Theo dõi Báo Hànộimới trên

Làm sách để chia sẻ mất mát với nghệ nhân

Mai Hoa| 21/01/2018 07:54

(HNM) - Trải qua 10 năm nghiên cứu, chưa kể 2 năm điền dã vất vả trước đó, cuốn sách “Phác họa Nghê - gã linh vật bên rìa” (nhìn từ đền Vua Đinh, Vua Lê) của Họa sĩ, Tiến sĩ Trần Hậu Yên Thế cùng hai đồng tác giả Nguyễn Đức Hòa và Hồ Hữu Long mới ra mắt bạn đọc.


Đôi nghê đá tại lăng Dinh Hương (huyện Hiệp Hòa, Bắc Giang) có niên đại từ thế kỷ XVIII.


- Ông có thể giới thiệu đôi điều về cuốn sách "Phác họa Nghê - gã linh vật bên rìa"?

- Cuốn sách này trình bày cấu tạo, lai lịch, ý nghĩa, sự phong phú của con nghê - linh vật quan trọng của người Việt, do Nhà Xuất bản Thế giới phát hành với sự hỗ trợ kinh phí từ Bảo tàng Gốm sứ Hà Nội. Sách dày 332 trang với 554 hình và ảnh tư liệu, kèm biện luận chú giải ngắn gọn, là những phác thảo đầu tiên về chân dung một trong những linh vật quan trọng bậc nhất của người Việt. Bắt đầu từ những con nghê ở đền Vua Đinh, Vua Lê, chúng tôi đã sưu tầm hình tượng nghê từ thời Lý đến thời Nguyễn, tổng hợp kết quả nghiên cứu, điền dã, mở rộng tầm nhìn về nghê ở đền, miếu, lăng tẩm, đình, chùa nhiều vùng miền khác nhau, thậm chí so sánh với một số linh vật của các nước trong khu vực.

Tôi mong rằng, cuốn sách có ích không chỉ với những người làm công tác quản lý, nghiên cứu, mà còn có ý nghĩa giáo dục, góp phần phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam trong giai đoạn hội nhập. Một trong những thành công của cuốn sách là khẳng định nghê là linh vật của người Việt sáng tạo nên trên cơ sở tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại.

- Thông qua việc nhận dạng các linh vật nghê, lân, sư tử thuần Việt, có thể nói cuốn sách có giá trị rất lớn, nhất là trong bối cảnh Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ra văn bản yêu cầu di dời linh vật ngoại lai, không sử dụng biểu tượng, sản phẩm, linh vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam…

- Tư liệu về linh vật nghê không nhiều. Thực tế là ngay cả một số cán bộ quản lý văn hóa ở các địa phương cũng chưa nhận dạng được linh vật và nguồn gốc của nó một cách chính xác, dẫn đến tình trạng sử dụng linh vật ngoại lai. Đây là điều rất đáng tiếc. Chính vì vậy, chúng tôi hy vọng nghiên cứu của mình sẽ giúp các nghệ nhân có thể giảm bớt mất mát, thua lỗ do sao chép nhầm mẫu ngoại lai.

- Nghe nói, ông và các đồng tác giả đã mất hơn 10 năm để tập hợp tư liệu cho cuốn sách này? Chắc hẳn có không ít khó khăn trong bối cảnh chúng ta có quá ít tư liệu để đối chiếu?


- Tính từ khi khởi viết đến khi hoàn thành bản thảo là 10 năm, từ năm 2007 đến 2017. Nhưng, thực ra, quá trình điền dã bắt đầu từ năm 2005, tức là tròn 12 năm chúng tôi mới ra được sách. Có rất ít tư liệu, bởi dường như sử quan các thời kỳ đã "bỏ nghê ra ngoài". Chúng tôi thường xuyên phải đối chiếu, so sánh với những linh thú, thần thú ở các lăng mộ của Trung Quốc, các di tích của Hàn Quốc, Nhật Bản... Giả thiết con nghê có xuất xứ Trung Á, du nhập vào Việt Nam, qua quá trình tiếp biến văn hóa hàng nghìn năm mới trở thành sản phẩm văn hóa Việt Nam đã phần nào được minh chứng.

Tiến sĩ Trần Hậu Yên Thế sinh năm 1970, từng được nhận Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội năm 2014 với cuốn "Song xưa phố cũ". Ông cũng là tác giả của những cuốn sách nghiên cứu mỹ thuật, di sản văn hóa như: Dịch đồ - cách tiếp cận từ thị giác, Đồ án trang trí mỹ thuật ở đền Vua Đinh - Lê...

Một chút may mắn, đó là bản thân tôi từng nghiên cứu về mộ Hán ở Trung Quốc từ năm 1999 đến 2004 nên cũng có điều kiện so sánh, liên tưởng trong quá trình viết sách. Tôi cũng là quản trị (admin) nhóm “Đình làng Việt”, giảng viên Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam nên quá trình điền dã, nghiên cứu tương đối thuận lợi.

- Ông có thể cho biết cơ duyên nào đã khiến ông và các đồng tác giả quan tâm đặc biệt đến linh vật nghê?

- Dân gian có câu: “Làm phượng thì múa làm nghê thì chầu”. Với tôi, đúng là "nghê đã gọi tên mình". Sau khi được giao nghiên cứu con nghê đá đền Vua Đinh, tôi tìm hiểu, lắng nghe, ghi lại những "lời của nghê", của các nghệ nhân trao gửi qua gỗ, đá làm nên linh vật này bao đời... Ngay trong cuốn sách, chúng tôi cũng nêu quan điểm: Gã linh vật bên lề - nghê - đã góp phần làm nên một diện mạo tinh thần sống động, lạc quan, bình dân và thân thuộc cho nghệ thuật người Việt thời Trung đại. Nghê đã gắn bó với người Việt hàng nghìn năm nay. Khiêm nhường, chất phác và thuần hậu, hình tượng nghê thể hiện chính xác chiều kích văn hóa Việt. Con nghê có thể đưa vào hai dạng thức: Khiêm cung, thành kính hoặc náo hoạt, hoan hỉ. Nhưng cái chung nhất là nó rất người, rất Việt.

- Có phát hiện nào khiến ông thực sự thấy bất ngờ?

- Lúc đầu tôi chỉ tập trung đi tìm nghê, nhưng trong quá trình tìm tòi lại có được những phát hiện liên quan đến quá trình thương mại của người Việt, ví như có những mảng chạm cho thấy có người nước ngoài tham gia vào quá trình xây dựng đình làng ở Bắc Giang...

- Ông muốn truyền tải thông điệp nào qua công trình nghiên cứu này?

- Thông điệp mà chúng tôi đưa ra, đó là chúng ta phải chung tay, cố gắng để giá trị di sản của dân tộc không "bị ra rìa" trong làn sóng toàn cầu hóa mạnh mẽ hiện nay.

Thực ra cuốn sách mới dừng ở mức phác thảo. Nếu sách tái bản, tôi sẽ đầu tư sâu hơn vào phần đối chiếu cũng như thông tin về nghê Việt trong không gian di tích Chăm pa. Bên cạnh đó là số hóa hình ảnh, đồ án nghiên cứu về nghê để các làng nghề dễ dàng ứng dụng trong việc tạo tác.

- Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Làm sách để chia sẻ mất mát với nghệ nhân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.