Từ đầu năm 2010 đến nay, hàng loạt vụ bạo lực mang động cơ chính trị đã xảy ra tại thành phố cảng Karachi ở miền Nam Pakistan, làm hàng chục người thiệt mạng.
Các vụ tấn công được cho là do các nhóm chính trị đối địch gây ra, với mục tiêu gây bất ổn chính quyền.
Nhân viên tình nguyện Pakistan chuyển một nạn nhân vụ nổ ngày 8/1. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Theo thông báo ngày 10/1 của Bộ Nội vụ Pakistan, đã có 41 người thiệt mạng trong các cuộc tấn công tại Karachi trong những ngày đầu năm.
Trong đó có 10 người thuộc Phong trào Muttahida Qaumi (MQM) - chính đảng mạnh nhất ở Karachi, 16 thành viên của một ủy ban do đảng Nhân dân Pakistan (PPP) cầm quyền thành lập ở thị trấn Lyari, một khu vực nghèo của thành phố và là căn cứ của PPP, để kiểm soát bạo lực trong khu vực.
Tuy nhiên, theo cảnh sát trưởng thành phố Karachi, ông Wasim Ahmed, từ đầu năm đến nay tại thành phố này có 50 người chết trong các vụ bạo lực, song trong đó chỉ có 20 vụ mang động cơ chính trị hoặc xung đột sắc tộc.
Phát biểu trên kênh truyền hình Geo ngày 9/1, ông Ahmed kêu gọi các nhà chính trị từ tất cả các đảng phái ở Pakistan hỗ trợ cảnh sát nhằm chấm dứt tình trạng bạo lực hiện nay.
Theo Giáo sư Tauseef Ahmed Khan thuộc trường Đại học Liên bang Urdu ở Karachi, dường như có nhiều lực lượng đứng đằng sau các vụ bạo lực trên, trong đó có thể bao gồm các lực lượng an ninh quốc gia đang tìm cách gây ảnh hưởng nhằm làm suy yếu đảng cầm quyền PPP bằng cách chia rẽ liên minh giữa đảng này và MQM.
Làn sóng bạo lực chính trị gia tăng tại khu vực miền Nam Pakistan diễn ra trong bối cảnh chính quyền của Tổng thống Asif Ali Zardari đang phải đối mặt với các cuộc tấn công của phiến quân Taliban làm 600 thường dân Pakistan thiệt mạng trong ba tháng qua.
Giới phân tích cho rằng Taliban đã xâm nhập Karachi để tập hợp lực lượng chuẩn bị tiến hành các vụ tấn công khủng bố.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.