:51

(HNM) - Cách trung tâm Hà Nội về phía tây khoảng 20km, dễ dàng tìm đến xã Yên Sở (huyện Hoài Đức), dân trong vùng vẫn quen gọi với cái tên dân dã là làng Giá, làng Dừa.

Trong quá trình xây dựng nông thôn mới (NTM), Yên Sở được chọn là xã điểm của huyện, đến nay xã đã cơ bản đạt 19/19 tiêu chí. Đây là cơ hội để vẻ đẹp làng quê được tôn vinh, đan xen cả truyền thống và hiện đại.

Một góc xã Yên Sở (Hoài Đức, Hà Nội).

Cây dừa được trồng ở Yên Sở từ giữa thế kỷ thứ VI, dưới triều vua Lý Nam Đế. Dân gian kể lại, sau khi chiến thắng quân Lâm Ấp, bắt được hàng nghìn tù binh Chiêm Thành, võ tướng Phạm Tu - Lý Phục Man cũng đã mang dừa phương Nam về trồng trên quê hương mình - lúc đó là làng Cổ Sở, nay là xã Yên Sở. Từ đó đến nay, cây dừa phát triển và trở thành hình tượng của mảnh đất này. Do quá trình đô thị hóa, số lượng dừa ở đây giảm mạnh trong 10 năm qua nhưng vẫn là cây trồng phổ biến với người dân Yên Sở vì đây là nguyên liệu không thể thiếu của bánh gai - một đặc sản trong ẩm thực ngày Tết của người dân địa phương. Vùng đất này hôm nay vẫn còn đó những hàng dừa xanh. Bí thư Đảng ủy, Trưởng ban xây dựng NTM xã Yên Sở Nguyễn Đăng Hoan tâm sự: Yên Sở trước đây có hơn 1.000 cây dừa nhưng nay chỉ còn hơn 100 cây. Xã xác định, đi đôi với xây dựng NTM phải giữ lại bằng được nét đặc trưng của làng. Hiện đã có một gia đình hiến tặng hơn 100 cây dừa để trồng ở các trường học, cơ quan, di tích lịch sử trên địa bàn… từ đó tạo phong trào khôi phục lại loại cây này, tạo cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp. Do vậy, song song với bê tông hóa đường giao thông, các khu dân cư cũng thực hiện Nghị quyết của Ðảng ủy xã về trồng cây xanh ở các trục đường, ngõ xóm để làm bờ rào, tăng thêm bóng mát cho làng quê, trong đó chủ lực là cây dừa.

Yên Sở có nhiều thuận lợi trong xây dựng NTM: Ngay từ những năm 1995, xã đã xây dựng Quy ước với 6 chương, 63 điều quy định về giữ gìn sạch sẽ đường làng ngõ xóm, thu gom rác thải. Việc thực hiện nếp sống văn minh, tiết kiệm thể hiện rõ qua tổ chức lễ mừng thọ cho các cụ cao tuổi hay tổ chức việc cưới, việc tang. Năm 2012, đã có hơn 75% số người quá cố được đưa đi hỏa táng. Những chuyện khác như không để chó thả rông ra đường, đổ rác đúng quy định… được nhân dân thực hiện khá nền nếp. Hầu hết các quỹ đất công, trụ sở, nhà kho của HTX sau khi giải thể đều không thanh lý mà giữ lại để làm các công trình công ích như xây dựng nhà văn hóa, khu vui chơi giải trí… nên 100% các khu dân cư đều có nhà văn hóa khang trang. "Cái được lớn nhất của chương trình xây dựng NTM là xã đã tìm được tiếng nói chung với nguyện vọng của người dân" - ông Nguyễn Đăng Hoan nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Đăng Hoan cho biết thêm, để duy trì và phát huy kết quả đạt được và giữ vững danh hiệu xã NTM, xã tiếp tục tuyên truyền tới người dân trên cơ sở vai trò nòng cốt là cán bộ, lãnh đạo xã, tạo sự đồng thuận trong dân, xây dựng nếp sống văn minh, trật tự an toàn xã hội.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Làng Dừa hôm nay

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.