Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lan tỏa nghĩa cử cao đẹp từ Triển lãm “Những tấm gương bình dị mà cao quý”

Nguyễn Thanh| 17/05/2022 17:22

(HNMO) - Thiết thực kỷ niệm 132 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2022); 111 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5/6/1911 - 5/6/2022), thực hiện chỉ đạo của Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, ngày 17-5, Bảo tàng Hồ Chí Minh khai mạc Triển lãm “Những tấm gương bình dị mà cao quý”. Đây là sự kiện được tổ chức thường niên, nhằm tôn vinh những tấm gương “người tốt, việc tốt” trên khắp mọi miền đất nước, đưa việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” trở thành công việc thường xuyên của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng và các đại biểu tham quan triển lãm.

Tới dự sự kiện có Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương Lại Xuân Môn.

Xúc động những tấm gương bình dị mà cao đẹp

Triển lãm “Những tấm gương bình dị mà cao quý” năm nay giới thiệu hơn 200 tài liệu, bài viết và hiện vật gắn với 43 tập thể, 89 cá nhân trên khắp mọi miền Tổ quốc. Đây là những tấm gương tiêu biểu, được lựa chọn từ vô vàn người tốt, việc tốt, những nghĩa cử cao đẹp trên cả nước, để cùng quy tụ về đây, viết nên câu chuyện đời đậm tính nhân văn sâu sắc.

Một trong những câu chuyện được giới thiệu tại triển lãm đặc biệt này là về thương binh Nguyễn Tiến Dân ở phường Thanh Khê Đông (thành phố Đà Nẵng). Với tinh thần “tàn nhưng không phế”, ông Nguyễn Tiến Dân luôn nỗ lực, phấn đấu không ngừng cho công tác thiện nguyện giúp đời, giúp người mà ông hằng tâm niệm. Với hành trình “Thắp sáng ước mơ - Cùng bạn đến trường”, từ năm 2000, ông dành dụm tiền của bản thân, đồng thời vận động thêm bạn bè, đồng đội giúp đỡ học sinh nghèo thông qua các hoạt động tặng sách vở, đồ dùng, áo ấm… Hơn 20 năm qua, hành trình ý nghĩa này mỗi ngày được nối dài thêm từ những bước chân ông in hằn khắp dải đất miền Trung. Riêng trong đợt dịch Covid-19 năm 2021, ông đã quyên góp được 20 nghìn chiếc khẩu trang, 1 nghìn kính chống giọt bắn, 15 nghìn vở học sinh, 3,5 tấn gạo cùng tiền mặt cho Quỹ phòng, chống dịch của Hội Cựu chiến binh thành phố Đà Nẵng. Song song với hoạt động thiện nguyện, ông Dân còn miệt mài với những chuyến đi tìm hài cốt liệt sĩ, đưa đồng đội trở về quê hương. Ông đã đăng ký tự nguyện hiến thi hài của mình (sau khi qua đời) cho công tác nghiên cứu khoa học tại Khoa Y Dược, Đại học Đà Nẵng. 

Cùng chung tâm nguyện vì cộng đồng, ông Nguyễn Ngọc Tuy ở xã Tuấn Việt, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương đã được người dân quanh vùng yêu mến gọi bằng cái tên “ông cứu hộ đầu bạc”. Do sinh sống gần quốc lộ, chứng kiến nhiều tai nạn thương tâm, ông Tuy đã cùng tham gia thành lập trạm sơ cứu Chữ thập đỏ và là thành viên tình nguyện tích cực của địa chỉ này, góp phần hỗ trợ nhiều trường hợp gặp tai nạn vượt qua nguy hiểm ban đầu. Không chỉ vậy, với việc sản xuất kinh doanh của gia đình, ông Tuy tham gia mở lớp dạy nghề cho người khuyết tật, hưởng ứng nhiệt tình các hoạt động tặng quà cho người có hoàn cảnh khó khăn, đồng thời giúp thêm nhiều lao động nghèo có việc làm ổn định, vươn lên trong cuộc sống. Những việc làm của ông đã được địa phương ghi nhận, tôn vinh bằng nhiều bằng khen, giấy khen, kỷ niệm chương…

Ngoài thương binh Nguyễn Tiến Dân, “ông cứu hộ đầu bạc” Nguyễn Ngọc Tuy, Triển lãm “Những tấm gương bình dị mà cao quý” còn giới thiệu 130 câu chuyện điển hình khác từ năm 2021-2022. Đây là những tấm gương sáng đại diện cho phong trào thi đua yêu nước trên mọi lĩnh vực. Trong đó, mỗi hình ảnh, bài viết là một câu chuyện cảm động về những con người bình dị đã vượt lên hoàn cảnh, số phận, không ngừng cố gắng, hết lòng vì lợi ích của cộng đồng, vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Người xem được đọc nhiều câu chuyện ý nghĩa về 132 tấm gương tiêu biểu.

Nhân lên người tốt, việc tốt trong xã hội 

Đã thành thông lệ, Triển lãm “Những tấm gương bình dị mà cao quý” mỗi dịp tháng 5 về luôn hấp dẫn công chúng nhờ chính những câu chuyện đa góc cạnh và tràn đầy hơi thở cuộc sống. Ngày trong ngày đầu mở cửa, triển lãm đã thu hút hàng trăm lượt khách tới tham quan, tìm hiểu. Bằng lối dẫn chuyện cởi mở và đầy dung dị, triển lãm góp phần “vẽ” nên bức chân dung sinh động, gần gũi của những tập thể, cá nhân hết lòng, hết sức vì lợi ích của cộng đồng, vì sự phồn vinh của đất nước.

Có mặt tại triển lãm trong ngày đầu mở cửa, bà Vì Thị Sỹ (huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La) cho biết: Rất xúc động với những cá nhân, tập thể được giới thiệu tại sự kiện. Từ người dành nhiều năm thu gom rác không công cho xóm làng; nhóm nấu cơm từ thiện; chiến sĩ bảo vệ biên cương Tổ quốc… đến các y, bác sĩ hết mình trên mặt trận chống dịch Covid-19, tất cả đã cho thấy những nghĩa cử cao đẹp vì cộng đồng, vì đất nước.

Còn theo ông Lại Văn Tú (quận Đống Đa, Hà Nội), Triển lãm “Những tấm gương bình dị mà cao quý” tại Bảo tàng Hồ Chí Minh vẫn luôn là điểm đến quen thuộc của ông và gia đình mỗi dịp tháng 5 về. Chính những câu chuyện chân thực mà đa dạng, lấp lánh tình người trong cuộc sống còn nhiều bộn bề đã tạo nên sức hút, hình thành thương hiệu của sự kiện tròn 10 năm được tổ chức tại đây. 

Triển lãm “Những tấm gương bình dị mà cao quý” được trưng bày tại Bảo tàng Hồ Chí Minh từ nay đến hết tháng 9-2022 và sẽ được tổ chức trưng bày tại một số địa phương trên cả nước trong thời gian tới. Nhân dịp này, Bảo tàng Hồ Chí Minh cũng giới thiệu đến công chúng bộ sách Người tốt, việc tốt được xuất bản năm 1958. Bộ sách là tập hợp các tấm gương được Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh dấu thưởng huy hiệu và xuất bản theo chỉ đạo của Người.

Chia sẻ cảm nghĩ tại sự kiện, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương Lại Xuân Môn khẳng định, triển lãm là sự kiện quan trọng, góp phần tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức tu dưỡng, rèn luyện và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong toàn xã hội, đặc biệt trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, thanh niên, học sinh…, qua đó, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và các tệ nạn xã hội; thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Bên cạnh đó, triển lãm còn tôn vinh những tấm gương “Người tốt, việc tốt” trên khắp mọi miền đất nước, đưa việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” trở thành công việc thường xuyên của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta.

“132 tấm gương được giới thiệu tại triển lãm cũng chính là 132 bông hoa đẹp nhất, tiêu biểu nhất được Ban tổ chức lựa chọn kính dâng lên Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân dịp kỷ niệm 132 năm Ngày sinh của Người”, ông Lại Xuân Môn nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Lan tỏa nghĩa cử cao đẹp từ Triển lãm “Những tấm gương bình dị mà cao quý”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.