Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lan tỏa niềm hạnh phúc

Chí Kiên| 13/11/2020 06:02

(HNM) - Cũng như các bậc học khác, thời gian qua, bậc học mầm non của Hà Nội đã được đầu tư toàn diện cả về cơ sở vật chất và con người. Đến nay, tỷ lệ trường mầm non chuẩn quốc gia đạt 70%; 100% giáo viên đứng lớp đều có trình độ đào tạo đạt chuẩn.

Với quy mô cấp học mầm non lớn nhất cả nước, đây là nỗ lực rất lớn, thể hiện quyết tâm của ngành Giáo dục Thủ đô trong việc không ngừng nâng cao chất lượng dạy học và chăm sóc trẻ ở bậc học đầu tiên trong hệ thống giáo dục quốc dân.

Không dừng lại ở đó, với quan điểm giáo dục mầm non là nền móng cho sự phát triển thể chất, trí tuệ, tình cảm, thẩm mỹ của trẻ ở các cấp học sau, ngành Giáo dục Thủ đô đã làm điểm mô hình “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm”; nay sẽ tăng tốc, đẩy mạnh triển khai, xác định “Xây dựng trường, lớp mầm non hạnh phúc” là nhiệm vụ trọng tâm trong năm học 2020-2021. Đây là những bước đi đột phá, góp phần quan trọng đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục Thủ đô.

“Xây dựng trường, lớp mầm non hạnh phúc” có những tiêu chí cụ thể, sát thực tế, như: Tạo môi trường xanh, sạch, an toàn, thân thiện; lấy trẻ làm trung tâm; cán bộ, giáo viên, nhân viên làm gương cho trẻ… Như vậy, có thể thấy, việc xây dựng môi trường học tập hạnh phúc không chỉ đáp ứng mong mỏi của các bậc cha mẹ, mà đây còn là nhiệm vụ trọng tâm lâu dài, xuyên suốt của ngành Giáo dục Thủ đô.

Thực hiện được yêu cầu kể trên, trước hết phải nói đến vấn đề con người mà trực tiếp là đội ngũ nhà giáo - yếu tố quyết định tạo nên trường, lớp học hạnh phúc. Do đó, bên cạnh tiếp tục bảo đảm về số lượng, chất lượng, ngành Giáo dục Thủ đô cần thường xuyên quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, nghiệp vụ sư phạm cho giáo viên bậc học mầm non; quản lý chặt chẽ chất lượng theo chuẩn nghề nghiệp. Quan tâm thực hiện tốt các cơ chế, chính sách liên quan nhằm giúp đội ngũ giáo viên yên tâm công tác, gắn bó lâu dài với nghề. Đặc biệt, cần khuyến khích giáo viên tự học, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, tu dưỡng đạo đức; bảo đảm không có giáo viên mầm non vi phạm đạo đức nhà giáo, kiên quyết loại bỏ những hành vi bạo hành với trẻ. Trên tinh thần này, mỗi giáo viên phải không ngừng nâng cao năng lực ứng xử chuẩn mực, luôn tận tụy, yêu nghề; phải là tấm gương lấy yêu thương, gần gũi và tôn trọng để giáo dục, chăm sóc trẻ.

Cơ sở vật chất cũng đóng vai trò quan trọng trong xây dựng trường, lớp học hạnh phúc; trong khi đó, tại một số địa phương có số trẻ ra lớp ngày một tăng. Do đó, việc quan tâm nhiều hơn tới bậc học mầm non bằng việc ưu tiên dành quỹ đất, tăng cường đầu tư xây dựng hệ thống trường lớp, mua sắm trang thiết bị phục vụ dạy học và chăm sóc trẻ là rất cần thiết và cấp bách. Việc chuẩn hóa trường, lớp học cũng phải chú trọng đến các quy chuẩn xây dựng; đồ chơi an toàn, phù hợp lứa tuổi mầm non; bếp ăn có chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm… Bên cạnh đó, với đặc thù bậc học mầm non ở Hà Nội có nhiều cơ sở ngoài công lập nên trách nhiệm của cơ quan quản lý càng nặng nề hơn. Tăng cường thanh tra, kiểm tra là yêu cầu đặt ra nhằm sớm phát hiện những tồn tại, hạn chế để ngăn chặn, chấn chỉnh kịp thời.

Trẻ em chính là đối tượng mà trường, lớp học hạnh phúc hướng đến. Do đó, chỉ khi học sinh và giáo viên hạnh phúc mới tạo nên trường, lớp học hạnh phúc. Khi ấy, niềm hạnh phúc không chỉ bó hẹp dưới mái trường, mà còn lan tỏa, góp phần tạo nên gia đình hạnh phúc, xã hội hạnh phúc.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Lan tỏa niềm hạnh phúc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.