(HNMO) - Tiếp tục chương trình làm việc, ngày 16-8, Ủy ban thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã đánh giá về dự án Luật hòa giải cơ sở.
Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, sau 13 năm thi hành Pháp lệnh hoạt động hòa giải ở cơ sở đã bộc lộ một số hạn chế như thiếu quy định đầy đủ cụ thể về quyền và nghĩa vụ của hòa giải viên; vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chưa đặt ngang tầm với vị trí nòng cốt trong tổ chức và hoạt động hòa giải cơ sở. Do đó, việc sớm ban hành Luật hòa giải cơ sở, một văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực pháp lý cao, điều chỉnh thống nhất, có hiệu quả hơn về tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở là rất cần thiết. Dự thảo Luật gồm 5 chương, 30 điều, quy định về hòa giải cơ sở với tính chất nhân dân tự tổ chức hòa giải với nhau, nhà nước hỗ trợ.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng phát biểu ý kiến về dự án Luật hòa giải cơ sở. (Ảnh: TTXVN) |
Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu đồng tình với việc cần ban hành Luật hòa giải cơ sở. Phó Chủ tịch đánh giá qua thực tế tổng kết cho thấy công tác hòa giải cơ sở góp phần giải quyết các vi phạm pháp luật và tranh chấp nhỏ, góp phần ổn định trật tự xã hội, tăng cường tình đoàn kết trong cộng đồng dân cư. Tuy nhiên dự án Luật đang nặng về vấn đề thủ tục, trình tự hành chính, diễn giải chưa hợp lý. Uỷ ban về các vấn đề xã hội cũng nhất trí với đề xuất trên. Cơ quan này đề nghị Ban soạn thảo bổ sung một số thiết chế để có sự phối hợp hiệu quả giữa tổ hòa giải, hòa giải viên với các hình thức khác trên địa bàn dân cư.
Về chính sách đối với hòa giải viên, Thường trực Ủy ban tán thành với quy định cho lực lượng này hưởng một khoản tiền thù lao khi thực hiện hòa giải. Nhưng cần bổ sung quy định thời hạn làm hoà giải viên để tránh tình trạng có người làm hòa giải trong thời gian dài, không phát huy song cũng chưa đủ cơ sở để loại.. Đồng thời, yêu cầu không nên quy định cứng mỗi thôn, tổ dân phố phải thành lập ít nhất một tổ hòa giải. Vì thực tế có nơi chưa có nhu cầu hoặc chưa cần thiết phải thành lập tổ hòa giải mà giải quyết các tranh chấp nhỏ thông qua các cơ chế khác, vẫn đảm bảo ổn định chính trị, trật tự xã hội trên địa bàn. Vì vậy, việc này nên giao cho chính quyền và Ủy ban mặt trận tổ quốc tại cơ sở tùy theo tình hình tại địa phương để quyết định.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.