Theo dõi Báo Hànộimới trên

Làm thế nào tập thói quen không sờ tay lên mặt để phòng vi rút?

Theo Thùy Dương/Báo Tin tức| 07/04/2020 11:18

Nếu thực hiện mọi biện pháp vệ sinh nhưng khi ra ngoài mà vẫn có thói quen sờ tay lên mặt thì có thể bạn vẫn nhiễm vi rút SARS-CoV-2.

Tay có thể bẩn, miễn là đừng sờ lên mặt

Hình ảnh quảng bá chiến dịch "Don't touch your face" (Đừng sờ lên mặt) của Tổ chức Hỗ trợ y khoa Mỹ Floating Doctors. Ảnh: Floating Doctors

Theo kênh CNN (Mỹ), các chuyên gia y tế cho rằng, mọi người chưa quyết liệt từ bỏ thói quen chạm tay lên mặt - điều có thể khiến vi rút lây lan.

Theo bà Susan Michie, Giám đốc Trung tâm Thay đổi hành vi thuộc Đại học London, thử thách này tưởng đơn giản nhưng lại rất khó thực hiện. Không làm điều gì đó khó thực hiện hơn nhiều là làm điều gì đó. Bà Michie cho biết, chúng ta chạm tay lên mặt vì nhiều lý do. Theo một nghiên cứu, con người chạm tay lên mặt 23 lần mỗi giờ.

Khuôn mặt, đặc biệt là vùng chữ T gồm hai mắt, mũi và miệng, là con đường lây lan vi rút SARS-CoV-2 chủ yếu. Vi rút có thể lây lan qua các giọt bị bắn vào không khí và tồn tại trên các bề mặt, đồ vật như điện thoại di động, chìa khóa xe, tay nắm cửa, thang máy. Nếu chạm vào màng nhầy trong lỗ mũi, miệng và mắt sau khi tay vừa sờ lên các bề mặt và vật thể có vi rút, bạn có thể nhiễm vi rút đó.

Ông Robert West, Giáo sư tâm lý sức khỏe tại Đại học London, nói: “Nếu bạn không bao giờ chạm tay vào mặt, việc bạn rửa tay hay không không quan trọng. Tay bạn có thể bẩn thế nào cũng được. Lý do duy nhất mà rửa tay trở thành quan trọng, đó là vì cuối cùng, tay bạn cũng sẽ tiếp xúc với màng nhầy. Màng nhầy này là nơi vi rút đi vào cơ thể”. Nói chung, người ta không thể mắc Covid-19 nếu chỉ ở cùng phòng với ai nhiễm bệnh. 

Theo ông West, do các giọt bắn tồn tại khá lâu trên bề mặt nên các đồ vật truyền bệnh này sẽ là con đường quan trọng lây lan vi rút. Ta cần ý thức hơn về bàn tay và hành vi để tránh chạm lên mặt. Mặc dù cần đặc biệt tránh chạm lên mặt khi ra ngoài nhưng cách tốt nhất để bỏ thói quen đó là tập không sờ lên mặt trong mọi tình huống, kể cả khi ở nhà và khi đã rửa tay.

Làm thế nào tập thói quen không chạm lên mặt?

Để từ bỏ thói quen này, bà Michie đề xuất, luôn có ý thức để bàn tay dưới vai và tập thói quen kiềm chế nhu cầu sờ lên mặt.

Tổ chức Hỗ trợ y khoa Mỹ Floating Doctors gợi ý một đồ vật dùng để tránh chạm tay lên mặt, xuất phát từ kinh nghiệm làm việc trong các cộng đồng nông thôn ở Trung Mỹ. Tổ chức này khuyến nghị mọi người dùng lưới trùm mặt khi ra ngoài, giống như mũ mà người ta đội để tránh muỗi đốt hoặc mũ mà người nuôi ong thường đội.

Lưới che mặt, ý tưởng "lạ" để tránh chạm tay lên mặt. Ảnh: Shutterstock

Tiến sĩ Ben LaBrot, sáng lập viên Floating Doctors cho biết, lưới này mang lại cảm giác hoàn toàn thoải mái, người đội vẫn nhìn rõ sau khi trùm lên mũ. Đội mũ này giúp bạn không nhiễm vi rút qua con đường sờ tay lên mặt. 

Giáo sư West cho rằng, loại rào chắn này có thể khá hiệu quả. Ông cũng cho rằng, đeo khẩu trang có thể giúp mọi người tránh chạm lên miệng và mũi nhưng vẫn có nguy cơ nhiễm vi rút khi chạm tay vào mắt hoặc tháo khẩu trang nhiễm khuẩn không đúng cách. Một cách khác mà Giáo sư West gợi ý là luôn chú ý tới bàn tay khi bàn tay di chuyển về phía mặt để chuyển hướng bàn tay ra chỗ khác, ví dụ như xoa phía sau đầu.

Một số người cho biết, họ xoa tay với một thứ nước có mùi thơm để gây chú ý và khiến cho hành động vô thức trở thành hành động có ý thức.

Điều khó nhất là làm thế nào để tránh gãi ngứa trên mặt. Ông West nói: “Tôi biết tôi ngứa mặt. Tôi không cưỡng lại nhưng cũng không chạm lên mặt. Bạn chú ý nhưng bạn không cần làm gì”. Giáo sư West cho biết, ông ngạc nhiên khi không có nhiều động thái khuyến khích mọi người tránh sờ lên mặt, nhất là khi hành vi này lại khiến vi rút xâm nhập vào cơ thể. Thậm chí, ông West còn cho rằng, để quyết liệt loại bỏ thói quen này, người ta cần coi hành vi sờ tay lên mặt ở nơi công cộng không khác gì việc cởi đồ giữa phố.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Làm thế nào tập thói quen không sờ tay lên mặt để phòng vi rút?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.