(HNM) - Con sông Đáy chạy qua xã Đồng Tháp, Đan Phượng bao nhiêu năm nay đã mang lại cho nhiều thế hệ người dân ở đây nghề chính để sinh nhai: Nghề đánh bắt và nuôi trồng thủy sản.
Chị Nguyễn Thị Hương chuẩn bị đem hoa quả sang chợ Sấu của xã Dương Liễu, Hoài Đức để bán. |
Lên bờ kiếm việc làm thuê
Dân chài xã Đồng Tháp vốn là người dưới xuôi, ngược sông Đáy kiếm kế sinh nhai. Những năm 60 của thế kỷ trước, người dân được cắm đất, định cư, thoát khỏi cảnh sống lênh đênh. Làng chài Đại Thần không chỉ trông vào đánh bắt tự nhiên mà còn thành lập Hợp tác xã Đại Thọ, thu hút gần 1.000 người dân trong làng tham gia. Hợp tác xã tổ chức nuôi cá theo quy trình khá quy củ trên diện tích 49ha mặt nước. Đời sống của người dân nhờ đó mà ổn định trong suốt hàng chục năm qua. Năm 2005, nhằm đưa nước vào làm sống dậy sông Đáy và cải tạo môi trường sông nội đô, thành phố đã đầu tư xây dựng công trình thủy lợi đầu mối Hát Môn - Đập Đáy nên toàn bộ 49ha diện tích mặt nước tại thôn Đại Thần bị thu hồi phục vụ dự án "Làm sống dậy dòng sông Đáy". Khi dự án triển khai, dân vẫn cố tận dụng nuôi cá, nhưng sản lượng giảm 10 lần, chưa được 3 tấn/năm/đội...
Cuộc sống bị ảnh hưởng, những người dân chài chuyển sang đánh lưới thuê tại các vùng lân cận: Phụng Thượng, Hiệp Thuận (Phúc Thọ), Nghĩa Hương (Quốc Oai), Xuân Khanh (Sơn Tây)... Trời nắng cũng như trời mưa, có ai thuê là cánh mày râu ở đây lại tất tả mang đồ nghề và rời nhà từ 2-3 giờ sáng với thu nhập khoảng 100 nghìn đồng/ buổi. Tuy nhiên, do công việc không ổn định nên có khi "làm một buổi, chơi cả tháng". Trong khi đó, chị em trước đây là người tiêu thụ cá cho gia đình thì nay lận đận dậy sớm, đi đón mua cá của nơi khác bán ở chợ kiếm tiền. Lời lãi phụ thuộc vào từng buổi chợ và cũng chẳng đáng là bao.
Trước đây, với công việc nuôi thả cá tại làng, anh Trần Văn Luyện (đội 3, xóm 2, thôn Đại Thần) là trụ cột kinh tế gia đình, vợ con được nhờ, nay anh thành người thất nghiệp. Gia đình trở nên nghèo túng phải nhận trợ cấp hằng tháng từ UBND xã. Vợ anh trước chỉ phụ chồng cắt cỏ nuôi cá, nay phải xoay đủ nghề: bán hoa quả, phơi sắn ở Hoài Đức, cách nhà hơn 10km. Vợ chồng đầu tắt mặt tối chỉ đủ trang trải qua ngày. Nhiều lúc cụt vốn, hai vợ chồng phải đi làm thuê nay đây mai đó để nuôi hai đứa con đang tuổi ăn tuổi lớn. "Chẳng biết bao giờ gia đình mới thoát khỏi diện nghèo" - anh Luyến thở dài. Ở thôn Đại Thần, nhiều gia đình đang bươn chải kiếm sống theo cách của gia đình anh Luyện, trừ 1-2 gia đình thuộc đội 2, xóm 1 tận dụng lợi thế nằm sát đường lớn mở hàng rửa xe, giải khát nên kinh tế tương đối ổn định, còn hàng ngàn dân ven sông đang rơi vào tình cảnh bế tắc vì không có nghề ổn định.
Nan giải việc chuyển nghề
Ông Lê Văn Vinh - Phó Chủ tịch UBND xã Đồng Tháp tỏ ra lo lắng khi nhiều lao động trung niên rơi vào cảnh "đi làm thuê được một ngày thì nghỉ cả tháng". Trong khi đó, xã chưa có nghề phụ nên thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã rất thấp, chỉ đạt khoảng 7 triệu đồng/người/năm. Ngày 31-5-2011, UBND TP Hà Nội đã có Văn bản số 4941/UBND-TNMT chỉ đạo UBND huyện Đan Phượng phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng cho dân chài bị thu hồi diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản phục vụ công trình đầu mối Hát Môn - Đập Đáy. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tình thế, "tiền vào nhà khó như gió vào nhà trống", khi tiêu hết số tiền đền bù, dân sẽ sống ra sao? Vấn đề quan trọng là tìm cách truyền, dạy nghề cho dân ổn định cuộc sống lâu dài.
Ủy ban nhân dân xã Đồng Tháp đã cố gắng mở nhiều lớp đào tạo nghề phụ cho dân chài. Bà Lê Thị Út - Chủ tịch Hội LHPN xã Đồng Tháp trăn trở, hơn 200 hội viên Hội Phụ nữ tại thôn Đại Thần còn sức lao động nhưng đang ngồi chơi không. Nhiều lớp dạy nghề đã mở ra như: Thêu ren, may xuất khẩu, nấu ăn nhưng việc mở lớp, thuê người dạy đã khó. Lớp mở rồi, chiêu sinh còn khó hơn. Chị Nguyễn Thị Hương (đội 3, xóm 2, thôn Đại Thần) thành thật: "Từ nhỏ đến giờ, chỉ biết chạy chợ, buôn bán, chẳng bao giờ học hành nghiêm túc, nên tôi rất ngại đi học. Đi học một khóa mất gần 3 tháng, 3 tháng ấy gia đình tôi lấy gì mà sống. Nếu học thêu ren, việc tiêu thụ sản phẩm tại xã kém, thu lãi ít, tính ra không bằng một ngày công chúng tôi đi đánh cá thuê hay tiền lãi chạy chợ. Bỏ phiên chợ nào là không có ăn ngày ấy".
Theo ông Nguyễn Ngọc Mậu - Trưởng thôn Đại Thần, kiêm Chủ nhiệm Hợp tác xã Thủy sản Đại Thọ, vấn đề mấu chốt không phải là số lượng lớp dạy nghề được mở ra mà phải tìm ngành nghề phù hợp với trình độ, kinh nghiệm của người dân, tìm ra giải pháp chuyển nghề cho hợp lý, đem lại hiệu quả kinh tế thiết thực. Còn nếu học xong nghề không áp dụng được vào thực tế thì người dân lại quay về làm lao động tay chân. Theo ông Mậu, một trong những giải pháp giải quyết vấn đề này là giúp thanh niên đi xuất khẩu lao động. Hiện trong xã đã có hơn 40 người xuất khẩu lao động. Thế nhưng, xuất khẩu lao động cũng đòi hỏi người làm phải có tay nghề, dân chài cả đời chỉ biết nuôi thả, đánh bắt cá, liệu có kham nổi? Chừng nào họ chỉ trông đợi tiền công làm thuê trước mắt, chưa biết tìm nghề bền vững lâu dài thì chừng ấy đời sống của họ vẫn bấp bênh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.