Người dân xã Văn Bình (huyện Thường Tín) phấn khởi, vui mừng khi địa phương đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu năm 2024.
Kết quả này có được là nhờ sự quan tâm đầu tư rất lớn từ ngân sách nhà nước cũng như sự chung sức, đồng lòng của nhân dân. Hiện tại, cơ sở hạ tầng ở Văn Bình khang trang, sạch đẹp, trở thành miền quê đáng sống của người dân...
Xã Văn Bình nằm gần trung tâm huyện Thường Tín gồm 3 thôn: Bình Vọng, Văn Hội và Văn Giáp với hơn 3.600 hộ dân. Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, năm 2020, xã đã được thành phố Hà Nội công nhận hoàn thành xây dựng nông thôn mới nâng cao. Từ đó đến nay, Văn Bình luôn giữ vững thành tích và tiếp tục thực hiện xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.
Theo Chủ tịch UBND xã Văn Bình Ngô Đình Tiến, tiếp tục xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, xã huy động được hơn 305 tỷ đồng để thực hiện các tiêu chí. Cơ sở hạ tầng của xã được đầu tư nâng cấp khang trang, hiện đại; 100% tuyến đường giao thông được trải nhựa hoặc đổ bê tông. Xã có 3 trường học 3 cấp đạt chuẩn quốc gia, trong đó có 2 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2. Năm 2023, Trạm Y tế xã được đầu tư xây dựng mới và đạt chuẩn quốc gia về y tế… Đó là tiền đề để người dân phát triển mạnh mẽ kinh tế - xã hội. Hiện trên địa bàn xã Văn Bình có Cụm công nghiệp Hà Bình Phương giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương. Bên cạnh đó, ở Văn Bình còn có hơn 50 công ty, doanh nghiệp và hợp tác xã sản xuất, kinh doanh hiệu quả, tạo việc làm cho nhiều lao động. Đến hết năm 2024, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 83,2 triệu đồng/người.
Cùng với vốn đầu tư của Nhà nước, xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu có sự chung sức rất lớn của nhân dân. Bí thư chi bộ, Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn Văn Giáp Nguyễn Đình Khảm cho biết, thôn Văn Giáp có hơn 1.100 hộ sinh sống. Nhân dân Văn Giáp luôn đoàn kết, cần cù, chịu khó, năng động kinh doanh, sản xuất, có truyền thống hiếu học. Trong năm 2024, người dân đã đóng góp hơn 1,2 tỷ đồng, hơn 300 ngày công; phối hợp với đơn vị thi công hoàn thành nhà văn hóa thôn; trùng tu, tôn tạo đền thờ Quan Chí Sỹ, giếng Thượng, giếng Ngọc và hệ thống nhà phục vụ chùa Pháp Vân; tu bổ các nhà văn hóa, khu vui chơi công cộng, đường làng, ngõ xóm… Đặc biệt, thôn Văn Giáp đã xây dựng thành công mô hình thôn thông minh; xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang.
Còn theo Bí thư Chi bộ thôn Bình Vọng Nguyễn Hồng Hải, kinh tế phát triển, nên khi có những công việc chung của làng, xóm, nhân dân đều sẵn sàng tham gia, ủng hộ. Dân làng Bình Vọng đã xã hội hóa xây dựng thủy đình ở khu vực ao làng, dự kiến kinh phí đầu tư khoảng 2 tỷ đồng, sẽ hoàn thành vào dịp hội làng thôn Bình Vọng đầu xuân mới năm 2025.
“Vào ngày hội, làng tổ chức 400 mâm cỗ để nhân dân trong làng chung vui, tình làng, nghĩa xóm thêm đoàn kết, gắn bó”, ông Nguyễn Hồng Hải nói.
Đáng mừng, dù kinh tế - xã hội phát triển, nhưng các thôn, làng ở Văn Bình vẫn giữ được những không gian nông thôn truyền thống. Hiện Văn Bình có Văn Từ Thượng Phúc - nơi gìn giữ, tiếp nối truyền thống hiếu học, khoa bảng của đất danh hương Thường Tín; có các chùa cổ, như: Chùa Pháp Vân (thôn Văn Giáp), chùa Phúc Hội (thôn Văn Hội), chùa Bảo Quốc (thôn Bình Vọng). Đặc biệt, khu trung tâm thôn Bình Vọng có rặng muỗm cổ thụ hàng trăm năm tuổi tỏa bóng xuống ao làng và cây cầu đá cổ kính. Nơi đây thường thu hút rất đông người dân và du khách dạo chơi, tập luyện thể dục, thể thao và chụp ảnh lưu niệm. Ở Văn Bình có thư viện Bình Vọng với hơn 15.000 đầu sách, báo cùng mạng lưới cộng tác viên hoạt động đều đặn, mở cửa vào tất cả các buổi chiều trong tuần, là địa chỉ văn hóa đọc thu hút đông đảo người dân.
Thành quả của phong trào xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu ở Văn Bình đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, để làng quê Văn Bình ngày một giàu đẹp hơn, văn minh hơn, trở thành nơi đáng sống của người dân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.