Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lan tỏa mô hình ''Thôn thông minh''

Nguyễn Mai| 18/11/2022 06:12

(HNM) - Theo bộ Tiêu chí của Trung ương và thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025, mỗi xã nông thôn mới kiểu mẫu có ít nhất một mô hình "Thôn thông minh". Thời điểm hiện tại, nhiều xã trên địa bàn Thủ đô đang khẩn trương triển khai xây dựng, lan tỏa mô hình này. "Thôn thông minh" không chỉ là vấn đề đặt ra với nông thôn mới kiểu mẫu mang đặc trưng Hà Nội mà còn là xu thế phát triển tất yếu của nông thôn Việt Nam trong thời đại công nghệ 4.0.

Nhân viên ngân hàng hỗ trợ người dân thôn Phù Đổng 2 (xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm) cài đặt ứng dụng trên điện thoại thông minh để có thể nhận tiền bán sản phẩm sữa bằng hình thức chuyển khoản.

Nhiều lợi ích từ ứng dụng công nghệ

Xã Phù Đổng (huyện Gia Lâm) có hơn 400 hộ dân trồng hoa, cây cảnh, trong đó khoảng 50% là trồng hoa giấy. Trung bình mỗi gia đình có 1-2 sào hoa giấy, thu lợi nhuận 100-200 triệu đồng/năm, cao hơn nhiều so với trồng lúa. Chủ tịch Hội Làng nghề hoa - cây cảnh Phù Đổng Nguyễn Bá Ngơi cho biết: Để tạo thuận lợi cho giao dịch sản phẩm, nhiều hộ dân trên địa bàn xã đã ứng dụng công nghệ thông tin trong việc bán hàng trực tuyến, cung cấp hóa đơn điện tử và giao dịch với khách hàng bằng hình thức chuyển khoản... Còn ông Đỗ Văn Báu ở thôn Phù Đổng 2 (xã Phù Đổng) chia sẻ, gia đình ông nuôi 7 con bò, bán sữa cho Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk), nhận tiền bằng hình thức chuyển khoản thay vì tiền mặt, rất thuận lợi...

Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong đời sống đang ngày càng phổ biến ở khu vực nông thôn. Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Song Phượng (huyện Đan Phượng) Tạ Thị Kim Chung cho biết: Nhờ ứng dụng công nghệ số trong việc tổ chức cuộc thi "Xuân sắc quê tôi", nên chỉ trong 4 ngày đã hoàn thành công việc, từ lên ý tưởng, xây dựng kế hoạch đến triển khai thực hiện cuộc thi. Các video clip với nội dung quảng bá hình ảnh địa phương, hưởng ứng cuộc thi "Thôn, xóm sáng - xanh - sạch - đẹp - an toàn - văn minh", tuyên truyền xây dựng mô hình "Thôn thông minh", "Tổ tự quản thông minh" đã được lan tỏa rộng rãi.

Nói về vấn đề này, Phó Chánh Văn phòng chuyên trách Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội Ngọ Văn Ngôn nhận định: Thành phố có rất nhiều lợi thế trong xây dựng mô hình “Thôn thông minh” bởi hầu hết các gia đình nông thôn có 1-2 điện thoại thông minh, đều lắp đặt mạng internet tốc độ cao. Hà Nội cũng đã có các sàn giao dịch nông sản điện tử, cơ sở dữ liệu liên quan đến đất đai, môi trường; dịch vụ công trực tuyến… thuận lợi để người dân ứng dụng công nghệ trong đời sống thường nhật.

Lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội, huyện Đan Phượng tặng điện thoại thông minh cho các bí thư chi bộ và trưởng thôn của xã Song Phượng để thuận tiện trong việc tuyên truyền xây dựng “Thôn thông minh”.

Tiến tới xã nông thôn mới thông minh

Xã Song Phượng (huyện Đan Phượng) đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu năm 2021 nhưng theo bộ Tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025 có thêm yêu cầu về mô hình “Thôn thông minh”. Do vậy, Song Phượng đã triển khai ngay mô hình này, vừa đáp ứng tiêu chí nông thôn mới, vừa đưa ứng dụng công nghệ số vào các lĩnh vực của đời sống, phục vụ thiết thực nhu cầu của người dân.

Xã Song Phượng đã thành lập Tổ công nghệ số cộng đồng cấp xã và 4 Tổ hỗ trợ công nghệ số cộng đồng ở các thôn, phối hợp với các Tổ trưởng tổ Đảng, Tổ trưởng tổ tự quản "đi từng ngõ, gõ từng nhà" vừa khảo sát, vừa hướng dẫn các hộ dân tham gia tìm hiểu, cập nhật kiến thức chuyển đổi số, ứng dụng dịch vụ công trực tuyến, cài đặt tài khoản và sử dụng phương thức thanh toán điện tử, thương mại điện tử... Mô hình này nhận được sự đồng thuận, hưởng ứng tích cực của người dân.

Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Đào Thị Hồng thông tin: Năm 2022, Đan Phượng phấn đấu có 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, nâng số xã đạt chuẩn lên con số 11. Với mô hình “Thôn thông minh”, huyện đã chỉ đạo các xã thành lập tổ công nghệ số cộng đồng làm nhiệm vụ hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến, sử dụng các dịch vụ số, tương tác với chính quyền qua các nền tảng số; hướng dẫn doanh nghiệp, hộ kinh doanh, người dân đăng ký tham gia các sàn thương mại điện tử; mở tài khoản thanh toán điện tử; hướng dẫn người dân tiếp cận, cài đặt, sử dụng các dịch vụ số phục vụ cho nhu cầu thiết yếu như: Y tế, giáo dục, chính sách xã hội, phòng chống dịch... Người dân được tiếp cận công nghệ theo cách đơn giản, tự nhiên, xuất phát từ nhu cầu, do vậy mô hình mang lại nhiều giá trị thiết thực.

Xác định xây dựng mô hình “Thôn thông minh” là một trong những mục tiêu để hoàn thành nông thôn mới kiểu mẫu năm 2022, Phó Chủ tịch UBND xã Phù Đổng (huyện Gia Lâm) Nguyễn Văn Tài cho biết: Thời gian tới, thôn Phù Đổng 2 sẽ chủ động rà soát, huy động nguồn vốn xã hội hóa lắp đặt hệ thống wifi tốc độ cao miễn phí; lắp thêm camera an ninh tại các điểm dân cư tập trung, khu vực công cộng như nhà văn hóa, các tuyến đường trục chính của thôn…

Theo Phó Chánh Văn phòng chuyên trách Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội Ngọ Văn Ngôn, không chỉ với các xã nông thôn mới kiểu mẫu, các xã nông thôn mới nâng cao cũng đã triển khai nhiều nội dung ứng dụng công nghệ số hướng tới hoàn thành các chỉ tiêu về sổ khám bệnh điện tử, khám bệnh từ xa đối với tiêu chí y tế… Nhiều xã đã thành lập các nhóm Zalo để bác sĩ tư vấn sức khỏe cho người dân…

Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 tập trung vào xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Triển khai mô hình “Thôn thông minh” là một trong những yêu cầu để đạt mục tiêu đề ra trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Đây cũng là tiền đề để hướng tới mô hình “Xã nông thôn mới thông minh” cho giai đoạn 2026-2030, góp phần xây dựng nông thôn Hà Nội văn minh, hiện đại.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lan tỏa mô hình ''Thôn thông minh''

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.