Theo dõi Báo Hànộimới trên

Làm giò chả ở Hoàng Trung (Thanh Oai): Nghề phụ cho thu nhập chính

Nguyễn Mai| 03/11/2013 06:42

(HNM) - Nằm gần với làng Ước Lễ, xã Tân Ước, làng Hoàng Trung, xã Hồng Dương, huyện Thanh Oai cũng có nghề truyền thống làm giò chả hàng trăm năm nay.

Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Dương Nguyễn Duy Hùng cho biết, cả 7 thôn của xã đều được công nhận danh hiệu làng nghề truyền thống, trong đó, 6 thôn sống bằng nghề chẻ tăm hương, riêng thôn Hoàng Trung có nghề giò chả. Hiện ở thôn Hoàng Trung có 600 hộ dân thì tới 300 hộ làm giò chả. Nhiều gia đình 3 thế hệ gắn bó với nghề như hộ ông bà Thắng - Cậy, Nghĩa - Quyền, Hơn - Thăng… Thôn có trên 10 hộ sản xuất giò, chả quy mô lớn, mỗi ngày làm 2-3 tạ giò; còn lại, đa số có quy mô 20, 30, 50 kg giò/ngày. Tính ra, mỗi ngày Hoàng Trung cung cấp ra thị trường 4-5 tấn giò, chả. Còn theo Phó trưởng thôn Lê Xuân Sinh, làm giò chả là nghề phụ nhưng lại đang cho thu nhập chính với thu nhập bình quân đầu người xấp xỉ 30 triệu đồng/năm. Đặc biệt, 5 năm trở lại đây, làng nghề phát triển cả về số hộ và quy mô. Nhờ nghề này mà đời sống người dân khá sung túc, hầu hết các hộ nhà cửa khang trang, to đẹp. Cả thôn chỉ còn 14 hộ nghèo, 100% giao thông đã được bê tông hóa.

Nhiều thế hệ ở thôn Hoàng Trung gắn bó với nghề làm giò chả.


Theo chân cán bộ văn hóa xã Hồng Dương Đỗ Xuân Danh, chúng tôi đến thăm cơ sở làm giò của anh Nguyễn Trọng Hành, ở xóm Tiếu. Có thâm niên làm giò 20 năm, anh Hành tâm sự: Đây là nghề truyền thống của làng. Từ nhỏ, đã phụ giúp cha mẹ những công đoạn của làm giò nên nghề đến với mình một cách tự nhiên. Làm giò bây giờ đã có máy móc hỗ trợ nên không cần nhiều lao động. Để làm 20kg giò chỉ cần 2 lao động, trong khoảng thời gian 3 tiếng. Thế nhưng, ngoài các loại giò chả như giò lụa, giò bò, giò tai, chả quế… các hộ làm giò ở Hoàng Trung thường làm thêm bánh chưng, bánh dầy để bán kèm với giò nên công việc trải đều trong ngày. "Thông thường, vào buổi chiều, các gia đình đồ xôi, giã bánh dầy, gói bánh chưng và đêm đến mới gói giò" - anh Hành cho biết. Để làm được giò ngon, phải có nguyên liệu ngon. Thịt lợn, nước nắm, lá chuối là phải tươi, mới. Tiêu chí đánh giá giò ngon là khi cắt miếng giò ra sẽ thấy các lỗ hay còn gọi là độ hút trạch, mặt hồng, mùi thơm… Người Hoàng Trung lấy đêm là ngày, lấy ngày là đêm. Ấy là bởi để có những mẻ giò nóng hổi mang ra chợ sớm, người Hoàng Trung thường thức thâu đêm để làm giò. Cứ khoảng 1-2 giờ sáng, cả làng lại bừng tỉnh dậy. Những ánh điện được thắp sáng choang phục vụ làm giò. Ở Hoàng Trung, gia đình nào làm giò đều có người đi chợ. Họ có mặt ở khắp các chợ lớn, nhỏ ở thành phố. Cứ khoảng 4-5 giờ sáng, đường làng đã nhộn nhịp người đi chợ. Nhiều hộ đã hợp đồng với các nhà xe đón tận cổng làng.

Mong muốn lớn nhất của người dân Hoàng Trung là xây dựng được thương hiệu làng nghề. Có thương hiệu, chắc chắn việc sản xuất của người dân sẽ được quan tâm hơn, đi vào quy củ hơn, giá trị của giò cũng sẽ cao hơn và người làng nghề sẽ có cuộc sống khá giả hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Làm giò chả ở Hoàng Trung (Thanh Oai): Nghề phụ cho thu nhập chính

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.