Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lan tỏa “lối sống xanh” trong cộng đồng

Bài và ảnh: Lam Giang| 12/09/2019 13:24

(HNMCT) - Thời gian qua phong trào hạn chế túi nilon và đồ nhựa dùng một lần đã lan rộng trong cộng đồng với nhiều cách làm hay đem lại hiệu quả thiết thực. Từ thực tế về việc hạn chế dùng túi nilon ở chợ Đồng Xuân và chợ Hôm - Đức Viên, những chợ giữ vị thế hàng đầu của thành phố thời gian qua đã cho thấy xu thế "sống xanh", ứng xử văn minh với môi trường đang thật sự đi sâu vào cuộc sống.

Tiểu thương chợ Đồng Xuân trao đổi kinh nghiệm giảm sử dụng túi nilon.

Những cách làm hay

Đã 35 năm kinh doanh tại chợ Đồng Xuân, chưa bao giờ chị Đỗ Thị Hội thấy tình trạng sử dụng túi nilon lại tràn lan như hiện nay. "Qua các phương tiện thông tin đại chúng và qua tuyên truyền trực tiếp từ Công ty cổ phần Đồng Xuân, chúng tôi hiểu được tác hại rất lớn của rác thải nhựa với môi trường sống và sức khỏe. Là một người kinh doanh, thường xuyên sử dụng túi nilon, tôi thấy nên góp phần thực hiện tốt phong trào này” - chị Hội chia sẻ.

Là trưởng ngành hàng quần áo, chị Hội đã cùng các chị em bàn bạc cách thức giảm tối đa việc dùng túi nilon. Từ thực tế bao gói hàng hóa và tính chất của một chợ bán buôn, chị Hội và các chị em ngành hàng quần áo có sáng kiến thay vì đóng gói 1 chiếc áo, 1 chiếc quần hay 1 bộ quần áo trẻ em vào 1 túi nilon thì sử dụng 1 túi nilon lớn hơn đựng từng lô 10 cái áo, 10 cái quần hay 10 bộ quần áo trẻ em. Chị Hội vận động chị em trong ngành hàng quần áo đề nghị phía cơ sở sản xuất đóng gói quần áo theo cách mới ngay khi xuất xưởng giao hàng.

Chị Ngô Thị Mai (quầy hàng số 13, ngành hàng may mặc, chợ Đồng Xuân) cho biết: “Nhờ cách đóng gói này mà lượng túi nilon sử dụng giảm đi trông thấy, chi phí được cắt giảm một phần. Quầy hàng lại gọn gàng, ngăn nắp, việc giao nhận hàng nhanh chóng, thuận tiện hơn hẳn”.

Từ chỗ thường cho, tặng thêm những chiếc túi nilon in logo quầy hàng như một cách giữ khách, thời gian gần đây chị Trần Lan Anh (quầy số 18, ngành hàng vải, chợ Hôm - Đức Viên) và nhiều tiểu thương tại đây đã thay đổi cách ứng xử với khách hàng.

Chị Lan Anh cho hay: “Nếu như trước đây mọi chủ hàng thường có thói quen mỗi mảnh vải bán ra cũng đựng trong một chiếc túi nilon, kể cả khách có sẵn túi mang theo hay không, thì nay mọi người đã chủ động bỏ hàng vào túi có sẵn của khách, đồng thời hạn chế việc cho thêm túi. Nếu khách hàng không đồng tình, chúng tôi sẽ tuyên truyền, giải thích”.

Cũng là một người kinh doanh lâu năm ở chợ Hôm - Đức Viên, chị Nguyễn Thị Hoa (quầy số 32, ngành hàng thực phẩm tươi sống) đã quá ngán ngẩm với tình trạng không ít khách hàng dù chỉ mua một nhúm hành cũng xin một chiếc túi nilon. Từ vận động của Ban quản lý chợ, chị Hoa và các tiểu thương ở quầy hàng thực phẩm tươi sống đã cùng nhau trao đổi cách thức giảm thiểu sử dụng túi nilon để hạn chế rác thải nhựa cũng như giảm chi phí mua túi cho chính mình.

“Mỗi khi khách hàng tới mua rau củ quả, chúng tôi đều yêu cầu xếp vào rổ. Khi khách đã chọn xong, nếu lượng hàng nhiều chúng tôi sắp vào túi nilon to, nếu lượng hàng ít chúng tôi sắp vào túi nilon nhỏ. Vì thế không còn tình trạng người mua một nắm hành lấy một túi nilon, rồi thêm một nhúm ớt lại xin một túi nilon như trước nữa. Lượng túi sử dụng của chúng tôi giảm tới một nửa” - chị Hoa chia sẻ.

Trở thành việc làm thường xuyên, hằng ngày

Theo bà Hà Thị Minh, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đồng Xuân, là một chợ đầu mối có lượng hàng lưu chuyển lớn nên ngay khi thành phố phát động hạn chế đồ nhựa dùng một lần, tiến tới thực hiện cam kết 100% các trung tâm thương mại, chợ, siêu thị trên địa bàn thành phố Hà Nội không sử dụng túi nilon dùng một lần vào năm 2020, công ty đã tích cực triển khai thực hiện. Bắt đầu từ việc văn phòng công ty đã gương mẫu sử dụng cốc thủy tinh và bình nước loại lớn thay cho chai nước dùng một lần.

“Tuy việc sử dụng túi nilon rất tiện lợi, phù hợp túi tiền song bà con đã có ý thức hạn chế phát sinh lượng lớn túi nilon bằng những sáng kiến hay từ thực tế kinh doanh như sử dụng túi giấy đựng đồ lưu niệm, hoa quả sấy khô, đóng nhiều mặt hàng trong 1 túi nilon thay vì 1 sản phẩm đựng trong 1 túi nilon như trước... Mọi người nhìn nhau cùng thực hiện, vừa là giảm được chi phí cho chính mình vừa giảm lượng túi thải ra môi trường. Đặc biệt sau khi hơn 2.000 hộ kinh doanh thực hiện ký cam kết cắt giảm túi nilon, rác thải nhựa thì phong trào lan tỏa rộng sang cả khách hàng tới mua sắm”, bà Hà Thị Minh nhận định.

Phong trào hạn chế sử dụng túi nilon, đồ nhựa dùng một lần cũng được các hộ kinh doanh ở chợ Hôm - Đức Viên hưởng ứng nhiệt tình. Bà Nguyễn Thị Thu Hằng (Ban quản lý chợ Hôm - Đức Viên) cho biết, không chỉ ký cam kết, 700 hộ kinh doanh trong chợ còn bảo nhau cắt giảm sử dụng túi nilon. Kết quả thấy rõ khi mỗi ngày lượng rác thải mà đội vệ sinh môi trường của chợ thu gom đã giảm rõ rệt so với trước kia.

Tại nhiều chợ, trung tâm thương mại lớn nhỏ trong thành phố, phong trào giảm rác thải nhựa, đồ nhựa dùng một lần, giảm sử dụng túi nilon đã và đang được triển khai ngày càng sâu rộng với những kết quả tích cực bước đầu.

Tiến sĩ Bùi Hoài Nam, Phó Viện trưởng Viện Khoa học môi trường (Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên - Môi trường) cho rằng: “Việc ngày càng nhiều người dân, hộ kinh doanh ở các chợ, trung tâm thương mại thực hiện nhiều giải pháp thiết thực, với những sáng kiến hay, hành động cụ thể nhằm giảm lượng rác thải nhựa đã cho thấy hiệu quả của công tác tuyên truyền, vận động".

"Chúng ta cần khuyến khích, nhân rộng những mô hình, việc làm như thế để "lối sống xanh", ứng xử đẹp với môi trường trở thành việc làm hằng ngày, thường xuyên trong cộng đồng. Cùng với đó, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu, đẩy mạnh sản xuất các loại bao bì, túi đựng hàng thân thiện môi trường thay thế như túi sinh học có thể phân hủy, túi giấy... để đạt mục tiêu đến năm 2020 các cửa hàng, các chợ, các siêu thị, trung tâm thương mại ở đô thị không sử dụng đồ nhựa dùng một lần, đến năm 2025 cả nước không sử dụng đồ nhựa dùng một lần như Chính phủ đã đề ra”, Tiến sĩ Bùi Hoài Nam đề xuất.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Lan tỏa “lối sống xanh” trong cộng đồng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.