Theo dõi Báo Hànộimới trên

Làm thế nào cho hiệu quả?

Việt Tuấn| 04/09/2011 06:04

(HNM) - Thời gian gần đây, các vụ vi phạm pháp luật trong thanh, thiếu niên gia tăng; hiện tượng chống người thi hành công vụ, các vụ án liều lĩnh giết người, cướp của dã man đã ở mức báo động khiến xã hội bàng hoàng.

Các thủ khoa Hà Nội giao lưu với phạm nhân Trại giam số 1 - Công an TP Hà Nội. Ảnh: Vũ Thủy


Năm 2010, trong chương trình gặp mặt và tuyên dương thủ khoa xuất sắc tốt nghiệp các trường ĐH, HV trên địa bàn TP Hà Nội, Thành đoàn Hà Nội đã phối hợp với Trại giam số 1 CATP tổ chức cho các thủ khoa giao lưu với phạm nhân đang chịu án cải tạo, giam giữ. Sự kiện này đã làm xôn xao dư luận với cách làm táo bạo, nhằm giáo dục ý thức chấp hành pháp luật cho những trí thức tương lai với suy nghĩ, hôm nay là trí thức, nhưng mai có thể là phạm nhân nếu không có sự hiểu biết và nhận thức đầy đủ về pháp luật. Tại buổi giao lưu, trong số hàng trăm phạm nhân được hỏi, thì có đến hơn 90% cho rằng trước đây họ nghĩ rằng hành vi của mình là không phạm pháp, chỉ đến khi vào tù mới hiểu rõ hậu quả của nó ứng với các điều khoản trong Bộ luật Hình sự.

Mới đây, tại cuộc hội thảo "Chính sách, biện pháp phối hợp trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) cho thanh, thiếu niên" do Ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam và Bộ Tư pháp tổ chức, Bí thư TƯ Đoàn Nguyễn Hoàng Hiệp thừa nhận, lâu nay, công tác này dù đã được đầu tư công sức, tiền của nhưng mới đến ở đối tượng tích cực. Có nghĩa là ở cấp cơ sở, tổ chức các lớp tuyên truyền, tập huấn các chuyên đề về pháp luật thì đối tượng nghe đa số đều là thanh niên ưu tú, cán bộ đoàn, hội. Còn đối tượng thanh niên hư, chậm tiến thì lại chẳng được nghe; bởi cái họ cần tìm hiểu là chuyện ăn chơi, tụ tập, đàn đúm… chứ làm gì có thời gian để nghe giảng những điều khoản của luật hay quy định xử phạt?

Qua theo dõi hoạt động thực tế, việc phối hợp giữa các ngành về công tác PBGDPL chưa đồng bộ, nhiều ngành còn cho đó là "nhiệm vụ của ngành tư pháp, của tổ chức Đoàn thanh niên" nên sự quan tâm và đầu tư cho công tác này vẫn chưa có sự phối hợp đồng bộ, phân định trách nhiệm rõ ràng.

Ông Trần Quốc Toàn (Vụ Pháp chế, Bộ CA) cho rằng: Giáo dục các em cần phải có những biện pháp toàn diện, chặt chẽ và phối hợp giữa các cấp, các ngành, từ gia đình đến nhà trường và toàn xã hội. Thực tế, nhiều gia đình quản lý và giáo dục con cái một cách lỏng lẻo; có học sinh mới 14 - 15 tuổi nhưng do gia đình cưng chiều, sắm phương tiện hiện đại, cho tiền tiêu xài, nhưng lại không quản lý chặt về thời gian, khiến các em sa vào đua đòi sử dụng ma túy, đua xe trái phép, gây hậu quả nghiêm trọng… Theo ông Trần Quốc Toàn, việc quan trọng nhất trong quản lý, giáo dục thanh, thiếu niên phải xuất phát từ nền tảng gia đình.

Tại hội thảo, biện pháp tuyên truyền trực quan bằng hình ảnh được nhiều chuyên gia luật và sinh viên ngành luật chú trọng. Theo các chuyên gia, việc đưa hình ảnh về hệ quả của việc vi phạm luật pháp cũng là biện pháp tuyên truyền hữu hiệu, bởi khi nhìn thấy hình ảnh đó, thanh, thiếu niên sẽ không còn có ý định vi phạm nữa. Bên cạnh đó, tổ chức đoàn, ngành tư pháp cần phối hợp với lực lượng CA cơ sở, vận động những thanh, thiếu niên từng vi phạm trong các trại giáo dưỡng trở thành những tuyên truyền viên về pháp luật. Bởi họ chính là nhân chứng sống, từng phải trả giá đắt cho hành vi vi phạm pháp luật của mình, qua đó giúp thanh niên nhận thức sâu sắc về các hành vi của bản thân, nếu vi phạm pháp luật cũng sẽ phải trả giá giống vậy.

Theo Tiến sĩ Trần Văn Miều, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giáo dục, môi trường và phát triển thì công tác PBGDPL cho thanh, thiếu niên cần trang bị những gì họ cần, chứ không phải những gì ta có. Yếu tố quyết định trong PBGDPL đó là phương thức để thanh niên hiểu biết về luật; thanh niên được bàn bạc, thảo luận, thực hiện; đồng thời kiểm tra, giám sát việc thực hiện thông qua tổ chức đại diện là đoàn, hội, đội. Rèn luyện trở thành công dân toàn cầu khi hội tụ đủ hai yếu tố cả "tâm" lẫn "tầm". "Tâm" là có đạo đức lối sống tốt, còn "tầm" là sự vươn ra thế giới bằng trí tuệ, tay nghề và kỹ năng sống trước mọi bối cảnh của cuộc sống.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Làm thế nào cho hiệu quả?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.