Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lan tỏa chính sách an sinh...

Minh Vũ| 30/11/2022 06:20

(HNM) - Thời gian qua, việc triển khai mô hình xã, phường, thị trấn điểm về phát triển bảo hiểm xã hội tự nguyện trên địa bàn thành phố Hà Nội bước đầu đạt những kết quả khả quan. Hướng tiếp cận mới mẻ này đã và đang giúp các cơ quan chức năng đưa chính sách an sinh xã hội từng bước lan tỏa, thấm sâu vào đời sống xã hội.

Người dân thị trấn Xuân Mai (huyện Chương Mỹ) nhận sổ bảo hiểm sau khi đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Rõ cách làm, hướng đi

Nhằm đưa bảo hiểm xã hội tự nguyện đến với số đông người lao động, giúp họ có lương hưu khi về già, từ tháng 7-2021 đến nay, ngành Bảo hiểm xã hội Thủ đô đã phối hợp với chính quyền các địa phương xây dựng mô hình xã, phường, thị trấn điểm về phát triển bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Theo đó, mỗi địa phương chọn một xã, phường, thị trấn có tiềm năng, lợi thế về phát triển bảo hiểm xã hội tự nguyện để triển khai thí điểm. Theo đó, đảng ủy, chính quyền cơ sở chỉ đạo, giao chỉ tiêu, nhiệm vụ cho các đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội. Các tổ chức, đoàn thể phân công cán bộ, hội viên tiến hành rà soát, phân loại đối tượng tiềm năng để có biện pháp tuyên truyền, vận động họ tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện sao cho phù hợp, hiệu quả.

Chẳng hạn, tại huyện Ứng Hòa, xã Tảo Dương Văn được lựa chọn làm mô hình điểm về phát triển bảo hiểm xã hội tự nguyện, do Hội Liên hiệp phụ nữ xã làm nòng cốt. Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Tảo Dương Văn Trần Thị Lý cho hay, nội dung tuyên truyền tập trung làm rõ tính ưu việt của bảo hiểm xã hội tự nguyện, giúp họ thấy rõ lợi ích lâu dài khi tham gia. Tuyên truyền viên là những người có uy tín, đại diện cho cộng đồng, như: Trưởng thôn, bí thư chi bộ các khu dân cư, đại diện hội phụ nữ...; còn đối tượng trọng tâm để tuyên truyền là người trong độ tuổi lao động, các hộ kinh doanh nhỏ lẻ, người bán tạp hóa, người làm trang trại chăn nuôi. Nhờ đó, đến nay, Tảo Dương Văn đã phát triển được hơn 200 người tham gia.

Với cách làm tương tự, phường Tây Tựu (quận Bắc Từ Liêm) có thêm gần 300 người tham gia; thị trấn Xuân Mai (huyện Chương Mỹ) thu hút thêm hơn 200 người tham gia. Chị Nguyễn Thị Thìn, tổ dân phố Tiên Trượng, thị trấn Xuân Mai chia sẻ: “Với mong ước tuổi già có lương hưu, tôi tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện từ cuối năm 2021, với mức đóng hơn 200.000 đồng/tháng”.

Theo Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội Đàm Thị Hòa, đến thời điểm cuối tháng 10-2022, hệ thống xã, phường, thị trấn điểm về phát triển bảo hiểm xã hội tự nguyện có gần 7.000 người tham gia chính sách, chiếm khoảng 10% so với tổng số người tham gia trên địa bàn toàn thành phố (toàn thành phố hiện có gần 70.000 người tham gia).

Cán bộ, nhân viên Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội ra quân tuyên truyền, vận động người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Tiếp tục phát triển, nhân rộng

Hiệu quả từ những mô hình điểm về phát triển bảo hiểm xã hội tự nguyện đã được khẳng định, nhưng không dễ nhân rộng. Nguyên nhân chủ yếu, từ đầu năm 2022 đến nay, mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện tăng lên, nên những trường hợp không có việc làm, thu nhập bấp bênh khó tiếp cận với chính sách, có những trường hợp đã tham gia phải tạm dừng đóng.

Trước những khó khăn đó, ngoài chính sách hỗ trợ của Trung ương và thành phố, Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội khuyến khích các địa phương phát huy tiềm năng, lợi thế sẵn có tiếp tục duy trì, từng bước nhân rộng mô hình điểm về bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Trên tinh thần đó, các cơ quan chức năng huyện Thường Tín liên tục tổ chức hội nghị tuyên truyền về bảo hiểm xã hội tự nguyện theo nhóm nhỏ tại các khu dân cư; phân công cán bộ các đơn vị liên quan tiến hành tư vấn trực tiếp theo hình thức 1-1 cho các đối tượng tiềm năng. Bền bỉ thực hiện, từ mô hình điểm tại xã Vạn Điểm, đến nay, huyện Thường Tín có nhiều địa phương trở thành điểm sáng về phát triển bảo hiểm xã hội tự nguyện, như: Xã Dũng Tiến với gần 400 người tham gia, xã Thắng Lợi có hơn 200 người tham gia…

“Nhờ chú trọng nhân rộng mô hình điểm về phát triển bảo hiểm xã hội tự nguyện, 10 tháng năm 2022, huyện Thường Tín phát triển mới gần 1.000 người tham gia chính sách, tăng hơn 70% so với cùng kỳ năm trước”, Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Bùi Công Thản cho biết.

Đặc biệt, các quận, huyện: Long Biên, Gia Lâm, Mê Linh… đã hỗ trợ 100% mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện cho người tham gia thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo. Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Lê Văn Khương chia sẻ: “Thông qua việc hỗ trợ mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, chúng tôi tạo điều kiện cho mọi người dân có điểm tựa an sinh khi về già; tạo đà cho các mô hình điểm về bảo hiểm xã hội phát triển, nhân rộng”.

Để người dân dễ dàng tiếp cận với chính sách, các bên còn chú trọng nâng cao chất lượng tổ chức dịch vụ thu. Phó Giám đốc Bưu điện thành phố Hà Nội Bùi Văn Hoàng cho biết, Bưu điện thành phố đã xây dựng mạng lưới gần 1.000 điểm thu với 1.300 nhân viên thu, tập trung nhiều hơn ở những địa phương thực hiện mô hình điểm về bảo hiểm xã hội tự nguyện. Lực lượng này đã đến từng nhà, gặp từng người vận động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, đưa chính sách lan tỏa trong đời sống.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lan tỏa chính sách an sinh...

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.