Theo dõi Báo Hànộimới trên

56 ý kiến đề nghị giải đáp về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế

Minh Vũ| 18/05/2023 15:08

(HNMO) - Ngày 18-5, Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội tổ chức hội nghị giao lưu trực tuyến chủ đề: “Đồng hành cùng người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế”.

Các chuyên gia tham gia chương trình giao lưu.

Tại chương trình giao lưu, các chuyên gia lĩnh vực bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) đã tiếp nhận 56 ý kiến đề nghị giải đáp các chính sách, chế độ, tình huống phát sinh trong quá trình tiếp cận, tham gia, thụ hưởng các chế độ, chính sách.

Nội dung các ý kiến tập trung vào một số vấn đề cơ bản như: Mức đóng, hưởng BHXH, BHYT, lương hưu của người lao động sẽ thay đổi như thế nào từ ngày 1-7-2023 khi mức lương cơ sở tăng. Người dân tham gia BHYT liên tục từ 5 năm trở lên được hưởng những chế độ gì? Người lao động nghỉ việc ngắn hạn có phải đóng BHXH bắt buộc không?... Từng nội dung nêu trên đã được các chuyên gia giải đáp thấu đáo.

Theo các chuyên gia, mức đóng BHXH bắt buộc, BHYT hộ gia đình sẽ tăng theo mức lương cơ sở từ ngày 1-7-2023, nhưng không nhiều. Tỷ lệ thuận với mức đóng tăng là mức hưởng tăng, nên người dân, người lao động có thể yên tâm tham gia các chính sách lâu dài. Còn mức hưởng lương hưu cũng tăng lên với một số nhóm đối tượng, rõ nhất là với nhóm đối tượng do ngân sách nhà nước bảo đảm và người nghỉ hưu trước năm 1995 có mức hưởng lương hưu thấp…

Lương hưu sẽ tăng từ 1-7-2023 với nhiều nhóm đối tượng.

Về chế độ dành cho người tham gia BHYT liên tục từ 5 năm trở lên, nhóm đối tượng này sẽ hưởng 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh nếu bệnh nhân đi khám, chữa bệnh đúng tuyến và có số tiền chi trả khám, chữa bệnh trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở (hiện tương ứng với 8.940.000 đồng). Nếu đi khám, chữa bệnh trái tuyến, bệnh nhân vẫn được hưởng đầy đủ chế độ theo quy định, nhưng ở mức thấp hơn.

Về nội dung người lao động nghỉ việc ngắn hạn có phải đóng BHXH bắt buộc, đại diện BHXH thành phố Hà Nội cho biết, theo khoản 3, điều 85 Luật BHXH hiện hành, người lao động không làm việc và không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì không đóng BHXH tháng đó.

Như vậy, nếu tiếp tục nghỉ không hưởng lương sang các tháng kế tiếp, mà người lao động chưa chấm dứt hợp đồng lao động với người sử dụng lao động, thì người lao động vẫn không phải đóng BHXH bắt buộc trong thời gian nghỉ. Trong giai đoạn tạm nghỉ không hưởng lương, người lao động cũng không thể chuyển sang đóng BHXH tự nguyện để tránh bị ngắt quãng thời gian đóng - hưởng BHXH (trừ trường hợp chủ sử dụng lao động ban hành quyết định tạm hoãn hợp động lao động, thì trong thời gian tạm hoãn, người lao động có thể tham gia BHXH tự nguyện theo hướng dẫn của BHXH Việt Nam).

Phát biểu tại chương trình giao lưu trực tuyến, Phó Giám đốc BHXH thành phố Hà Nội Vũ Đức Thuật nhấn mạnh, các câu hỏi - đáp về BHXH, BHYT không chỉ giúp người dân, người lao động nắm rõ quyền lợi và trách nhiệm khi tham gia các chính sách, mà còn giúp cơ quan BHXH lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người lao động, qua đó nâng cao năng lực quản lý, hiệu quả hoạt động.  

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
56 ý kiến đề nghị giải đáp về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.