Chiều 28-7, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng ban Tổ chức Trung ương đã chủ trì Hội nghị trực tuyến giao ban công tác 6 tháng đầu năm 2023 với các đồng chí bí thư tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương.
Đồng chủ trì hội nghị có Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công an; Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Lê Minh Hưng. Tham dự có lãnh đạo các ban, bộ, ngành trung ương và các bí thư 63 tỉnh ủy, thành ủy cả nước. Đại biểu Thành ủy Hà Nội dự hội nghị có đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố; các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng các ban Đảng Thành ủy...
Khai mạc hội nghị, đồng chí Trương Thị Mai nhấn mạnh, đây là Hội nghị đầu tiên của Thường trực Ban Bí thư với bí thư các tỉnh ủy, thành ủy nhằm tạo sự thống nhất, thông suốt, nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo từ Trung ương tới các tỉnh, thành ủy.
Hội nghị không chỉ dừng lại ở việc quán triệt thực hiện các đường lối, chủ trương, chỉ thị, nghị quyết, kết luận mà còn là dịp để lắng nghe, gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm, kết quả đã làm việc, đồng thời chia sẻ những khó khăn, vướng mắc và tìm ra những giải pháp để lãnh đạo, chỉ đạo trong thời gian tới.
Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai.
Hội nghị đã nghe Phó Chánh Văn phòng Trung ương Bùi Văn Thạch trình bày báo cáo tóm tắt tình hình, kết quả chủ yếu thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIII, nghị quyết đại hội đảng bộ tỉnh, thành phố nhiệm kỳ 2020-2025, giữa nhiệm kỳ và 6 tháng đầu năm 2023. Tiếp đó, hội nghị đã tiến hành thảo luận. Đồng chí Trương Thị Mai phát biểu kết luận hội nghị.
Phát huy nội lực, hoàn thành sớm một số chỉ tiêu cơ bản
Trong nửa đầu nhiệm kỳ 2020-2025, các tỉnh ủy, thành ủy đã quán triệt sâu sắc, nhất quán quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, nghị quyết đại hội đảng bộ của tỉnh, thành phố nhiệm kỳ 2020-2025 và các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương Đảng khóa XIII để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả, phù hợp với thực tiễn của từng địa phương. Cấp ủy các tỉnh, thành phố đã phát huy được nội lực, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị; xác định rõ nhiệm vụ cụ thể trong từng thời điểm để tập trung nguồn lực giải quyết những nhiệm vụ trọng tâm, chiến lược, những vấn đề cấp bách, những việc khó khăn, tồn tại nhiều năm.
Công tác nghiên cứu, học tập, quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết có nhiều đổi mới, bảo đảm thiết thực, hiệu quả, thống nhất ý chí, hành động trong Đảng, sự đồng thuận cao trong nhân dân. Ngay sau Đại hội XIII của Đảng và đại hội đảng bộ cấp tỉnh, Ban Thường vụ, nhất là các đồng chí bí thư tỉnh ủy, thành ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện toàn diện công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị.
Tính đến ngày 25-7, đã có 23 tỉnh ủy, thành ủy tổ chức sơ kết giữa nhiệm kỳ cùng với xây dựng kế hoạch thực hiện lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị.
Các tỉnh ủy, thành ủy đã tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật của Đảng. So với nửa đầu nhiệm kỳ trước, số cuộc kiểm tra, giám sát, số tổ chức, đảng viên được kiểm tra, được giám sát tăng; thi hành kỷ luật đảng tăng... Công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và cải cách tư pháp được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, phương châm phòng là chính, phát hiện sớm, xử lý nghiêm, đúng pháp luật các vụ án, vụ việc. Một số tỉnh ủy, thành ủy đã chủ động tham mưu tổng kết, ban hành các nghị quyết mới của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển địa phương đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045...
Trong nửa đầu nhiệm kỳ 2020-2025, các địa phương đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả công tác kiểm soát dịch bệnh và thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, nâng cao đời sống nhân dân; củng cố quốc phòng, an ninh, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, giữ vững an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội.
Nhiều địa phương đã hoàn thành, hoàn thành sớm chỉ tiêu cơ bản đề ra trong nghị quyết đại hội đảng bộ tỉnh, thành phố nhiệm kỳ 2020-2025. Một số địa phương có GRDP tăng trưởng bình quân 2 năm 2021-2022 cao hơn mức trung bình của cả nước; quy mô GRDP được mở rộng; cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ. GRDP bình quân đầu người hằng năm tăng. Tổng thu ngân sách trên địa bàn hằng năm cơ bản bảo đảm kế hoạch, chỉ tiêu được giao.
Có 18 tỉnh, thành phố có điều tiết về ngân sách trung ương. Lĩnh vực văn hóa - xã hội, y tế, giáo dục, an sinh xã hội được quan tâm hơn. Nhiều địa phương tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm xuống; một số địa phương giảm xuống dưới 1%; có tỉnh không còn hộ nghèo theo tiêu chí của Trung ương. Các nhiệm vụ công tác quốc phòng, quân sự địa phương được thực hiện đồng bộ; chủ quyền lãnh thổ được giữ vững, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ổn định.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, hầu hết các địa phương có tốc độ tăng trưởng kinh tế dương, trong đó có 10 tỉnh, thành phố có mức tăng trưởng cao từ 7,77 đến 14,21%. Điểm sáng là lĩnh vực du lịch, dịch vụ hồi phục, phát triển mạnh mẽ.
Tập trung khắc phục hạn chế, khó khăn, vướng mắc
Hội nghị đã tập trung phân tích, làm rõ và thống nhất một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, trọng điểm cần tập trung thực hiện trong những tháng cuối năm và nửa sau nhiệm kỳ 2020-2025; nhất là các nhiệm vụ, giải pháp nhằm khắc phục những hạn chế, khó khăn, vướng mắc còn tồn tại đã được chỉ ra trong báo cáo và các tham luận; đồng thời khẳng định quyết tâm phấn đấu thực hiện đạt mức cao các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển đã đề ra.
Đáng chú ý, việc xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện khắc phục những hạn chế, khuyết điểm được chỉ ra sau kiểm điểm của tập thể ban thường vụ năm 2022 và các kết luận kiểm tra, thanh tra, kiểm toán ở một số địa phương còn chậm, chưa đạt yêu cầu đề ra. Trong quản lý, điều hành của UBND một số địa phương chưa kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh và đầu tư. Một số cơ quan, địa phương thiếu chủ động, quyết liệt trong tham mưu, tổ chức thực hiện nhiệm vụ. Chỉ số cải cách hành chính, chỉ số đo lường sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính có xu hương giảm.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, hầu hết các địa phương đạt mức tăng trưởng thấp và không đạt kịch bản đề ra. Hoạt động sản xuất kinh doanh trong nhiều ngành, lĩnh vực sụt giảm, khu vực công nghiệp phục hồi chậm. Giải ngân vốn đầu tư hầu hết các địa phương đều chưa đạt mức 50% kế hoạch vốn cả năm. Tại nhiều địa phương, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và sồ vốn đăng ký mới giảm; số doanh nghiệp giải thể và tạm ngừng kinh doanh tăng...
Đời sống của một bộ phận nhân dân, nhất là vùng sâu, biên giới, vùng có đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn nhiều khó khăn. Tình hình an ninh trên biên giới, vùng biển, an ninh nông thôn, tội phạm, tệ nạn xã hội, tranh chấp khiếu kiện trong nhân dân có lúc còn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn những yếu tố gây mất ổn định chính trị - xã hội, có địa phương mất cảnh giác, gây hậu quả nghiêm trọng.
Tổng hợp của Văn phòng Trung ương Đảng cho thấy, các tỉnh ủy, thành ủy đã nêu 7 nhóm kiến nghị về công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị và nhiều kiến nghị, đề xuất mang tính chiến lược về kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng.
Đối với những kiến nghị đề xuất vấn đề liên quan đến công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, Thường trực Ban Bí thư giao Văn phòng Trung ương Đảng tiếp tục nghiên cứu, trao đổi với Ban Tổ chức Trung ương và các cơ quan có liên quan tiếp thu, đề xuất với Bộ Chính trị, Ban Bí thư chỉ đạo cơ quan liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các quy chế, quy định, hướng dẫn và các văn bản khác có liên quan để tổ chức thực hiện bảo đảm kịp thời, thống nhất, đồng bộ trong toàn hệ thống.
Đối với những kiến nghị, đề xuất về lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội, Thường trực Ban Bí thư giao Văn phòng Trung ương Đảng tiếp tục nghiên cứu, phân loại những nội dung đề xuất, kiến nghị của địa phương và chuyển đến cơ quan có thẩm quyền theo chức năng, nhiệm vụ được giao trả lời trực tiếp các tỉnh ủy, thành ủy.
Cũng tại hội nghị lần này, Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an đã quán triệt triển khai Chỉ thị số 24-CT/TƯ, ngày 13-7-2023 của Bộ Chính trị về bảo đảm vững chắc an ninh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng và một số nội dung về công tác bảo đảm an ninh trật tự tại các địa phương.
Nhấn mạnh một số nhiệm vụ trọng tâm từ nay đến cuối năm, đồng chí Trương Thị Mai đề nghị các đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả 6 nhiệm vụ trọng tâm theo Kết luận của Bộ Chính trị; lồng ghép những nhiệm vụ trọng yếu mà Hội nghị Trung ương giữa nhiệm kỳ của Đảng đã đề ra. Tập trung cao độ để hoàn thành tốt nhất các mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra.
Đối với những vấn đề mới phát sinh trên địa bàn, Bí thư cấp uỷ phải kịp thời chỉ đạo xử lý. Cùng với đó, các đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ, Thành uỷ cũng cần tập trung tham gia và chuẩn bị thật tốt cho Hội nghị Trung ương 8, diễn ra vào tháng 10 tới đây, theo đó sẽ quyết định những vấn đề quan trọng liên quan đến: Chiến lược bảo vệ Tổ quốc; Đại đoàn kết toàn dân tộc; xây dựng đội ngũ trí thức; Chính sách an sinh xã hội; và làm công tác nhân sự Quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương khóa XIV… Đồng thời, chuẩn bị để tham gia thật tốt vào các lớp cập nhật kiến thức cho các Ủy viên Trung ương.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.