Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giám đốc BHXH thành phố Hà Nội Phan Văn Mến: Trước khó khăn càng phải nỗ lực

Hà Hiền| 15/06/2023 09:58

(HNMO) - Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới nhân kỷ niệm 28 năm ngày thành lập ngành (15/6/1995 - 15/6/2023), Giám đốc Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội Phan Văn Mến nhấn mạnh, đứng trước khó khăn, toàn ngành càng phải nỗ lực đưa chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) vào đời sống. Đây là nhiệm vụ, giải pháp quan trọng góp phần tạo nền tảng để phát triển hệ thống an sinh, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của nhân dân Thủ đô.

- Nhìn lại chặng đường 28 năm nỗ lực vì sự nghiệp an sinh, ông đánh giá thế nào về những kết quả đạt được của ngành BHXH thành phố?

- Những khó khăn, vất vả trên chặng đường đã đi qua không thể kể hết, nhưng các thế hệ lãnh đạo, viên chức ngành BHXH thành phố Hà Nội đã luôn nỗ lực hoạt động với tinh thần: Lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo đánh giá hiệu quả hoạt động và mục tiêu phấn đấu. 

Giám đốc BHXH thành phố Hà Nội Phan Văn Mến triển khai công tác tháng 6-2023.

Toàn ngành bền bỉ thực hiện các chính sách, lại được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, kịp thời của các cấp ủy, chính quyền, của BHXH Việt Nam, sự đồng hành của các sở, ngành chức năng, sự tham gia tích cực của người dân, doanh nghiệp, nên “vườn an sinh” ở Thủ đô ngày càng mở rộng. Đến nay, toàn thành phố có hơn 1,988 triệu người tham gia BHXH bắt buộc, bằng 42% lực lượng lao động trong độ tuổi, gấp hơn 6 lần so với số người tham gia năm 1995. Đa số người tham gia BHXH bắt buộc đều tham gia BHTN, giúp họ có giá đỡ an sinh khi không may bị ảnh hưởng về việc làm.

BHXH tự nguyện hướng tới nhóm lao động làm nông nghiệp hoặc làm những công việc tự do từng bước đi vào đời sống. Hiện toàn thành phố có gần 77.000 người tham gia, bằng 1,75% lực lượng lao động trong độ tuổi. Đặc biệt, chính sách BHYT mở rộng diện bao phủ đến hơn 93% dân số Thủ đô, tương ứng với gần 7,736 triệu người có tấm thẻ an sinh để chăm sóc sức khỏe, giảm chi phí khám, chữa bệnh khi bị ốm đau, bệnh tật…

- Thưa ông, cùng với nhiệm vụ tăng diện bao phủ các chính sách, mở rộng đối tượng tham gia, thì việc bảo đảm quyền lợi cho người dân, doanh nghiệp được triển khai ra sao?

- Trong hoàn cảnh nào, giai đoạn nào, ngành BHXH cũng đặt lợi ích của người dân, người lao động lên hàng đầu. Theo đó, toàn ngành đặc biệt chú trọng đôn đốc thu, giảm số tiền chậm đóng, trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN để người lao động hạn chế bị ảnh hưởng về quyền lợi. Kết quả, năm 2022, tổng số thu các chính sách đạt hơn 54.211 tỷ đồng, bằng 102% kế hoạch. Dự kiến năm 2023, con số này tiếp tục tăng lên.

Đón tiếp người dân đến thực hiện các giao dịch tại BHXH quận Thanh Xuân.

Việc giải quyết các chế độ, bảo đảm các quyền lợi cho người dân, người lao động, doanh nghiệp tham gia các chính sách ngày càng tốt hơn. Hằng tháng, các bên phối hợp chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH chính xác, kịp thời cho hơn 590.000 người thụ hưởng.

Đặc biệt, những năm gần đây, BHXH thành phố Hà Nội đã phối hợp triển khai kịp thời các gói hỗ trợ an sinh chưa có tiền lệ của trung ương và thành phố dành cho người lao động, doanh nghiệp tham gia BHXH bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19, tạo điểm tựa, cơ hội cho họ cùng vươn lên.

Đáng chú ý, BHXH thành phố Hà Nội đã ký hợp đồng khám chữa bệnh BHYT với 187 cơ sở y tế cùng 611 điểm kết nối liên thông dữ liệu từ tuyến trung ương đến cơ sở, phân bố rộng khắp trên địa bàn Thủ đô. Quy trình đón tiếp, phục vụ bệnh nhân BHYT ngày càng hoàn thiện, hiện đại. Vì thế, người dân có thể sử dụng thẻ BHYT điện tử qua ứng dụng VssID- Bảo hiểm xã hội số hoặc thẻ căn cước công dân gắp chip đi khám, chữa bệnh tại cơ sở y tế gần nhất.

- Bên cạnh những tín hiệu vui, nhiều ý kiến bày tỏ sự lo lắng trước tình trạng chi phí khám, chữa bệnh BHYT tăng cao; tỷ lệ chậm đóng BHXH chưa được khắc phục triệt để. Ông có thể lý giải rõ hơn về những nội dung này?

- Đúng là chi phí khám, chữa bệnh BHYT có xu hướng tăng. Năm 2022, các cơ quan chức năng thành phố Hà Nội bảo đảm quyền lợi khám, chữa bệnh BHYT cho gần 10,74 triệu lượt người với số tiền chi gần 16.600 tỷ đồng, tăng 24,9% về số lượt người và 20,8% về số tiền chi cho với năm 2021. Từ đầu năm 2023 đến nay, các cơ sở y tế tiến hành khám, chữa bệnh BHYT cho gần 4,88 triệu lượt người, số tiền đề nghị thanh toán là hơn 8.512 tỷ đồng, tương ứng với mức tăng lần lượt là 32,8% và 31,6% so với cùng kỳ năm trước.

BHYT trở thành "phao cứu sinh" của những người mắc bệnh nặng, trong đó có bệnh nhân chạy thận tại Bệnh viện Thận Hà Nội.

Nguyên nhân là do, nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân tăng cao sau những thời điểm giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19. Ngoài ra, Hà Nội là địa bàn tập trung nhiều cơ sở khám, chữa bệnh uy tín, nên có số lượng bệnh nhân BHYT từ các tỉnh, thành phố khác đến khá đông, nhất là những bệnh nhân mắc bệnh nặng, cần chuyển tuyến điều trị (5 tháng đầu năm 2023, Hà Nội tăng 56,3% số lượng bệnh nhân BHYT ngoại tỉnh, chi phí tăng 39,5%, tương ứng với số tiền tăng hơn 1.211 tỷ đồng) ...

Về tình trạng chậm đóng BHXH, thống kê cho thấy, số tiền chậm đóng tính đến thời điểm hết tháng 5-2023 là hơn 5.300 tỷ đồng, trong đó số tiền phải tính lãi là hơn 1.830 tỷ đồng, bằng 2,85% tổng số tiền cần thu. Điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu do nhiều đơn vị, doanh nghiệp gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh hoặc không may bị phá sản, giải thể, không đủ khả năng để đóng nộp BHXH đúng thời hạn, đúng quy định...

- Trước những khó khăn, thách thức hiện hữu, các bên cần làm gì để “vườn an sinh” ở Thủ đô ngày càng mở rộng, thưa ông?

- Ở cấp vĩ mô, BHXH thành phố Hà Nội đề nghị các bộ, ngành chức năng sớm hoàn thiện chính sách BHXH, BHTN, việc làm theo hướng hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động duy trì việc làm bền vững, giúp người lao động tham gia BHXH lâu dài. Chế tài xử lý vi phạm về BHXH, nhất là đối với hành vi chậm đóng, trốn đóng, trục lợi quỹ BHXH, BHYT cần nghiêm hơn. 

BHXH quận Long Biên đổi mới cách thức truyền thông về các chính sách thông qua mô hình gian hàng tại các phiên giao dịch về việc làm.

Về phía Hà Nội, thành phố cùng các cơ quan chức năng, các địa phương tiếp tục có chính sách hỗ trợ, khuyến khích người dân tham gia BHXH tự nguyện; huy động nguồn lực xã hội hóa tặng sổ BHXH, thẻ BHYT cho người dân, người lao động có hoàn cảnh khó khăn. Đặc biệt, dự thảo Nghị quyết “Quy định mức hỗ trợ kinh phí đóng BHYT cho người cao tuổi từ 70 đến dưới 80 tuổi, người khuyết tật nhẹ, học sinh có hoàn cảnh khó khăn, người thuộc hộ gia đình nông, lâm, diêm nghiệp có mức sống trung bình trên địa bàn thành phố Hà Nội, giai đoạn 2024-2025” đang được xem xét thông qua....

Với vai trò thực hiện các chính sách, ngành BHXH tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng, hiệu quả chuyển đổi số nên nền tảng dữ liệu số, dữ liệu số liên thông để nâng cao hơn nữa chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp. Ngoài ra, ngành phối hợp với các bên tăng cường thanh tra, kiểm tra, qua đó phát hiện sớm, xử lý nghiêm hành vi vi phạm về BHXH, BHYT, bảo đảm chi các nguồn quỹ an toàn, đúng đối tượng...

Thông qua nhiều biện pháp được triển khai, phấn đấu đến cuối năm 2023, Hà Nội đạt mục tiêu có 43% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH bắt buộc; 2% tham gia BHXH tự nguyện. Chính sách BHYT mở rộng diện bao phủ đến 93,5% dân số, tương ứng với hơn 8 triệu người tham gia. Chỉ số “mức độ hài lòng” của tổ chức, cá nhân đối với hệ thống bảo hiểm xã hội đạt hơn 90%. Những con số này sẽ tiếp tục tăng lên trong những tới...

- Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giám đốc BHXH thành phố Hà Nội Phan Văn Mến: Trước khó khăn càng phải nỗ lực

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.