Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lan tỏa văn hóa Việt

Quang Huy| 10/04/2016 06:36

(HNM) - Mới đây tại Nhật Bản, phở vừa trở thành món ăn Việt Nam đầu tiên có một ngày tôn vinh riêng, ngày 4-4:

Giờ đây, ở rất nhiều quốc gia, việc tìm một cửa hàng phở không còn khó khăn như trước và món ăn này dần trở thành một nét văn hóa đặc sắc của Việt Nam. Thậm chí, năm 2011, món phở đã trở thành một từ được định nghĩa trong từ điển Merriam-Webster nổi tiếng của Mỹ. Sự phổ biến của món ăn này đã khiến cho giá trị ẩm thực của Việt Nam ngày càng được chú ý. Mới đây tại Nhật Bản, phở vừa trở thành món ăn Việt Nam đầu tiên có một ngày tôn vinh riêng, ngày 4-4: "Ngày của Phở".

Chủ tịch Hiệp hội Những ngày kỷ niệm của Nhật Bản trao giấy chứng nhận "Ngày của Phở".


Sự kiện thú vị này được thực hiện theo ý tưởng của Công ty Acecook Nhật Bản sau khi gửi đơn đăng ký đến Hiệp hội Những ngày kỷ niệm của nước này với mục đích quảng bá cho món phở Việt. Đề nghị đã nhanh chóng được chấp thuận. Lý do khiến người dân Nhật Bản chọn ngày 4-4 là "Ngày của Phở" bởi lẽ số 4 trong tiếng Anh là "four", phát âm giống với "Fo", cách gọi món phở trong tiếng Nhật. Nhân dịp đó, ngày 2-4, tại thành phố Suita, tỉnh Osaka, lễ trao giấy chứng nhận "Ngày của Phở" chính thức công nhận sự tồn tại của ngày này đã diễn ra với sự tham dự của đại diện Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Osaka và truyền thông Nhật Bản. Phát biểu tại buổi lễ, ông Trần Đức Bình, Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Osaka, tin rằng, "Ngày của Phở" sẽ giúp giới thiệu món ăn này đến từng người dân Nhật Bản và góp phần vào việc phát triển nền văn hóa ẩm thực vốn rất tinh tế của đất nước Mặt trời mọc. Ông cũng mong muốn thông qua sự kiện này, người dân Nhật Bản hiểu thêm về văn hóa ẩm thực nói riêng và văn hóa Việt Nam nói chung. Buổi lễ diễn ra đúng thời điểm hoa anh đào nở rộ, thu hút sự chú ý của hàng chục nghìn người dân Osaka và các thành phố lân cận. Các lưu học sinh và cộng đồng người Việt sinh sống tại khu vực Kansai cũng tham dự sự kiện này với niềm tự hào.

Điều khiến cho món phở nhận được nhiều thiện cảm từ các thực khách Nhật là bởi hương vị thơm ngon và đặc trưng của ẩm thực Việt Nam. Bên cạnh đó, giống với các món ngon nổi tiếng khác của đất nước hình chữ S, nguyên liệu để làm phở khá dễ kiếm, dễ nấu và vì thế được quảng bá rất rộng rãi ở Nhật. Khi được hỏi về ẩm thực Việt, Trưởng đại diện cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam, ông Mori Mutsuya cho rằng: "Các món ăn Việt Nam có phong cách chế biến giống như người Nhật Bản, từ cách chế biến đến chọn nguyên liệu. Điều này chứng tỏ triết lý nấu ăn của người Việt Nam và Nhật Bản có nhiều tương đồng".

Sau sự kiện lần này, Công ty Acecook sẽ đưa món phở ăn liền của mình vào hệ thống hàng chục nghìn các cửa hàng tiện lợi ở Nhật Bản, để giới thiệu cả hương vị của món phở Việt Nam đến với người dân nước này. Toàn bộ nguyên liệu bánh phở của sản phẩm phở ăn liền được làm từ gạo của Việt Nam nhằm tái hiện một cách trung thực sự đặc sắc của món ăn. Nước dùng được nghiên cứu, thử nghiệm và sản xuất theo hương vị của những quán phở nổi tiếng khắp Việt Nam để tạo ra sản phẩm phở ngon, hợp khẩu vị với người Nhật Bản.

Cùng thời điểm này, bên kia Thái Bình Dương, ngày 3-4, Đại sứ quán Việt Nam tại Mexico đã tổ chức "Ngày Phở Việt" với sự tham gia của đại diện chính quyền thành phố, quan chức liên bang, đại diện các cơ quan báo chí và đông đảo bạn bè nước sở tại. Sự kiện nhằm tăng cường quảng bá hình ảnh đất nước, con người và văn hóa Việt Nam, cụ thể là văn hóa ẩm thực Việt với các món ăn nổi tiếng.

Tại buổi lễ, ông Arturo Perez Behr, Chủ tịch Hiệp hội Xuất nhập khẩu quốc gia Mexico (ANIERM) và bà Therese Margolis, một người bạn của Việt Nam, đều ca ngợi món phở, coi đây là nét văn hóa đẹp của đất nước Việt Nam.

Hy vọng với những cột mốc đáng nhớ này, văn hóa ẩm thực nói riêng và văn hóa Việt Nam nói chung sẽ có dịp được lan tỏa, tạo tiền đề cho việc quảng bá hình ảnh về đất nước, con người Việt Nam trên khắp thế giới.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Lan tỏa văn hóa Việt

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.