Helicobacter pylori đã ẩn trú trong dạ dày con người khoảng 60.000 năm trước từ vùng Đông Phi Châu, cái nôi của con người hiện đại.
Theo loài người tỏa đi khắp nơi trên trái đất, vi khuẩn âm thầm gây khổ bạn đồng hành. Helicobacter pylori là gì, chúng hoạt động ra sao trong dạ dày người?
Câu chuyện thú vị: Thầy thuốc nuốt vi trùng
Chuyện kể từ đầu là bác sĩ Warren công bố chộp được con vi khuẩn hình xoắn (xoắn khuẩn) từ trong hang vị (phần dưới của dạ dày) qua nội soi dạ dày và sinh thiết nhiều người bệnh. Marshall vừa tốt nghiệp bác sĩ bị cuốn hút về nghiên cứu này. Cả hai bắt tay vào cuộc phiêu lưu, chịu bao búa rìu dư luận. Bao đồng nghiệp chế giễu: làm sao mà vi khuẩn có thể sống nổi trong dạ dày và gây viêm loét. Sinh thiết trên cả trăm người bệnh bị viêm loét dạ dày - tá tràng. Marshall thấy chính con vi khuẩn chớ không phải stress đã gây ra viêm loét.
Bác sĩ Marshall lấy mình thí nghiệm. Không ăn sáng, lúc 10g ông uống ực một hỗn hợp lỏng chứa hàng tỉ xoắn khuẩn từ đĩa nuôi cấy. Ngày thứ năm đến ngày thứ tám rất muốn ói, cuối cùng phải nôn mửa trong nhà vệ sinh. Sau 10 ngày, đồng nghiệp làm nội soi cho Marshall. Kết quả xác nhận sự lây nhiễm. H.pylori là thủ phạm. Marshall tự điều trị với kháng sinh. Thí nghiệm lịch sử này công bố trên báo Y học Australian Medical Journal năm 1984. Giải Nobel Y học 2005 được trao cho hai bác sĩ người Úc Robin Warren 68 tuổi và Barry Marshall 53 tuổi do làm thay đổi tận gốc sự hiểu biết. Rõ rồi, bệnh viêm loét dạ dày - tá tràng là do H.pylori chứ không phải do stress, ăn uống không điều độ và di truyền.
Helicobacter pylori, con gì vậy?
Ước tính H.pylori hiện diện trong dạ dày của phân nửa số người trên địa cầu. Chữ H là viết tắt từ Helicobacter - vi khuẩn dạng xoắn.
Lò bát quái của Thái Thượng Lão Quân. Dạ dày chứa chất dịch gồm nhiều loại enzym tiêu hóa và acid nồng độ đậm, nghiền nhừ được thức ăn dai cứng, và tiêu hủy bất cứ vi sinh vật nào. Miếng bít tết vừa thưởng thức ngày hôm trước tiêu tán trong nồi hóa chất này. Dạ dày tự che chở bằng một lớp nhớt phủ kín mặt trong. H.pylori lại sống thoải mái trong nồi nấu này, khác nào con khỉ Tề Thiên Đại Thánh trốn trong lò bát quái của Thái Thượng Lão Quân (truyện Tây Du Ký).
Nhờ dạng xoắn, các vi khuẩn chui rút vào ẩn núp trong lớp nhớt phủ dạ dày và tiết ra các chất bão hòa acid của dạ dày. Đuôi lông tơ giúp bơi lội xuyên lớp nhớt đến lớp tế bào lót dạ dày và chui sâu trong thành dạ dày. Đáp ứng miễn dịch của cơ thể ngày một tăng thêm nhưng chẳng làm gì được vì khó lọt qua lớp nhớt. Cứ thế mà thành viêm loét dạ dày.
Nhiễm suốt đời, gây viêm loét, có thể gây ung thư. H.pylori nhiễm vào dạ dày lúc tuổi trẻ, thường mẹ lây sang con từ tuổi ấu thơ, Có thể là truyền từ miệng người này sang người khác hay từ phân vào miệng, qua nước hoặc thức ăn bẩn. Vi khuẩn là cư dân thường trú trong dạ dày suốt đời người, có thể gây bệnh viêm và loét dạ dày - tá tràng ở khoảng 10 - 15% số người nhiễm. Đáng lo là 1-2% những người nhiễm H.pylori có thể dẫn tới ung thư.
Nhiễm khuẩn H.pylori, phải ứng xử ra sao?
Phần lớn người nhiễm H.pylori không có triệu chứng gì. Một số người thấy vài triệu chứng: đau ở bụng trên, đầy hơi, không thèm ăn, xót dạ dày, phân đen do xuất huyết từ ổ loét, hồng cầu thấp do xuất huyết, mệt mõi, buồn nôn, ói mửa, tiêu chảy.
Có nhiều cách nhận ra H.pylori. Các xét nghiệm không dùng nội soi gồm: kháng thể trong máu, kháng nguyên trong phân, xét nghiệm urê hơi thở. Các xét nghiệm nội soi gồm: nuôi cấy, mô học và xét nghiệm urê sinh thiết.
Có đối sách. Có thể trị lành viêm loét dạ dày và có thể làm giảm nguy cơ ung thư dạ dày. Thầy thuốc chỉ điều trị các bệnh nhân có xét nghiệm H.pylori dương tính.
Liệu pháp ba thuốc. Phối hợp hai loại kháng sinh khác nhau, thêm một thuốc làm giảm acid dạ dày. Cơ quan FDA Hoa Kỳ và các tổ chức thế giới đã chuẩn nhận các “liệu pháp ba thuốc”.
Omeprazole, amoxcilline và clarithromycin OAC trong 10 ngày
Bismuth subsalicylate, metronidazole và tetracyclin (BMI) trong 14 ngày
Lansoprazole, amoxcilline và clarithromycin (AC) trong 10 ngày hoặc 14 ngày
Chỉ cần một đợt điều trị là đủ loại bỏ nhiễm khuẩn. Sau điều trị, cần kiểm tra bằng các xét nghiệm H.pylori. Nếu vẫn có nhiễm khuẩn sau một đợt điều trị, viêm loét lại tái phát cần phải dùng nhiều thuốc khác nhau. Và thật hiếm hoi, ung thư có thể xuất hiện.
Các thức ăn cay, rượu và thuốc lá làm viêm loét nặng thêm và cản trở sự lành vết loét. Phòng ngừa bằng rửa tay sạch và tránh các nguồn lây lan.
Vi khuẩn nhanh chóng tránh đòn. Thật đáng lo: H.pylori ngày càng lờn thuốc. Một khảo sát ở 18 nước châu Âu trong khoảng 2008 - 2009 cho thấy H.pylori lờn thuốc clarithromycin và metronidazole, lần lượt là 17,5% và 34,9%. Sự lờn thuốc clarithromycin được lưu tâm nhiều nhất. Okamura công bố số liệu Nhật Bản là 31,1% trong khoảng 2000 - 2013. Có sự tăng vọt lờn thuốc này ở Trung Quốc từ 14,8% năm 2000 đến 52,6% năm 2014. Có 3 đột biến gen ở vị trí 2142 (A2142G và A2142C) và 2143 (A2143G). Sự lờn thuốc kháng sinh là yếu tố quan trọng nhất làm giảm hiệu quả diệt khuẩn H.pylori. Do đó liệu pháp kháng sinh không phải luôn luôn ức chế hoàn toàn H.pylori.
Vi khuẩn gây ung thư
Thật choáng váng! Từ năm 1994, Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC) xếp H.pylori là tác nhân gây ung thư nhóm 1. H.pylori gây ba phần tư số người mắc ung thư dạ dày.
Trước kia, người ta coi chỉ có một loại ung thư dạ dày. Nay thì các nhà khoa học phân biệt thành hai loại chính: ung thư dạ dày - tâm vị (ở vùng đỉnh trên của dạ dày, chỗ nối với thực quản) và ung thư dạ dày - không tâm vị (ở tất cả các vùng khác của dạ dày). Còn một loại đặc biệt gọi là lymphôm MALT (một loại ung thư hạch).
Nhiễm H.pylori là nguyên nhân chính gây ung thư - không tâm vị. Các yếu tố nguy cơ khác gồm viêm dạ dày mạn tính, tuổi già, đàn ông, chế độ dinh dưỡng gồm thức ăn muối mặn, hun khói hoặc bảo quản kém, thiếu rau trái tươi, hút thuốc lá và bệnh sử ung thư dạ dày trong gia đình.
Xoắn khuẩn là thù hay là bạn? Có phải H.pylori nào cũng gây ung thư. Vài vi khuẩn dùng bộ phận giống cây kim chích một loại độc tố gọi là cagA làm thay đổi cấu trúc của các tế bào dạ dày rồi bám dính vào, lâu ngày gây viêm mạn tính (gọi là viêm teo) dẫn đến ung thư. Nhiễm khuẩn loại cagA+ thì đặc biệt gia tăng nguy cơ ung thư dạ dày - không tâm vị nhưng lại có thể giảm nguy cơ ung thư dạ dày - tâm vị. Thật kỳ lạ.
“Bạn thiết” của con người
Alfred Nobel chắc đã chịu khổ sở vì xoắn khuẩn. “Cha đẻ các giải Nobel” luôn than thở về chứng ăn không tiêu, đau bụng và suy sụp tinh thần.
Charles Darwin đau yếu suốt đời, luôn khổ sở vì dạ dày của mình. Có thể H.pylori đeo đuổi “cha đẻ thuyết tiến hóa”.
H.pylori xưa hiện về. Nước đá tan để lộ ra xác ướp Otzi năm 1991 ở vùng núi Alpe xứ Ý. Người ta đã dựng lại được vốn gen của H.pylori từ 5.300 năm trước trong dạ dày của Otzi, cùng loại H.pylori ngày nay. (Science, 7.1.2016).
Mới nhận ra H.pylori con người liền có đối sách hiệu quả, nhưng xoắn khuẩn cũng trở đòn nhanh lẹ không kém. Là bạn là thù, còn phải tìm hiểu nhiều về kẻ đồng hành “thân thiết” này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.