Lương - Bảo hiểm

Làm rõ hai vấn đề “nóng” về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế

Hà Hiền 29/06/2023 19:45

Việc thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) trên địa bàn thành phố Hà Nội nổi lên 2 vấn đề “nóng”, đó là tỷ lệ chậm đóng các chính sách còn cao; mức chi BHYT lớn, tiềm ẩn nguy cơ bội chi.

Thông tin này được phản ánh tại hội nghị đánh giá kết quả thực hiện công tác BHXH, BHYT 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm do Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT thành phố Hà Nội tổ chức, diễn ra chiều 29-6. Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà, Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT thành phố chủ trì hội nghị.

anh-1(1).jpg
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà chủ trì hội nghị.

Hơn 5.253 tỷ đồng chậm đóng các chính sách

Báo cáo của BHXH thành phố Hà Nội nêu rõ, trong 6 tháng đầu năm nay, tổng số thu BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) trên địa bàn đạt 28.481 tỷ đồng, tăng 3.680 tỷ đồng, tương ứng với mức tăng 14,8% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 47% kế hoạch cả năm 2023. Điều này cho thấy, các chính sách ngày càng lan tỏa, thấm sâu vào đời sống, thu hút đông đảo người dân, người lao động tham gia.

Tuy nhiên, Hà Nội cũng là địa phương có tỷ lệ chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN cao. Tổng số tiền chậm đóng các chính sách hiện lên tới hơn 5.253 tỷ đồng, chiếm 8,17% tổng số tiền phải thu, trong đó, số tiền chậm đóng phải tính lãi là hơn 1.752 tỷ đồng, chiếm 2,73% tổng số phải thu. So với cùng kỳ năm 2022, số tiền chậm đóng và số tiền phải tính lãi ở Hà Nội đều giảm, nhưng hiện vẫn cao nhất cả nước.

Cần lưu ý, số tiền chậm đóng của các đơn vị, doanh nghiệp đã ngừng giao dịch là gần 1.655 tỷ đồng, chiếm 31,5% tổng số tiền chậm đóng. Số tiền chậm đóng dưới 12 tháng là hơn 1.823 tỷ đồng, chiếm 34,7% tổng số tiền chậm đóng. Số tiền chậm đóng từ 12 tháng trở lên là hơn 1.725 tỷ đồng, chiếm 32,85%... Việc các đơn vị, doanh nghiệp chậm đóng trong thời gian dài với số tiền lớn đã, đang làm ảnh hưởng đến quyền lợi của nhiều người lao động.

Lý giải nguyên nhân, Giám đốc BHXH thành phố Hà Nội Phan Văn Mến cho hay, những năm gần đây, nhiều đơn vị gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, dẫn đến phá sản, giải thể hoặc không đủ khả năng đóng BHXH cho người lao động. Qua rà soát, các lực lượng chức năng ghi nhận hơn 16.000 doanh nghiệp đã phá sản, giải thể, thậm chí chủ doanh nghiệp đã bỏ trốn, nên số tiền chậm đóng, nợ đóng rất khó thu hồi. Ngoài ra, một số đơn vị, doanh nghiệp chưa nghiêm túc chấp hành các quy định của pháp luật về BHXH.

anh-2(2).jpg
Đại diện Công an thành phố Hà Nội cho biết, việc xử lý hành vi chậm đóng, trốn đóng BHXH rất khó thực hiện.

Đại diện cơ quan điều tra, Đội trưởng Đội 6, Phòng PC03 (Công an thành phố Hà Nội) Hoàng Thu Hương cho biết, tổ chức, cá nhân trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động là tội phạm, được quy định rõ tại Điều 216 của Bộ luật Hình sự. Tội này có chiều hướng tăng trong những năm gần đây nhưng thiếu căn cứ để xử lý. Bởi, để xử lý các vụ án liên quan đến tội danh trốn đóng BHXH phải có yếu tố cấu thành bắt buộc là hành vi “trốn đóng”, chứ không phải là hành vi “chậm đóng”. Thế nhưng, hiện nay, các quyết định xử phạt vi phạm hành chính do cơ quan BHXH hoặc Thanh tra thành phố cung cấp cho cơ quan Công an chỉ có hành vi “chậm đóng”.

Cũng theo quy định của pháp luật hiện hành, việc xử lý hành vi trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động mới được áp dụng từ ngày 1-1-2018, nên thiếu căn cứ để xử lý hành vi này trước thời điểm đó.

Để gỡ vướng, bà Hoàng Thu Hương kiến nghị các cơ quan chức năng thành phố đề xuất sửa đổi, bổ sung các khái niệm về “chậm đóng”, “trốn đóng” sao cho thống nhất giữa các quy định của pháp luật; sớm có hướng dẫn phân tách số tiền đơn vị, doanh nghiệp trốn đóng BHXH trước ngày 1-1-2018 và sau ngày 1-1-2018 để cơ quan điều tra có căn cứ xác định mức độ vi phạm, định tội danh theo quy định của pháp luật…

Cố gắng không để bội chi BHYT

Vấn đề “nóng” khác được nhiều người quan tâm là chi phí khám, chữa bệnh BHYT tăng cao trong những tháng đầu năm 2023. Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm, các cơ sở y tế có hợp đồng khám, chữa bệnh BHYT đã phục vụ gần 5,9 triệu lượt bệnh nhân với số tiền chi BHYT lên tới hơn 10.342 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm trước, số lượng bệnh nhân BHYT tăng 27%, chi phí tăng 23,9%, tương ứng với số tiền tăng gần 1.995 tỷ đồng, cao nhất cả nước. Nếu số chi BHYT tiếp tục tăng cao và kéo dài, Hà Nội đứng trước nguy cơ bội chi BHYT...

So sánh với thành phố Hồ Chí Minh, địa phương có quy mô dân số tương đương, hệ thống khám, chữa bệnh BHYT tương đồng với Hà Nội càng thấy rõ hơn nguy cơ bội chi BHYT. “Trong tổng số lượt bệnh nhân khám, chữa bệnh BHYT ở Hà Nội có khoảng 16 - 17% số người đưa vào điều trị nội trú, trong khi tỷ lệ này ở thành phố Hồ Chí Minh là khoảng 9%. Thời gian điều trị nội trú bình quân ở Hà Nội là 8 - 9 ngày, còn ở thành phố Hồ Chí Minh là gần 6 ngày. Chi BHYT bình quân cho một đợt điều trị ở Hà Nội là hơn 2,2 triệu đồng, trong đó chi một đợt điều trị nội trú là hơn 10,2 triệu đồng, còn mức chi này ở thành phố Hồ Chí Minh lần lượt là hơn 1,2 triệu đồng và hơn 8,1 triệu đồng”, Giám đốc BHXH thành phố Hà Nội Phan Văn Mến dẫn chứng.

anh-3.jpg
Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Đình Hưng lý giải nguyên nhân chi khám, chữa bệnh BHYT ở Hà Nội tăng cao.

Từ thực tế thực hiện khám, chữa bệnh BHYT, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Đình Hưng cho biết thêm, điểm khác biệt của Hà Nội so với các địa phương khác là thành phố tập trung nhiều bệnh viện tuyến trung ương. Số tiền BHXH thành phố chi khám, chữa bệnh BHYT tuyến trung ương chiếm gần 2/3 tổng mức chi; chi cho tuyến thành phố và cơ sở chỉ chiếm hơn 1/3. Lý do là vì chi phí cho dịch vụ kỹ thuật tuyến trung ương cao hơn nhiều so với tuyến dưới. Hơn nữa, bệnh nhân tại các cơ sở tuyến cuối thường mắc bệnh nặng hơn, cần điều trị dài ngày hơn, sử dụng dịch vụ kỹ thuật cao hơn, dẫn đến chi phí nhiều hơn...

Trước thực trạng nêu trên, ngành BHXH và ngành Y tế tiếp tục bắt tay chặt chẽ để vừa thực hiện tốt công tác khám, chữa bệnh, vừa bảo đảm an toàn cho Quỹ BHYT, cố gắng không để bội chi quỹ.

Kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà ghi nhận những kết quả đạt được, đồng thời chia sẻ khó khăn với các sở, ngành, đơn vị chức năng, các địa phương trong việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT.

Riêng với 2 vấn đề “nóng” nêu trên, Phó Chủ tịch UBND yêu cầu các bên liên quan đôn đốc thu BHXH, BHYT, BHTN bằng nhiều giải pháp, trọng tâm là tăng cường thanh tra, kiểm tra các đơn vị, doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm. Về BHYT, các bên phối hợp, theo dõi sát sao tình hình sử dụng quỹ khám, chữa bệnh tại từng đơn vị, cơ sở; phân tích rõ dữ liệu khám, chữa bệnh để phát hiện, xử lý kịp thời những hành vi vi phạm... Phấn đấu đến cuối năm, Hà Nội hoàn thành tốt các mục tiêu đề ra về BHXH, BHYT, tạo điều kiện, cơ hội để người dân nâng cao mức sống, thụ hưởng các chính sách an sinh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Làm rõ hai vấn đề “nóng” về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.