(HNM) - Theo báo cáo mới nhất của Thanh tra trình Thủ tướng Chính phủ, việc mua thuốc Tamiflu và thuốc có hoạt chất Oseltamivir phục vụ việc phòng, chữa bệnh dịch cúm gia cầm trên người (cúm A/H5N1) tại Việt Nam là có nhiều... lình xình, cần phải điều tra làm rõ.
Tất nhiên là xung quanh 30 triệu viên thuốc tương đương 3 triệu liều cho 3 triệu người sử dụng sẽ còn nhiều "khoảng tối" phải làm sáng tỏ. Song có những chuyện đã rõ như... ánh sáng ban ngày.
Trước hết, tại sao số lượng thuốc dự trữ phòng, chống dịch cúm A/H5N1 là 30 triệu viên (3 triệu liều sử dụng) mà không phải là một con số khác? Đâu là cơ sở căn cứ khoa học? Cần lưu ý rằng, từ năm 2003 đến năm 2005, Việt Nam ghi nhận 91 người mắc bệnh.
Thêm vào đó, theo Thanh tra Chính phủ, Bộ Y tế không báo cáo và xin phép Thủ tướng Chính phủ trước khi đặt hàng 4 công ty sản xuất và cung cấp thuốc. Vì lý do gì thì chưa rõ, nhưng trên thực tế 4 công ty này đã mua trên 2.000kg nguyên liệu sản xuất thuốc với giá cao hơn khung đề xuất của Bộ Y tế từ 500 đến 600 USD. Tựu trung, chỉ riêng với "gạch đầu dòng" này kinh phí cho việc phòng, chống cúm H5N1 đã tốn thêm ít nhất là 1 triệu USD, tương đương với khoảng 20 tỷ đồng, số tiền quả là không nhỏ. Chưa hết, để được đặc quyền mua nguyên liệu sản xuất thuốc, một khoản kinh phí được các công ty bỏ ra "lại quả" lên tới trên 6 triệu USD. Vâng! Khoản lo lót, bôi trơn lớn đến vậy thì chắc chắn "con cá rô" họ bắt được còn khổng lồ hơn rất nhiều...
Những khoản tiêu cực "phí" như vậy có làm hư hỏng, tha hóa cán bộ? Có làm giảm hiệu lực của cơ chế quản lý? Có làm xói mòn lòng tin của người dân?
Rõ ràng tiền được rút ra từ ngân sách nhà nước, được "chuyển hóa" thành nguồn lợi bất chính cho một số người đang được ủy thác những nhiệm vụ nhất định. Trong những đợt sơ kết, tổng kết, một nguyên nhân dẫn tới hiệu quả của công tác đấu tranh phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí chưa cao thường được các cơ quan chức năng nêu lên là khó thu thập tài liệu chứng minh hành vi phạm tội. Liệu vụ việc này có nằm trong tình trạng ấy?
Một số người nước ngoài, thậm chí trong đó có cả những công ty, doanh nghiệp lớn của các nước tư bản, khi đến Việt Nam đều tỏ ra ngạc nhiên khi thấy trên thế giới có bất cứ mẫu xe hơi đắt tiền nào mới xuất hiện thì chỉ một vài tháng sau đã có mặt tại các đô thị lớn trên dải đất hình chữ S này. Trong đó có cả những chiếc xe sang trọng trị giá hàng triệu USD. Rồi đi sâu tìm hiểu, họ càng kinh ngạc hơn nếu đem so sánh giá bất động sản tại Hà Nội hay TP Hồ Chí Minh thì cũng xấp xỉ và nhiều chỗ còn đắt hơn những tòa biệt thự lộng lẫy ở London, Paris hay New York...
Vẫn biết dân có giàu thì nước mới mạnh. Nhưng e rằng, có những kiểu làm giàu bất chính của một số người nọ thì chỉ làm nghèo đất nước mà thôi!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.