Đó là yêu cầu của Sở Y tế Hà Nội đưa ra tại Công văn số 1398/SYT-NVD gửi các cơ sở khám chữa bệnh trực thuộc ngành; phòng y tế; trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã; các cơ sở kinh doanh dược trên địa bàn Hà Nội về việc đảm bảo cung ứng thuốc phòng, chống dịch bệnh có thể xảy ra trong giai đoạn chuyển mùa xuân-hè.
Theo đó, để đáp ứng đủ nhu cầu thuốc phục vụ khám chữa bệnh của nhân dân, nhất là trong công tác phòng chống dịch bệnh có thể xảy ra mùa xuân-hè và ngay trong dịp nghỉ lễ kéo dài (gồm: Giỗ tổ Hùng Vương; dịp lễ 30-4 và 1-5); Sở Y tế thành phố yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố, trung tâm y tế 30 quận, huyện, thị xã chủ động mua, dự trữ thuốc.
“Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng khan hiếm, thiếu thuốc phục vụ công tác khám chữa bệnh cho nhân dân. Đồng thời, đảm bảo chất lượng và giá hợp lý, không để xảy ra tình trạng tăng giá đột biến”, Sở Y tế Hà Nội lưu ý.
Cùng với đó, Sở Y tế cũng yêu cầu các đơn vị phải cung ứng đủ thuốc phục vụ công tác cấp cứu, thuốc phòng chống dịch bệnh, đặc biệt là thuốc phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh trong các dịp nghỉ lễ dài cũng như thuốc điều trị các bệnh thường xảy ra trong mùa xuân - hè như: Sốt xuất huyết, cúm mùa, tay chân miệng, sởi, rubella, tiêu chảy do vi rút Rota, các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, tiêu hóa.
Sở Y tế cũng chỉ đạo, người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có trách nhiệm bảo đảm cung ứng đủ thuốc có chất lượng phục vụ cho nhu cầu cấp cứu, khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở.
Đối với các cơ sở kinh doanh dược trên địa bàn thành phố cần có kế hoạch dự trữ, cung ứng đủ thuốc phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân, đảm bảo cung ứng theo đơn hàng của các cơ sở khám, chữa bệnh, không được để xảy ra tình trạng đầu cơ, tăng giá thuốc đột biến vào dịp nghỉ lễ kéo dài và khi dịch bùng phát.
Cùng với công tác thanh, kiểm tra của Sở Y tế, các phòng y tế các quận, huyện, thị xã cần tích cực thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy định chuyên môn về dược và các quy định về kinh doanh thuốc đối với các cơ sở bán lẻ trên địa bàn.
Đặc biệt, chú trọng công tác phát hiện thuốc giả, thuốc kém chất lượng, thuốc không được phép lưu hành; các hành vi tích trữ hàng, tăng giá, bán thuốc kê đơn khi không có đơn của bác sĩ, mua bán thuốc không thuộc phạm vi kinh doanh, người chịu trách nhiệm chuyên môn về dược không có mặt khi cơ sở bán lẻ thuốc hoạt động… Qua đó, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm nếu được phát hiện.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.