Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lan tỏa tri thức trong nông dân

Thế Văn| 09/01/2023 07:00

(HNM) - “Tôi chỉ ước mơ một ngày nào đó tri thức được phủ hết trên những cánh đồng, chuồng trại, ao bè, tri thức đi vào người nông dân. Những khái niệm học thuật như nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp chính xác, nông nghiệp hữu cơ… trở thành những giáo trình nhẹ nhàng nhất để người nông dân có thể dễ hiểu, chấp nhận và dễ hành động nhất. Như vậy những sáng kiến đổi mới sẽ không còn manh nha mà phát triển thành chuỗi, đồng bộ, mang lại bộ mặt mới cho nền nông nghiệp Việt Nam”… Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đã nói như vậy trong Hội thảo Nông nghiệp thông minh tại Việt Nam 2023 với chủ đề Xây dựng chuỗi Nông nghiệp thông minh từ “Nông trại đến bàn ăn”.

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư tác động mạnh mẽ đến các lĩnh vực đời sống kinh tế - xã hội và nông nghiệp thông minh là một tất yếu phát triển. Nông nghiệp thông minh không chỉ gia tăng kết nối sản xuất và kinh doanh mà còn nâng cao hiệu quả quản lý, mang lại nhiều giá trị mới cho ngành Nông nghiệp. Không ít mô hình nông nghiệp thông minh đã được ứng dụng tại Việt Nam, mang lại hiệu quả hết sức tích cực. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia đã thẳng thắn nhìn nhận: Trình độ của đại bộ phận nông dân còn hạn chế, do vậy, khó tiếp cận với những giá trị mới. Như vậy, tri thức hóa nông dân nhằm nâng cao năng lực tiếp cận cũng như kỹ năng để đón nhận, khai thác những giá trị mới là hết sức cần thiết và mang ý nghĩa nền tảng.

Trong bối cảnh hiện tại, để phát triển nông nghiệp thông minh, trước hết cần có một cách tiếp cận phù hợp dựa trên nhiều yếu tố, qua đó phương thức sản xuất được tối ưu hóa, bảo đảm hài hòa giữa kinh tế - xã hội và môi trường. Đặc biệt, xây dựng chuỗi sản xuất và phân phối nông nghiệp thông minh cần bảo đảm cả 3 tiêu chí: Toàn diện, hiệu quả và bền vững.

Tiếp cận thông minh với thị trường được xem là yếu tố hàng đầu trong sản xuất nông nghiệp, bởi những thay đổi thị trường tác động trực tiếp đến sản xuất và đời sống người nông dân. Nói cách khác, sản xuất nông nghiệp phải gắn với nhu cầu thị trường và người nông dân cần phải biết sản xuất cái gì, vào thời điểm nào, sản lượng bao nhiêu và bán cho ai; đồng thời bảo đảm các yêu cầu, chỉ tiêu chất lượng của thị trường. Mặt khác, cùng với việc chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với lợi thế của từng vùng miền, địa phương, nhu cầu thị trường và điều kiện biến đổi khí hậu, cần trang bị cho người nông dân những kiến thức cơ bản để khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên là nguyên liệu sản xuất như đất đai, nguồn nước… thông qua việc ứng dụng công nghệ hiện đại.

Bên cạnh các giải pháp kết nối nhà khoa học, doanh nghiệp Việt Nam và thế giới để giới thiệu, chuyển giao, ứng dụng công nghệ mới, công nghệ hiện đại trong sản xuất, kinh doanh, theo nhiều chuyên gia nông nghiệp, cần đặc biệt chú trọng việc chọn tạo giống phù hợp với nhu cầu thị trường cũng như phân loại, chế biến nông sản và ngành Nông nghiệp cần nghiên cứu, xây dựng ngân hàng sinh học cho việc khai thác sử dụng với mục tiêu mang lại lợi ích cho người nông dân. Cùng với đó là đẩy mạnh ứng dụng của Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Và số hóa được xem là xu hướng tất yếu để nâng cao tính hiệu quả, qua đó gia tăng giá trị của các chuỗi liên kết cũng như năng lực quản lý, kinh doanh các sản phẩm nông nghiệp.

Người nông dân không thể đứng ngoài công cuộc chuyển đổi số và cần tiếp cận gần hơn với nghiên cứu khoa học cũng như công nghệ hiện đại. Lan tỏa tri thức trong nông dân là nền tảng cơ bản để phát triển một nền nông nghiệp thông minh.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Lan tỏa tri thức trong nông dân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.