(HNM) - Các cuộc hội thảo, tọa đàm đóng góp ý kiến cho Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 đang diễn ra sôi nổi trên cả nước. Hoàn thiện các quy định về Hội đồng Hiến pháp, về vai trò lãnh đạo của Đảng, phân định rõ hơn quyền của công dân, thẩm quyền của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội là những ý kiến mới nhất được các nhà khoa học, các chuyên gia đặt ra đối với Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992.
Cần một chương riêng về Hội đồng Hiến pháp
Đánh giá cao ý tưởng về Hội đồng Hiến pháp (Điều 120), nhưng nhiều ý kiến cho rằng cần phải có thêm các quy định mới thể hiện được vai trò thật sự cần thiết của chủ thể này. PGS,TS Ngô Huy Cương (Khoa Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, phải nâng cấp chế tài quy định tại điều này vì nếu quy định theo dự thảo rất "yếu": Hội đồng Hiến pháp chỉ được "kiến nghị Quốc hội xem xét lại", và "yêu cầu" các cơ quan khác "sửa đổi, bổ sung" hoặc "đề nghị" cơ quan có thẩm quyền hủy bỏ khi phát hiện văn bản quy phạm pháp luật có vi phạm Hiến pháp. Đồng tình với quan điểm trên nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn Yểu đề nghị: "Nếu Hội đồng Hiến pháp chỉ có chức năng tư vấn thì cần phải bàn lại".
Vẫn bàn về Điều 120 trong dự thảo, TS Đặng Minh Tuấn (Khoa Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, kinh nghiệm của Hàn Quốc cho thấy việc thành lập một Tòa án Hiến pháp độc lập, có thẩm quyền rộng rãi và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân được quyền tiếp cận (kiện ra Tòa án Hiến pháp) là những điều kiện tiên quyết. Nếu chưa lập được Tòa án Hiến pháp thì Hội đồng Hiến pháp theo dự thảo cũng cần phải được cải cách theo hướng nâng cao tính độc lập và thẩm quyền của cơ quan này. Cùng chung ý tưởng này, PGS, TS Ngô Huy Cương phân tích: "Khi xây dựng một cơ quan xem xét sự vi phạm pháp luật, người ta thường phải trả lời các câu hỏi có tính nguyên tắc như: Cơ quan đó nằm ở vị trí nào trong cơ cấu nhà nước, có chức năng gì, thẩm quyền ra sao, tổ chức như thế nào, thủ tục làm việc ra sao, chế tài nào được áp dụng và hiệu lực phán quyết như thế nào?". Đối chiếu các câu hỏi mang tính nguyên tắc khoa học này, ông khẳng định: Điều 120 của dự thảo chưa trả lời đầy đủ các câu hỏi này, thậm chí, một số nội dung phụ thuộc vào các quy định của luật trong tương lai.
GS,TS Trần Ngọc Đường, chuyên gia cao cấp của Quốc hội khẳng định, Hội đồng Hiến pháp cần được thiết kế là một thiết chế thực quyền, có khả năng tài phán để bảo vệ Hiến pháp một cách chủ động hơn thì nhân dân mới thực sự là chủ thể của quyền lập hiến theo đúng nghĩa. Các chuyên gia đề nghị cần có một chương riêng quy định đầy đủ hơn về Hội đồng Hiến pháp để bảo đảm hiệu quả thực sự của cơ quan này khi triển khai trên thực tiễn.
Phân định rõ quyền lực
Đề cập tới yếu tố quyền lực, GS Nguyễn Minh Thuyết (nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội) cho rằng, Hiến pháp của các nước xã hội chủ nghĩa phải thể hiện được mối quan hệ giữa ba bên là nhân dân, Đảng Cộng sản cầm quyền và Nhà nước. Ông đề nghị, cần quy định rõ phương thức lãnh đạo Nhà nước và xã hội của Đảng để tránh xảy ra xung đột quyền lực hoặc quyền lực của nhiều chủ thể mang tính hình thức. Theo GS Nguyễn Minh Thuyết, những nguyên tắc đang dẫn dắt đời sống chính trị nước nhà và quyền lực thực tế của Đảng như xác định phương hướng, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh - quốc phòng, bố trí nhân sự và lãnh đạo hoạt động của toàn bộ bộ máy nhà nước… cần được quy định trong Hiến pháp. Đây là cách để các tổ chức của Đảng và đảng viên hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật và thể hiện đúng tinh thần Đảng lãnh đạo đồng thời chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình.
Nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn Yểu cho rằng, yêu cầu tối cao của việc sửa đổi hiến pháp là tập trung làm rõ mối quan hệ giữa nhân dân và nhà nước, quyền con người và quyền công dân. Ông khẳng định: "Nhân dân mong đợi Hiến pháp phải thể hiện cho được trên thực tế quyền lực thuộc về nhân dân cũng như thể hiện tốt hơn quyền con người, quyền công dân ở Việt Nam". Đồng tình với ý kiến này, TS Vũ Đức Khiển - nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội phân tích: "Điều 2, Dự thảo khẳng định tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân; quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. Nhưng đến Điều 74, 75 thì lại nói Quốc hội là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, Quốc hội có quyền quyết định mọi vấn đề của đất nước, Quốc hội giám sát tối cao, rồi quyền phúc quyết của nhân dân cũng do Quốc hội quyết định...". Ông khẳng định, dự thảo chưa thể hiện được quan điểm là tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân và quyền lực Nhà nước có sự phân công, phối hợp, kiểm soát lẫn nhau.
Cùng chủ đề quyền lực, GS,TS Nguyễn Đăng Dung (Đại học Quốc gia Hà Nội) đề nghị, cần kiên quyết hơn nữa trong phân định thẩm quyền giữa Quốc hội với nhân dân, Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan nhà nước khác. Có như thế, Quốc hội mới làm đúng và đủ quyền lập pháp của mình, không lấn sang các quyền khác hoặc không làm đủ quyền lập pháp của mình. "Tôi cho rằng quy định Quốc hội là cơ quan đại diện cao nhất sẽ hợp lý hơn quy định Quốc hội là cơ quan quyền lực tối cao. Cần phân biệt rất rõ Quốc hội lập hiến khác với Quốc hội lập pháp, bởi quyền lập hiến thuộc về nhân dân"- GS,TS Nguyễn Đăng Dung nhấn mạnh.
Sáng 25-2, Ủy ban MTTQ TP Hà Nội phối hợp với Ủy ban Đoàn kết Công giáo TP Hà Nội tổ chức lấy ý kiến đóng góp vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Tại hội nghị, nhiều đại biểu đã đánh giá cao Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 có nhiều đổi mới và rút gọn so với Hiến pháp năm 1992, từ 12 chương, 147 điều thành 11 chương, 124 điều và được bổ sung nhiều nội dung mới… Nhiều đại biểu tán thành sửa đổi Điều 93, tăng cường quyền hạn cho Chủ tịch nước. Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Công giáo TP Hà Nội Dương Phú Oanh đề nghị sửa đổi Điều 2 thành: "Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân"; Khoản 3 Điều 9 thành: "Nhà nước bảo đảm điều kiện để MTTQ Việt Nam hoạt động và tạo điều kiện cho các tổ chức thành viên của Mặt trận hoạt động". Ngoài ra, một số đại biểu đề nghị sửa Điều 28: tuổi ứng cử Quốc hội và HĐND phải từ 25 tuổi trở lên; Điều 25: mọi người có quyền tự do hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào; các tôn giáo và tổ chức tôn giáo bình đẳng trước pháp luật… Khánh Thu |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.