Theo dõi Báo Hànộimới trên

Làm rõ thách thức để phát triển bền vững

Nhóm phóng viên| 12/07/2020 06:44

(HNM) - Góp ý vào dự thảo Báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội, nhiều ý kiến cho rằng, dự thảo cần làm rõ hơn các giải pháp nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường; chủ động phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, ứng phó với biến đổi khí hậu. Trong đó, cần làm rõ những thách thức để phát triển bền vững.

Dự thảo Báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội cần làm rõ hơn các giải pháp nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng tài nguyên; phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn… Trong ảnh: Cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Sóc Sơn tuần tra, bảo vệ rừng. Ảnh: Bá Hoạt

Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Đoàn Văn Trọng:

Tận dụng tiềm năng của vùng đất bãi rộng lớn

Dự thảo Báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội đã nêu được những nét nổi bật nhất trong công tác quản lý đất đai giai đoạn 2015-2020. Cụ thể, Hà Nội đã hoàn thành lập hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu về đất đai; thực hiện tốt hơn công tác giao đất, cho thuê đất, đặc biệt là cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Đối với phần giải pháp, dự thảo Báo cáo chính trị cũng nhấn mạnh: Việc xây dựng các khu đô thị, khu chung cư, nhà tái định cư, nhà ở xã hội, bảo đảm yêu cầu về chất lượng, kỹ thuật, thiết kế sáng tạo, thẩm mỹ… Đặt ra yêu cầu này là rất đúng và trúng trong việc xây dựng một Thủ đô văn minh, hiện đại. Tuy nhiên, đối với quy hoạch dân cư, nhà ở liên quan đến hành lang thoát lũ sông Hồng, để tận dụng tiềm năng của vùng đất bãi rộng lớn, dự thảo cần làm rõ, có giải pháp bảo đảm tính hiệu quả, khả thi, thu hút người dân, doanh nghiệp tham gia.

Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội Mai Trọng Thái:

Có lộ trình thực hiện cụ thể để bảo vệ môi trường tốt hơn

Tôi đánh giá cao nội dung nói về giải pháp tăng cường công tác bảo vệ môi trường trong dự thảo Báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội. Trong đó, dự thảo đề ra các chỉ tiêu như: Tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị và nông thôn ở Hà Nội phải bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn; tỷ lệ chất thải nguy hại được xử lý; tỷ lệ chất thải y tế được xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường; tỷ lệ cụm công nghiệp có trạm xử lý nước thải… đều đạt 100%. Những chỉ tiêu này phù hợp với định hướng giải quyết triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường ở Hà Nội giai đoạn tới.

Đặc biệt, dự thảo Báo cáo chính trị cũng đưa ra những giải pháp cụ thể đối với vấn đề xử lý ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, dự thảo nên đưa ra lộ trình triển khai cụ thể để bảo đảm đạt được mục tiêu đề ra.

Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Thủy lợi Hà Nội Chu Văn Tuấn:

Làm rõ hơn vai trò của ngành Thủy lợi

Dự thảo Báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội đã chỉ ra nhiều thách thức liên quan đến biến đổi khí hậu. Đồng thời, dự thảo cũng đã chỉ rõ nhiệm vụ: Xử lý cơ bản ô nhiễm môi trường nước của hệ thống hồ nước; phát triển hệ thống thủy lợi, thoát nước và xử lý nước thải; triển khai thực hiện Đề án cải tạo môi trường các sông: Nhuệ, Đáy; các chương trình chống ngập, úng; khơi thông dòng chảy các sông: Nhuệ, Đáy, Tô Lịch, Tích…

Tuy nhiên, nội dung của dự thảo Báo cáo chính trị chưa nêu rõ vai trò và đóng góp của ngành Thủy lợi trong thực hiện nhiệm vụ phát triển nền nông nghiệp sạch, phòng, chống úng ngập và hạn hán, tạo cảnh quan môi trường gắn với khai thác phát triển du lịch... Theo tôi, dự thảo nên định hướng rõ hơn về nhiệm vụ đa mục tiêu của hệ thống công trình thủy lợi. Đây sẽ là cơ sở để các cấp ủy Đảng, chính quyền và người dân tiếp tục xây dựng và triển khai các giải pháp nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác quản lý, khai thác, bảo vệ công trình thủy lợi.

Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Đê điều và Phòng, chống lụt bão Hà Nội Trần Thanh Mẫn:

Đề ra mục tiêu cụ thể trong ứng phó, thích ứng với biến đổi khí hậu

Tôi đồng tình với dự thảo Báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội khi đặt ra mục tiêu và nhiệm vụ của thành phố trong ứng phó với biến đổi khí hậu, xây dựng xã hội an toàn trước thiên tai...

Đặc biệt, dự thảo đặt ra nhiệm vụ trong giai đoạn tới là hoàn thành phê duyệt các quy hoạch hai bên bờ sông Hồng với quy định về yêu cầu thoát lũ; xây dựng cơ sở hạ tầng đô thị có khả năng chống chịu với tác động của biến đổi khí hậu; giải quyết cơ bản tình trạng ngập úng...

Tuy nhiên, theo tôi, dự thảo cần bổ sung thêm những vấn đề đã nêu trong Chỉ thị số 42-CT/TƯ ngày 24-3-2020 của Ban Bí thư (khóa XII) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai. Trong đó, cần cập nhật, đánh giá rõ hơn những thách thức, đề ra mục tiêu cụ thể hơn trong ứng phó, thích ứng với biến đổi khí hậu; đề ra lộ trình cụ thể nhằm xây dựng xã hội an toàn trước thiên tai… 

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Làm rõ thách thức để phát triển bền vững

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.