(HNM) - Với trên 800 cơ quan báo chí, hơn 42.000 người làm báo, báo chí Việt Nam đang có đội ngũ người làm báo “hùng hậu” nhất trong lịch sử 95 năm thành lập. Trong bối cảnh bùng nổ thông tin, vai trò, vị thế của báo chí và người làm báo đối với sự phát triển đất nước ngày càng được khẳng định, đặc biệt là trong công tác đấu tranh chống tiêu cực và lan tỏa những năng lượng tích cực.
Nhân kỷ niệm 95 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2020), nhiều bạn đọc đã gửi ý kiến đến Báo Hànộimới bày tỏ quan điểm về vấn đề này.
Nhà báo Viêm Hoàng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo thành phố Hà Nội:
Hài hòa giữa đấu tranh chống tiêu cực và lan tỏa những mặt tích cực
Trong giai đoạn hiện nay, các nhà báo không chỉ dấn thân với nghề bằng tinh thần trách nhiệm, mà còn phải trau dồi, trang bị cho mình kiến thức đa dạng, toàn diện. Như vậy báo chí mới phát huy được vai trò tuyên truyền, định hướng dư luận, bảo đảm tính thiết thực đối với lợi ích quốc gia, dân tộc… Báo chí ngày nay vừa mạnh mẽ đấu tranh chống tham nhũng, tệ nạn, lên án cái xấu, cái ác, song cũng cần đề cao tính nhân văn.
Báo chí cần hài hòa giữa đấu tranh chống tiêu cực đi đôi với lan tỏa những năng lượng tích cực trong xã hội. Để làm tốt công tác này, các cơ quan báo chí cần phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền để cái đẹp, cái tốt có sức lan tỏa rộng lớn. Bạn đọc cũng tham gia phát hiện, cung cấp thông tin cho báo chí kịp thời, góp phần nhân lên những mặt tốt đẹp, khích lệ cá nhân, tập thể tiến bộ, sống đẹp hơn, trách nhiệm hơn với bản thân, gia đình, cộng đồng và xã hội.
Ông Nguyễn Quang Thắng, Chủ tịch UBND phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy:
Báo chí là cầu nối quan trọng giữa Đảng, chính quyền với nhân dân
Có điều kiện tiếp xúc với nhiều phóng viên của các cơ quan báo chí, tôi thực sự khâm phục và cảm ơn trước sự tận tâm với nghề và trách nhiệm xã hội của các nhà báo. Báo chí không chỉ là kênh thông tin quan trọng tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đến cấp cơ sở và người dân một cách nhanh chóng, sâu rộng và chính xác, mà còn là cầu nối giúp chính quyền cơ sở tăng cường hiệu quả quản lý, đến gần hơn với mọi tầng lớp nhân dân.
Rất nhiều những tấm gương điển hình, gương người tốt, việc tốt, mô hình tốt… đã được phản ánh chân thực và sinh động, nhân lên những điều tốt đẹp, góp phần lan tỏa năng lượng tích cực trong xã hội. Bên cạnh đó, hàng loạt vụ việc vi phạm, lãng phí… tại cơ sở cũng được báo chí phát hiện, giúp chính quyền nhận ra những hạn chế còn tồn tại để kịp thời khắc phục, xử lý.
Đảng viên Lê Đức Hoàn, 70 năm tuổi Đảng, Chi bộ phố Ga, thị trấn Thường Tín, huyện Thường Tín:
Nhà báo phải có bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp
Trải qua lịch sử gần một thế kỷ của mình, báo chí cách mạng Việt Nam chưa bao giờ đứng trước nhiều cơ hội và thách thức như hiện nay. Thời đại bùng nổ công nghệ thông tin và truyền thông khiến ai cũng có thể trở thành nguồn tin và tin giả càng có cơ hội để lan truyền. Bởi vậy, báo chí vừa phải cạnh tranh với mạng xã hội để thu hút độc giả, vừa phải đấu tranh với vấn nạn tin giả trên mạng xã hội. Thời gian qua, đã xảy ra không ít vụ tin giả, những tin có vẻ “vô thưởng, vô phạt” nhưng đã gây tác hại không nhỏ cho người dân, doanh nghiệp.
Hơn lúc nào hết, báo chí phải cung cấp thông tin có kiểm chứng, đấu tranh chống lại tin xuyên tạc, tin giả, tin xấu, tin độc hại. Chính cuộc đấu tranh này sẽ khẳng định rõ vai trò của báo chí trong giai đoạn mới. Để giữ vững niềm tin của độc giả với chính mình, nhà báo phải có bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp, năng lực chuyên môn tốt để thông tin sự thật khách quan, nhanh nhạy và chính xác đến người dân cả nước.
Bà Trần Thanh Loan, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển nông nghiệp Lạc Hồng (phường Phương Liệt, quận Thanh Xuân:
Báo chí phải "phò chính, diệt tà"
Sự bùng nổ thông tin trong thời đại Cách mạng công nghiệp lần thứ tư giúp con người dễ dàng tiếp cận thông tin, chia sẻ quan điểm về các vấn đề, sự kiện diễn ra trên toàn thế giới. Tuy nhiên, sự đa dạng cũng tiềm ẩn sự nhiễu loạn, khiến không ít người hoang mang đâu là tin chính thống, đâu là tin thất thiệt. Sự bất minh về thông tin cũng là một dạng “vi rút”, âm thầm phá hoại nhận thức của mỗi cá nhân. Bên cạnh đó, sự tràn lan của các dạng truyền thông với mục đích câu kéo lượt xem và tương tác, kích động trí tò mò, đưa người đọc vào những thông tin vô bổ… nhưng lại thu hút sự quan tâm của nhiều người, đặc biệt là giới trẻ, gián tiếp làm méo mó nhận thức, lối sống của một bộ phận thanh thiếu niên.
Chính vì vậy, mỗi người làm báo Việt Nam phải thực hiện tốt lời căn dặn của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhân kỷ niệm 95 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam là: Báo chí phải “phò chính, diệt tà”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.