(HNM) - Bố mẹ đều là nghệ sĩ âm nhạc truyền thống nên từ năm lên 4 tuổi, nhạc sĩ, nghệ sĩ Nguyễn Thúy My (Đoàn ca nhạc dân tộc, Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam) đã say mê những giai điệu dân tộc. Nghệ sĩ trẻ này luôn quan niệm, âm nhạc truyền thống là kết tinh vẻ đẹp hồn cốt của dân tộc qua chiều dài lịch sử, chất chứa vô vàn những điều độc đáo, thú vị. Vì vậy, chị mong muốn được góp phần giới thiệu, lan tỏa vẻ đẹp đó đến với công chúng.
Cái tên Thúy My (hay còn gọi là My My) có lẽ không còn xa lạ với nhiều khán, thính giả Việt Nam. Chị là con gái út của Nghệ sĩ ưu tú Văn Hùng (trống chèo) và Nghệ sĩ ưu tú Thúy Đạt (cải lương), nên được nuôi dưỡng trong môi trường âm nhạc truyền thống từ nhỏ. Vào những năm 1980, 1990, Thúy My cùng chị gái - nghệ sĩ Thúy Thúy (hiện đang công tác tại Phòng Dân ca, Ban Âm nhạc, Đài Tiếng nói Việt Nam) là cặp song ca nhí “giữ sóng” trong nhiều chương trình ca nhạc trên Đài Tiếng nói Việt Nam. Khi mới 9 tuổi, nghệ sĩ Thúy My có chuyến lưu diễn đầu tiên tại Festival Thiếu nhi thế giới ở Trung Quốc - năm 1993, là ca sĩ nhỏ tuổi nhất đoàn.
Sau đó, chị theo học đàn tam thập lục tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam và tham gia Cuộc thi Độc tấu và Hòa tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc lần đầu tiên được tổ chức tại Hà Nội năm 1998. Năm 2007, sau khi tốt nghiệp đại học, chị về công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam với vai trò nhạc công, biểu diễn đàn tam thập lục, đàn tứ đại và một số loại nhạc cụ khác; đồng thời làm nhạc sĩ hòa âm, phối khí và dàn dựng cho các chương trình âm nhạc. Chị đã tham gia biểu diễn nhiều chương trình nghệ thuật trong và ngoài nước, đệm đàn chính trong dàn nhạc, góp phần mang lại nhiều giải thưởng cao cho các nghệ sĩ nổi tiếng.
Đến với công việc sáng tác vào năm 2013 từ lời động viên của bố, nghệ sĩ Thúy My viết tác phẩm khí nhạc đầu tay “Một thoáng vùng cao” cho đàn tranh và dàn nhạc dân tộc. Tác phẩm gặt hái thành công khi giành giải Khuyến khích - Giải thưởng âm nhạc của Hội Nhạc sĩ Việt Nam năm 2013. Từ đó, chị đã mạnh dạn sáng tác cho các loại nhạc cụ dân tộc và được Hội Nhạc sĩ Việt Nam trao nhiều giải thưởng. Tiêu biểu là các tác phẩm “Nét duyên quê” (hòa tấu dàn nhạc dân tộc), “Biển quê hương” (độc tấu đàn bầu), “Vị quê” (độc tấu đàn nhị), “Đón bình minh” (độc tấu đàn tranh)... Đặc biệt, trong Cuộc thi Độc tấu và Hòa tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc năm 2020, nghệ sĩ Thúy My đã dàn dựng hai tiết mục do mình sáng tác, là “Biển quê hương” và “Đón bình minh”, đều giành giải Nhì.
Theo nghệ sĩ Thúy My, là một nhạc công đem lại nhiều lợi thế cho chị khi sáng tác, vì có thể nắm được tính năng của các nhạc cụ trong dàn nhạc, viết bài thuận lợi cho người thể hiện. Thông qua các sáng tác của mình, chị muốn tôn vinh nét đẹp của những nhạc cụ truyền thống Việt Nam, đặc biệt muốn các bạn trẻ hiểu biết và thêm yêu âm nhạc dân cũng như các nhạc cụ truyền thống nước nhà. “Hiện nay, khán giả thường chọn nghe các thể loại âm nhạc như nhạc trẻ, nhạc trữ tình… Rất ít người chọn nghe nhạc truyền thống. Đó là điều khiến các nhạc sĩ như tôi luôn trăn trở là phải tìm cách đưa âm nhạc dân tộc đến với nhiều khán giả hơn bằng những tác phẩm mới mẻ, sáng tạo hơn, nhưng vẫn giữ được bản sắc dân tộc”, nữ nhạc sĩ Thúy My chia sẻ.
Nghệ sĩ nhân dân Hồng Ngát, Phó Giám đốc phụ trách Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam nhận xét: “Thúy My là nghệ sĩ trẻ có nhiều tìm tòi, sáng tạo với âm nhạc dân tộc. Đặc biệt, trong những năm gần đây, Thúy My đã sáng tác nhiều tác phẩm khí nhạc cho nhạc cụ dân tộc được giới chuyên môn đánh giá cao. Ở Thúy My luôn có sự nhiệt huyết, say mê và tôi nghĩ rằng, đây sẽ là nhân tố nhiều triển vọng đưa dàn nhạc dân tộc Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam phát triển hơn”.
Còn Nghệ sĩ ưu tú Văn Chương, Phó Giám đốc Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam cho rằng, âm nhạc dân tộc, cụ thể là dân ca vốn đã rất đẹp, nhưng để tiếp cận và phù hợp với nhịp sống, hơi thở của thời đại hôm nay luôn rất cần những người “mặc áo đẹp”, “mặc áo mới” cho chúng như Thúy My đang làm. Với sự nỗ lực không ngừng, chắc chắn nhạc sĩ, nghệ sĩ này còn tiến xa hơn trên con đường nghệ thuật.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.