(HNM) - Rời Ba Lan ngày 28-5, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã kết thúc chuyến thăm 6 ngày tới châu Âu. Với lịch trình hoạt động dày đặc tại 4 quốc gia (Ireland, Anh, Pháp, Ba Lan), chuyến công du được cho là nhằm củng cố mối quan hệ đồng minh trong bối cảnh chính trị tại Trung Đông và Bắc Phi có những diễn biến phức tạp...
Cùng với London, Warsaw được coi là một điểm nhấn quan trọng trong chuyến công du tuần qua của ông chủ Nhà Trắng nhằm trấn an châu Âu rằng, đồng minh luôn có vai trò trung tâm trong chính sách ngoại giao của Mỹ.
Chỉ 48 giờ ở London nhưng người đứng đầu Nhà Trắng đã kịp khẳng định Mỹ và Anh vẫn là những đồng minh gần gũi nhất. Cùng với sự cố tràn dầu trên Vịnh Mexico do vụ nổ một giàn khoan của tập đoàn năng lượng của Anh BP và việc London tuyên bố rút 10.000 quân khỏi Afghanistan khiến dư luận không khỏi nghi hoặc về sự bền vững của sợi dây gắn kết liên minh xuyên Đại Tây Dương trong nhiều thập kỷ qua. Tuy nhiên, trong vòng xoáy thay đổi quá nhanh cục diện địa - chính trị ở nhiều khu vực trên thế giới, việc thiết yếu mà Washington và London cần là phải "làm mới" mối quan hệ lâu nay vẫn được hai bên tự hào sử dụng cụm từ "quan hệ đặc biệt" để mô tả.
Là điểm cuối của hành trình tới Cựu lục địa lần này, song chuyến thăm Ba Lan của Tổng thống B.Obama là sự kiện thu hút nhiều sự chú ý của dư luận thế giới. Thứ nhất, chuyến thăm lần đầu tiên của chủ nhân thứ 44 của Nhà Trắng tới một nước Trung Âu đã khẳng định chính sách theo đuổi quan hệ chặt chẽ hơn với khu vực này của Mỹ. Thứ hai, kết quả chương trình nghị sự tại Warsaw có tác động lớn tới mối quan hệ 3 bên Mỹ - Ba Lan - Nga và Hiệp ước cắt giảm vũ khí tiến công chiến lược (START) - vốn được coi là hòn đá tảng cho bảo đảm an ninh châu Âu - mới chính thức có hiệu lực từ tháng 2 vừa qua.
Với Mỹ, Ba Lan đang được xem là một cửa ngõ quan trọng để tiếp tục mở rộng tầm ảnh hưởng ra không gian hậu Xô viết - đối thủ thời kỳ Chiến tranh lạnh - bằng lá bài hệ thống phòng thủ chống tên lửa (NMD). Vì vậy, Tổng thống B.Obama đã không tiếc lời ca ngợi Ba Lan là một hình mẫu về chuyển đổi dân chủ, thậm chí còn muốn áp dụng mô hình Ba Lan cho cả Trung Đông và Bắc Phi.
Về phía Ba Lan, chuyến thăm của người đứng đầu nước Mỹ quả là một sự kiện được chờ đợi. Vì dù có là thành viên Liên minh châu Âu (EU) và NATO nhưng cũng chưa đủ để một nước Ba Lan mới yên tâm trước những vấn đề kinh tế cũng như an ninh nội tại. Trong khi đó, cả EU và NATO đều là những thể chế đa phương. Nó đòi hỏi phải có sự đồng thuận trên hầu hết các vấn đề nhạy cảm, đặc biệt là về an ninh và phản ứng của hai thể chế này khó có thể tức thời và hiệu quả ngay khi nội bộ của cả EU và NATO còn tồn tại nhiều lợi ích khác biệt. Trong bối cảnh như vậy, lựa chọn an toàn nhất với Warsaw được cho là không gì hơn khi có được mối quan hệ đồng minh thân thiết với Mỹ, nước đứng đầu trong NATO như một chiếc ô đủ chắc chắn trước những mối nguy tiềm tàng. Với nguyên tắc tương trợ tự động trong trường hợp đối tác bị tấn công hoặc bị đe dọa tấn công từ bên ngoài, sự hiện diện của 300 binh sĩ Mỹ trên lãnh thổ Ba Lan để vận hành trạm tên lửa ở làng Redzikowo rõ ràng như một lá chắn ở sườn phía bắc Ba Lan, giáp với Kaliningrad - tiền đồn của nước Nga ở phía tây. Trong khi đó, sự kiện tiếp nhận phi đội máy bay chiến đấu F-16 của Mỹ mới đây, từ Italia sang, Ba Lan đã nhận được cái gật đầu của Nhà Trắng trong công tác huấn luyện quân đội nước này kể từ năm 2013.
Còn với Nga, bất kể bước tiến nào về hợp tác quân sự giữa Ba Lan và Mỹ, đặc biệt liên quan tới phòng thủ tên lửa, chưa bao giờ là tin tốt lành với xứ bạch dương. Điện Kremlin đã không ngần ngại khẳng định tương lai mong manh của START mới khi Washington vẫn triển khai NMD - một hành động mà Mátxcơva cho là không thể không ảnh hưởng tới cấu trúc an ninh châu Âu. Vì vậy, nếu một phần bộ phận của lá chắn tên lửa xuất hiện tại Ba Lan thì việc Nga đưa tên lửa đạn đạo tới Kaliningrad và tăng khả năng tác chiến cho Hạm đội biển Baltic sẽ không phải là điều quá bất ngờ.
Khi lên nắm quyền vào đầu năm 2009, Tổng thống B.Obama từng khiến châu Âu nghi ngờ về quan hệ với Mỹ khi đưa ra hàng loạt tín hiệu tích cực với châu Á và Nga. Tuy nhiên, chuyến thăm châu Âu vừa kết thúc cho thấy, Nhà Trắng chưa bao giờ có ý định thay đổi chính sách với các đồng minh cốt lõi cũng như sẽ tiếp tục tìm kiếm sự ủng hộ của các đồng minh phương Tây trước những vấn đề lớn của thế giới. Đồng thời, sự hiện diện của Tổng thống B.Obama tại Cựu lục địa vào thời điểm này cho thấy, cuộc tạo đà mới cho liên minh xuyên lục địa đã thật sự bắt đầu khi vai trò toàn cầu của Mỹ được đánh giá là đã suy giảm khi cụm từ "thế giới đa cực" xuất hiện với tần suất ngày một nhiều hơn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.