(HNMO) - Tiếp tục kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XIV, sáng 16-6, Quốc hội đã tiến hành thảo luận ở tổ về dự án Luật Biên phòng Việt Nam.
Dự án Luật Biên phòng Việt Nam được xây dựng trên cơ sở kết quả tổng kết 20 năm thi hành Pháp lệnh Bộ đội biên phòng và yêu cầu của thực tiễn.
Dự thảo Luật gồm 7 chương, 33 điều với mục đích phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, cơ quan, tổ chức, cá nhân, xây dựng lực lượng bảo vệ biên giới toàn dân rộng khắp; phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hành động xâm phạm biên giới quốc gia; bảo vệ Đảng, chính quyền, nhân dân và các mục tiêu chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh ở khu vực biên giới; phòng, chống có hiệu quả tội phạm, giữ vững ổn định an ninh, trật tự ở khu vực biên giới; mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, đối ngoại quốc phòng, đối ngoại biên phòng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Về nội dung trên, đại biểu Trần Văn Quý (Đoàn Hưng Yên) đồng tình với tên gọi là Luật Biên phòng Việt Nam. Về chức năng nhiệm vụ, đại biểu cho rằng, "nhiệm vụ biên phòng là của lực lượng vũ trang nhân dân" được nêu trong dự thảo Luật chưa khái quát được hết phạm vi, trong khi bảo vệ biên giới là cả hệ thống chính trị và nhân dân, nòng cốt là lực lượng vũ trang nhân dân.
Đại biểu Trần Văn Quý cho rằng, mọi công dân Việt Nam đều có trách nhiệm bảo vệ biên giới và Nhà nước có chính sách tuyển chọn, đào tạo nguồn nhân lực. Công tác bảo vệ biên giới cần lưu ý ưu tiên việc quan tâm hỗ trợ đồng bào các dân tộc thiểu số để họ bám đất, bám rừng, bám biên cương, yên tâm sinh sống gắn với bảo vệ biên giới.
Tán thành với việc xây dựng Luật Biên phòng Việt Nam, đại biểu Lưu Thành Công (Đoàn Vĩnh Long) nêu ý kiến, cần quy định rõ trong dự thảo Luật các quy định về bảo vệ cột mốc biên giới, bảo vệ đường biên giới… Đồng thời, cần bổ sung các quy định cụ thể về việc trang bị phương tiện kỹ thuật hiện đại như thế nào trong dự thảo Luật.
Về nội dung cần sửa đổi, đại biểu Lưu Thành Công đề nghị cần phân biệt rõ và ưu tiên tuyển dụng người địa phương vào lực lượng biên phòng, vì thực tế những người ở địa bàn biên giới sẽ nắm địa bàn tốt, việc ngoại giao giữ gìn biên giới cũng sẽ tốt hơn.
Theo đại biểu Trần Văn Lâm (Đoàn Bắc Giang), dự thảo Luật cần mở rộng đối tượng phạm vi áp dụng nhiều lực lượng tham gia vào như ngoại giao, thuế, công an, quốc phòng, quản lý thị trường và UBND các xã, thị trấn khu vực biên giới... Bên cạnh đó, đại biểu cho rằng nội dung về hợp tác quốc tế về biên phòng chưa rõ chủ thể hợp tác là ai, do đó cần làm rõ về nội dung này.
Phát biểu thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho biết, quá trình xây dựng Luật Biên phòng Việt Nam rất thuận lợi, bởi đã có định hướng từ Nghị quyết số 33-NQ/TƯ ngày 28-9-2018 của Bộ Chính trị về chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia. Đồng thời, Luật Biên phòng Việt Nam thực tế là nội dung được nâng lên từ Pháp lệnh của Bộ đội Biên phòng, tương tự Luật Cảnh sát biển.
Về tên gọi và phạm vi điều chỉnh, Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, đây là vấn đề lớn quyết định tới kết cấu và toàn bộ nội dung của dự thảo cần phải được nghiên cứu, đánh giá thật kỹ, nội dung này được nhiều ý kiến quan tâm và cũng có ý kiến khác nhau. Việc xây dựng dự án Luật với tên gọi “Luật Biên phòng Việt Nam” và mở rộng phạm vi điều chỉnh so với Pháp lệnh Bộ đội Biên phòng là phù hợp với tên gọi được nêu trong Nghị quyết số 33-NQ/TƯ và tên trong chương trình xây dựng luật, pháp lệnh đã được Quốc hội quyết định.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.