(HNM) - Tôi về làng Đại Bái (xã Đại Bái, Gia Bình, Bắc Ninh) tìm mua một bức tranh chữ
1. Quả nếu không về tận nơi và không nghe anh Quý - người làng Đại Bái - cũng là người dẫn đường tôi kể thì khó ai biết làng đúc đồng Đại Bái xưa còn có cái tên gốc là "Bưởi nồi". Anh nhìn tôi với con mắt rất "Quan họ" rồi đọc cả câu hát mà mỗi ngày vào hội làng nghề ai cũng thuộc, rằng: "Muốn ăn cơm trắng, cá trôi/Thì về làng Bưởi đánh nồi với anh/Muốn ăn cơm trắng cá ngần/Thì về làng Bưởi cầm cân buôn đồng". Quý say sưa nói về cái nghề làm nồi, làm chậu thau và ống nhổ đã nuôi sống cả làng từ ngàn năm nay. Nói rồi, Quý dẫn tôi đến trước đình Diên Lộc, thờ tổ nghề đúc đồng là cụ "Tiền tiên sư" Nguyễn Công Truyền, sinh năm 989 tại làng Đại Bái. Anh thắp ba nén nhang rồi vái và xin cụ tổ phù hộ cho nhiều tài lộc trong năm mới. Còn tôi chắp tay, hướng tới cõi tâm linh của ngàn năm và xin cụ một chữ "Xuân" vĩnh cửu cho cuộc đời.
Trong xưởng chế tác của nghệ nhân Nguyễn Văn Trung. |
Người khác tôi gặp là một anh thợ trẻ đang gấp rút gò cho xong bức tranh cá chép ngóng ánh trăng xuân. Anh nhìn tôi cười, như muốn mời tôi ngắm bức tranh, rồi lại cắm cúi làm việc. Dọc đường làng, các cửa hàng mọc san sát như một phố hàng đồng lấp lóa những mặt hàng. Nhiều người thợ đang chăm chút những đường nét đục chạm, trên các lư hương và những con hạc cao vút bên thềm. Quý chỉ một bức tượng Phật Di Lặc to bằng đồng, nặng tới hàng tấn được bày ở một cửa hàng, ngay trên đường làng rồi nói, đó là một kỷ lục chưa ai vượt qua. Tôi nghe mọi âm thanh và đi trong niềm vui ấy, khi tiếng trống đồng âm vang hào hùng kể về câu chuyện cổ tích của làng.
Quý dẫn tôi đến trước một cái giếng cổ và bồi hồi nói, làng còn tự hào về một truyền thuyết, Thánh Gióng trên đường đánh đuổi giặc Ân, đã dừng chân nơi đây để uống nước. Kia là dấu chân ngài và còn đây là hình in đầu gậy của cây tre đánh giặc xâm lăng. Anh còn chỉ những vết lõm nhỏ lỗ mỗ trên thềm giếng đá xanh, rồi kể đó là vết của những miếng bã trầu mà ngài đã ăn, trong lúc nghỉ ngơi và ngắm cảnh đẹp trong làng. Nhiều người già trong làng vẫn còn nhớ, chính vì thế mà một thuở, nước giếng có màu đỏ thắm của bã trầu. Tục lệ xưa, hằng năm cứ vào ngày 8-4 âm lịch, dân làng còn ra lấy nước về cúng, để mong cho cả năm yên lành, khỏe mạnh và no đủ. Từ ngàn năm qua, ngày này đã trở thành ngày hội làng để vinh danh và nhớ ơn công đức của ông tổ nghề đúc đồng, cho thế hệ mai sau tiếp nối phát huy. Sau đó, anh Quý chỉ cho tôi đường đến nhà nghệ nhân Nguyễn Văn Lục, ở xóm Sôn, người đã được vinh danh "Bàn tay vàng". Đó cũng là nghệ nhân đầu tiên của làng đúc đồng Đại Bái được thành phố và Nhà nước công nhận.
2. Tôi cứ ngẫm việc chạm khắc "Tam khí" hay "Ngũ khí" trên mỗi vật phẩm quả là một kỳ công. Đó là việc vẽ hình và chạm khắc những kim loại màu trên vật phẩm bằng đồng. Khi vào nhà nghệ nhân Nguyễn Văn Lục, tôi mới nhận ra điều này phần nào, khi thấy ông đang miệt mài cùng các học trò hoàn thiện cặp lục bình đồng cao 1,6m. Ông khẳng định đây là cặp lục bình lớn nhất trong làng hiện nay. Cùng với đó việc chạm khắc "Ngũ khí" các chữ và bộ tứ bình trên lọ, đòi hỏi rất nhiều công phu và bàn tay tài hoa của những người thợ. Mỗi người một việc, người thì khắc vàng vào những con chữ, người lại chạm bạc vào những bông hoa. Có người tỉ mỉ chạm đồng đen lên những viền khung tranh… Trước mắt tôi là những sợi bạc, lá vàng long lanh trong nắng mới. Những sắc màu lấp lánh trong bàn tay những người thợ trẻ. Nghệ nhân Lục tâm sự, đây là một đơn làm hàng cho một đại gia, với cặp lục bình có giá 400 triệu đồng.
Tiện ngồi bên bàn trà, tôi hỏi chuyện làm nồi và chậu thau xưa, thì ông cười bảo, bây giờ không còn người đặt hàng nữa. Sau đó ông vào trong nhà, lấy ra một mớ nhẫn bạc và vàng được chạm khắc tinh xảo, rồi đưa tôi xem. Ông kể, làng Đại Bái giờ chỉ làm hàng mỹ nghệ và đồ thờ, vì thị trường đang thịnh hành. Nhưng ông lại nhớ về những ngày xa xưa ấy, ngày đêm gò nồi, gò chậu để kiếm từng xu, từng hào đong gạo. Biết bao ký ức của người đã ở tuổi gần kề lục tuần tràn về. Đó là những đêm âm thầm, bí mật đi mua phế liệu đồng vào thời buổi còn bị cấm đoán. Cái nghề đồng nát lang thang khắp đây đó đã làm người Đại Bái ngỡ như mờ mịt, nhưng vẫn nuôi mầm hy vọng cho một tương lai của làng nghề…
Rồi ông bất chợt khoe, lớp con cháu ông như Nguyễn Văn Trung, tuy mới ở tuổi 30 nhưng đã được thành phố trao tặng danh hiệu "Nghệ nhân Dân gian" và "Bàn tay vàng", nhân cuộc thi vào dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội (2010). Đây là nghệ nhân được công nhận trẻ nhất làng. Ông hồ hởi với niềm vui vì lớp nghệ nhân mới đều tuổi trẻ tài cao, tổ chức làm ăn có bài bản và dám làm dám chịu. Ông cho biết Tết này nghệ nhân Trung mới hoàn thành bức tượng Phật bằng đồng cao hơn 2m và đã cung tiến cho chùa làng. Đồng và vật liệu do nhiều người gom góp lại, còn nghệ nhân Trung là người thực hiện đúc và chạm khắc chi tiết. Phải nói đây là một tác phẩm rất khó khi thi công, từ mọi khâu cho đến việc chạm khắc cuối cùng.
Nói rồi, ông dẫn tôi đến nhà nghệ nhân Nguyễn Văn Trung, ở ngay trên đường làng. Tiếp tôi là chị Huyền, vợ nghệ nhân Nguyễn Văn Trung, ở ngay dưới xưởng làm hàng. Hàng chục thợ trẻ đang hối hả làm việc. Trung đi ký hợp đồng giao cho vợ ở nhà quản lý. Không ngờ chị Huyền cũng là một thợ giỏi và nắm rất vững nghề. Chị dẫn tôi lên cửa hàng, giới thiệu những tác phẩm của chồng, được xét duyệt danh hiệu "Bàn tay vàng". Đó chính là bộ chóe và đồ thờ được khắc chạm năm màu. Chị say sưa kể, coi đó là niềm tự hào chung của cả làng nghề.
3. Người tôi gặp cuối cùng là anh Hùng "điếu", thương hiệu của một nghệ nhân trong làng Đại Bái đi làm ăn ở xa. Nhìn thấy anh đi trong ngõ với dáng vóc lãng tử và mái tóc dài, tôi chợt hình dung đó là một nghệ sĩ dân dã, pha chút bụi bặm và đầy chất thiên bẩm dành cho những sáng tạo. Người trong nghề đã quên cái tên Nguyễn Ngọc Hùng mà chỉ sướng với cái tên Hùng "điếu" của anh. Bởi lẽ anh dành trọn cả chục năm làm công việc sáng tạo ra những cái điếu được bọc đồng. Cho dù những năm gần đây, anh đã chuyển sang làm đèn dầu, nhưng mọi người vẫn quen gọi anh bằng cái tên cũ.
Kể với tôi, anh muốn dành công sức tìm về cõi tâm linh, với ánh sáng của những ngọn đèn dầu. Bao ký ức của một thuở học trò trong làng Đại Bái gắn với chiếc đèn dầu. Rồi những đêm mẹ chong đèn chờ bố trở về, với sự thấp thỏm lo âu, cùng tiếng khóc trẻ thơ cho đến sáng. Hùng tưởng nhớ đến chuyện nhà nào trên bàn thờ cũng có một chiếc đèn dầu để thắp hương dâng lễ khấn trời đất. Nay cho dù đã có đèn điện thắp sáng, nhưng ở nhiều miền quê, nhà nhà vẫn thắp đèn dầu trên bàn thờ gia tiên. Đây chính là sự động viên vô giá với người làm nghề như anh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.