(HNM) - Hôm nay 11-9, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ lần đầu tổ chức cuộc gặp gỡ giữa các nhà khoa học trẻ tiêu biểu với lãnh đạo Chính phủ.
Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với một trong những đại biểu này - TS Lê Phước Cường, giảng viên khoa Môi trường, Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng), người đang chủ trì và thực hiện chính 2 đề tài nghiên cứu cấp Bộ và tham gia thực hiện 3 đề tài nghiên cứu hợp tác trong và ngoài nước.
- Trước tiên, anh có thể chia sẻ với bạn đọc đôi nét về những đề tài mà anh đang thực hiện trong thời gian này?
- Tôi đang tham gia nghiên cứu đề tài về sự lan truyền các độc chất trong môi trường tại các khu công nghiệp và đề xuất các biện pháp giảm thiểu tác động đến môi trường. Trong đề tài này, tôi cùng các cộng sự đã thực hiện các phương pháp kỹ thuật hiện đại để quan trắc môi trường, tìm ra quy luật chuyển động của vật chất bên dưới lòng đất. Bên cạnh đó, đề tài đã ứng dụng thành công mô hình lọc từ tính để lọc thu hồi kim loại nặng từ Nhà máy Xi mạ tại Khu công nghiệp Hòa Khánh, Đà Nẵng. Đề tài tiếp theo nghiên cứu xây dựng mô hình cộng đồng tham gia bảo vệ các hệ sinh thái trong điều kiện biến đổi khí hậu tại đảo Cù Lao Chàm, Quảng Nam.
Để có được những ý tưởng mới hay, lạ cần phải có điều kiện và cả sự may mắn. Tôi may mắn được nhà trường tạo điều kiện tham dự các hội thảo trong và ngoài nước. Từ đó, tôi đã biết được mình cần học hỏi thêm những gì và phải làm như thế nào để tự phát triển bản thân cũng như có những đóng góp thiết thực cho công việc. Từ ý tưởng đến sản phẩm là cả một quá trình phấn đấu. Cảm giác mỗi khi nhận được email từ các tòa soạn Tạp chí SCI, SCIE về việc chấp nhận đăng công trình nghiên cứu của mình thật sự là một hạnh phúc lớn vì những kết quả nghiên cứu của mình đã được ghi nhận.
Cơ chế, chính sách khuyến khích thế hệ trẻ tham gia nghiên cứu khoa học vẫn còn nhiều rào cản. Ảnh: Minh Hải |
- Nhiều bạn trẻ hiện nay ngại theo con đường nghiên cứu vì họ thấy chế độ đãi ngộ thấp, không nhìn thấy ngay thành quả. Vậy anh có lời khuyên gì cho họ khi gặp khó khăn trong công việc?
- Tôi hoàn toàn hiểu và cảm thông với họ vì tôi cũng từng có những suy nghĩ như thế. Dù ở bất kỳ lĩnh vực nào của cuộc sống, yếu tố đầu tiên để mang đến thành công chính là sự đam mê và lòng quyết tâm. Nếu các bạn có lòng quyết tâm và định hướng phát triển lâu dài đúng đắn, chắc chắn các bạn sẽ thành công. Từ vấn đề nhỏ nhất chúng ta cũng cần phải đề cao tinh thần trách nhiệm và có kế hoạch rõ ràng. Để chủ động hơn trong mọi việc, chúng ta cần vạch ra cho mình các kế hoạch dài hạn, trung hạn, kế hoạch tuần, kế hoạch ngày và cố gắng thực hiện theo những kế hoạch đã đề ra để có được kết quả mong đợi. Tuy nhiên, không phải lúc nào kết quả cũng sẽ đạt như ý muốn vì nhiều lý do. Vậy nên bạn trẻ cũng cần phải tự biết tiết chế, làm chủ cảm xúc của mình và quan trọng hơn cả là phải biết cách luôn tự động viên mình để vượt qua khó khăn. Tham gia các hoạt động thiện nguyện, hoạt động xã hội và vui chơi lành mạnh cũng là một cách để cân bằng cảm xúc.
- Dù Chính phủ đã ban hành những chính sách ưu đãi cho các nhà khoa học nhưng các nhà nghiên cứu vẫn gặp một số khó khăn khi theo đuổi sự nghiệp. Vậy với anh thì sao và nhà trường có những đãi ngộ riêng nào để thu hút các nhà khoa học trẻ như anh?
- Những năm vừa qua, TP Đà Nẵng nói chung và Trường Đại học Bách khoa thuộc Đại học Đà Nẵng nói riêng đã áp dụng các cơ chế đãi ngộ cho các nhà khoa học có trình độ GS, PGS, TS giúp tạo điều kiện cho cán bộ của mình an tâm công tác. Trường có sứ mạng đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn cao cho cả khu vực miền Trung - Tây Nguyên, do đó đã có nhiều chính sách đãi ngộ riêng dành cho các cán bộ của trường nói chung và các nhà khoa học trẻ nói riêng. Nhà trường hỗ trợ tiền trợ cấp ngoài lương trong thời gian một năm đầu cho những cán bộ, tiến sĩ đang tập sự, hỗ trợ tiền với mức cao cho các công trình khoa học được đăng trên các Tạp chí quốc tế ISI, SCI, SCIE, các tạp chí quốc gia có điểm từ 1.0. Trường cũng có quỹ khen thưởng những nhà khoa học trẻ tiềm năng, những cán bộ hoạt động xuất sắc và có nhiều đóng góp.
- Anh có thể chia sẻ hướng nghiên cứu của mình trong thời gian tới và những mong muốn đối với các nhà quản lý trong việc tạo dựng "sân chơi" cho các nhà khoa học trẻ?
- Tôi sẽ tiếp tục các hướng nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng trong lĩnh vực xử lý môi trường. Tôi và nhóm nghiên cứu đang triển khai thực hiện nhân rộng mô hình xử lý nước, áp dụng công nghệ xanh thân thiện với môi trường (lọc từ tính, lọc tuyển nổi) cũng như nghiên cứu hoàn thiện, tối ưu hóa hệ thống khảo sát thăm dò địa chất bằng phương pháp ảnh điện 2D, 3D với giá thành rẻ, phục vụ thiết thực trong các công tác khảo sát tìm nguồn nước ngầm, tìm mộ, tìm và phát hiện các nguồn khoáng sản…
Thời gian qua, Bộ KH&CN đã có nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích thế hệ trẻ và tạo ra những sân chơi chung thông qua các chương trình giao lưu, các cuộc thi sáng tạo… Bản thân tôi là một người trẻ, cũng có ước mơ hoài bão thực hiện những công trình nghiên cứu mang tầm quốc gia và có tính kinh tế cao. Tôi rất mong trong thời gian tới nhận được thêm nhiều thông tin hơn, sát với thực tế hơn để những nhà khoa học trẻ như chúng tôi được dễ dàng tiếp cận và thực hiện.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.