Theo dõi Báo Hànộimới trên

Làn sóng bạo lực đã "gõ cửa" nước Đức

Quang Huy| 24/07/2016 07:59

(HNM) - Rạng sáng 23-7 (giờ Việt Nam), nước Đức chấn động bởi một vụ tấn công bằng súng ở Munich khiến 9 người thiệt mạng và 21 người bị thương. Vụ việc xảy ra ở một trung tâm mua sắm đông đúc và để lại một cảnh tượng kinh hoàng.

Cảnh sát Đức tại hiện trường vụ xả súng ngày 23-7, khiến 9 người thiệt mạng.



Ngay lập tức, Cảnh sát Munich đã huy động hơn 2.300 nhân viên thực thi pháp luật để ứng phó với tình hình. Chính quyền thành phố đã ban bố tình trạng đặc biệt và yêu cầu dân chúng không ra khỏi nhà, nhiều tuyến đường bị phong tỏa, giao thông ngừng trệ. Hội đồng an ninh Liên bang Đức đã họp khẩn dưới sự chủ trì của Thủ tướng Angela Merkel để bàn về tình hình ở Munich. Chánh Văn phòng Thủ tướng Peter Altmeier cho biết không loại trừ bất cứ khả năng nào về động cơ của vụ tấn công, trong đó có động cơ khủng bố. Bộ trưởng Nội vụ Đức Thomas de Maiziere đã hủy chuyến thăm và làm việc tại Mỹ để tới Munich trực tiếp đánh giá tình hình.

Nhiều nhà lãnh đạo trên thế giới đã lên án vụ xả súng đẫm máu cũng như chia sẻ sự mất mát với nước Đức. Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố Đức luôn là đồng minh thân thiết nhất của Mỹ và Washington cam kết hỗ trợ khi Berlin cần. Trong khi đó, Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Donald Tusk tuyên bố cả Châu Âu đoàn kết cùng nước Đức. Tổng thống Pháp Francois Hollande trước đó khẳng định sự ủng hộ của cá nhân ông với nước Đức và Thủ tướng A.Merkel trong cuộc chiến chống khủng bố. Còn Ngoại trưởng Anh Boris Johnson cũng thể hiện sự chia sẻ sâu sắc với những nạn nhân, người thân của họ và cả nước Đức.

Làn sóng bạo lực đã gõ cửa nước Đức. Theo tờ Wall Street Journal, cho dù động cơ của vụ tấn công là gì - ý thức hệ hay hành động tội ác đơn thuần - thì quy mô của vụ việc đã đạt tới mức tác động đến chính sách an ninh nội địa, nền chính trị và thậm chí cả chính sách đối ngoại của Đức. Bất kỳ sự hoài nghi nào đối với khả năng kiểm soát an ninh trong nước của Chính phủ Đức cũng có thể làm suy yếu vị thế Thủ tướng A.Merkel vào thời điểm chỉ còn hơn một năm nữa là đến cuộc tổng bầu cử tiếp theo ở nước này.

Hiện vẫn chưa có bằng chứng nào cho thấy vụ tấn công vừa qua có liên quan đến hơn một triệu người di cư vào Đức trong năm ngoái. Tuy nhiên, các cuộc thăm dò dư luận gần đây đã cho thấy tâm trạng bất an của người Đức, liên quan đến quyết định của bà A.Merkel về việc mở cửa đón người tị nạn. Khi những người di cư từ Bắc Phi bị phát hiện là thủ phạm của những vụ tấn công tình dục nhằm vào phụ nữ địa phương ở thành phố Cologne vào đêm giao thừa vừa qua, tỷ lệ ủng hộ “người đàn bà quyền lực” A.Merkel đã sụt giảm. Các nhà phân tích cho rằng, sự việc ở Munich có thể là chất xúc tác làm gia tăng sự ủng hộ dành cho đảng Sự lựa chọn thay thế cho nước Đức (AfD), một chính đảng có chủ trương chống người nhập cư đang có mức ủng hộ khoảng 12%. Hiện AfD chưa có ghế trong Quốc hội Đức nhưng điều đó có thể xảy ra nếu đảng này nhận được ít nhất 5% số phiếu trong cuộc bầu cử vào năm tới. Và nếu như vậy, Đức sẽ không còn là quốc gia nằm ngoài xu hướng dân tộc chủ nghĩa đang trỗi dậy ở các nước phương Tây.

Sau Pháp, Bỉ, Đức là quốc gia tiếp theo phải đối mặt với những thách thức từ vấn đề an ninh. Sự kiện này liệu có tác động đến chính sách của Berlin hay không vẫn chưa rõ, nhưng chắc chắn sẽ gây thêm áp lực đối với Thủ tướng A.Merkel.

Sáng 23-7, ngay sau khi nhận được thông tin về vụ tấn công bằng súng tại thành phố Munich, Đức, khiến nhiều người chết và bị thương, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã yêu cầu các cơ quan đại diện Việt Nam tại Đức làm việc với các cơ quan chức năng sở tại để tìm hiểu về tình hình công dân Việt Nam đang sinh sống, học tập và làm việc tại đây cũng như đề nghị các cơ quan đại diện sẵn sàng có các biện pháp hỗ trợ những công dân gặp khó khăn.
Theo thông tin mới nhất từ Đại sứ quán Việt Nam tại Đức, hiện chưa có thông tin người Việt Nam gặp nạn trong vụ tấn công này. Đại sứ quán đang tiếp tục giữ liên lạc chặt chẽ với các cơ quan chức năng của Đức nhằm cập nhật thông tin liên quan đến tình hình công dân Việt Nam để có các biện pháp hỗ trợ kịp thời (đường dây nóng hỗ trợ +49 162 5391 500, +49 152 0377 4978 và +49 176 3102 2691 - Đại sứ quán Việt Nam tại Đức; +49 152 1304 1728 (Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Frankfurt).


(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Làn sóng bạo lực đã "gõ cửa" nước Đức

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.