(HNM) - Sau những ngày tăng giá đến chóng mặt, giá vàng thế giới đã có tuần sụt giảm đầu tiên. Sự lùi bước của vàng trước sức hồi phục của đồng USD đã khiến kim loại quý mất 3,3% giá trị trong tuần này. So với đỉnh cao 1.387,35 USD/ounce (ngày 14-10), giá vàng thế giới đã mất 4,4% khi ấn định các hợp đồng quanh ngưỡng 1.326,65 USD/ounce.
Nhu cầu vàng trang sức tăng cao nhưng không thể ngăn giá vàng đi xuống. |
Sau những bước tăng mãnh liệt được cổ vũ bởi sự lo ngại của các nhà đầu tư trước động thái nới lỏng chính sách tiền tệ của chính quyền Mỹ khiến đồng USD suy yếu, thị trường vàng đã liên tục lao dốc trong mấy ngày gần đây khi đồng bạc xanh có dấu hiệu lấy lại sức mạnh. Tăng thêm 0,6% so với 6 ngoại tệ chủ chốt vào tuần qua, đồng USD đang trên đà phục hồi cùng nhiều tín hiệu lạc quan từ nền kinh tế Mỹ như tỉ lệ thất nghiệp giảm và quyết sách không phá giá đồng USD của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED).
Cuộc họp các bộ trưởng tài chính G20 đang diễn ra tại Seoul (Hàn Quốc) đạt được những thỏa thuận tích cực nhằm ổn định thị trường tiền tệ cũng là động lực tiếp sức cho đà đi lên của USD. Mối liên hệ giữa vàng và đồng bạc xanh vẫn thể hiện một cách vững chắc. Từ chỗ đổ xô vào kim loại quý nhằm tìm nơi trú ngụ cho dòng tiền vào thời điểm nền kinh tế thế giới bị đè nặng bởi bóng đen suy thoái và USD mất giá, giới cầm tiền bắt đầu đẩy mạnh chốt lãi. Niềm tin vàng đã ở ngưỡng cao nhất trong chu kỳ tăng giá 30 năm (chu kỳ trước đó là vào năm 1980) khiến quỹ tín thác vàng lớn nhất thế giới SPDR liên tục xả hàng trong 11/15 phiên giao dịch gần đây nhất với tổng cộng 6 tấn vàng chỉ trong 5 ngày mất giá vừa qua. Nhu cầu tìm kiếm lợi nhuận an toàn từ vàng đã giảm đáng kể. Không ít người cho rằng, vàng đang tìm cơ hội để điều chỉnh cũng như cần một khoảng tích lũy để có thể đi tiếp sau những bước tăng phi mã thời gian qua. Điều đó đang đưa giá vàng về ngưỡng dễ thở hơn.
Sức hấp dẫn bị giảm bớt dẫn tới việc nhà đầu tư rút dần vốn khỏi thị trường kim loại quý và chuyển vào những lĩnh vực khác như chứng khoán hoặc dầu thô. Sự dịch chuyển của các luồng vốn đó đã chứng kiến tuần tăng điểm thứ 3 của Phố Wall. Dù khối lượng giao dịch trên cả ba sàn New York, American và Nasdaq ở mức thấp, chỉ đạt 5,76 tỷ cổ phiếu, cách rất xa mức trung bình hằng ngày 8,8 tỷ cổ phiếu từ đầu năm tới nay, nhưng tính cả tuần chỉ số Dow Jones vẫn tăng 69,78 điểm (+0,63%), S&P 500 tăng 6,89 điểm (+0,6%) và Nasdaq cộng thêm 10,62 điểm (+0,4%). Tâm lý hào hứng với triển vọng tốt đẹp hơn của kinh tế toàn cầu cũng đã giúp thị trường cổ phiếu châu Á tưng bừng trở lại với các con số dương ở hầu hết những chỉ số chủ chốt. Kết thúc tuần, MSCI của châu Á - Thái Bình Dương tăng 0,4% lên 130,23 điểm.
Như một chiếc bình thông nhau, tin vui từ châu Á và Phố Wall đã giảm áp lực đối với thị trường nhiên liệu. Dầu thô bất ngờ quay đầu tăng giá lên 81,37 USD/thùng sau khi trải qua hai tuần giảm mạnh. Trợ cấp thất nghiệp Mỹ được cải thiện trong khi các chỉ số hàng đầu lại đi lên là những tín hiệu vô cùng khả quan của quốc gia tiêu thụ năng lượng lớn nhất thế giới.
Một không gian kinh tế dịu mát hơn đang dần hình thành và câu hỏi bao giờ vàng ngừng tăng giá đã có câu trả lời. Mối lo vàng tăng giá quá nhanh và đứng ở mức cao sẽ kéo tụt tăng trưởng đã tạm thời lắng dịu. Thế nhưng, trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều thách thức thì giá vàng sẽ còn thử thách sự kiên nhẫn của các nhà đầu tư.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.