Những ngày này, từ tờ mờ sáng tới đêm khuya, khắp làng Hoàng Trung (xã Hồng Dương, huyện Thanh Oai), tiếng máy xay, tiếng chày giã thịt, tiếng cười nói… rộn ràng khắp xóm, làng. Người làng nghề giò chả Hoàng Trung gọi những ngày cận Tết Nguyên đán là thời điểm “đêm không ngủ” của các hộ làm nghề. Đây là làng nghề giò chả nức tiếng chẳng kém làng Tân Ước, xã Tân Ước (huyện Thanh Oai) với tuổi đời hàng trăm năm nay.
Kín đơn hàng Tết
Những ngày này, gia đình anh Đỗ Xuân Bình, làng Hoàng Trung, xã Hồng Dương phải thuê thêm 3-4 nhân công để hoàn thành trả đơn hàng giò, chả mà khách đã đặt trước đó. Anh Đỗ Xuân Bình cho hay, bắt đầu từ 15-12 (âm lịch) gia đình không nhận các đơn hàng, chỉ tập trung vào hoàn thành các đơn khách đặt trước đó. “Những ngày này, các thành viên trong gia đình làm việc cả ngày, đêm… Ngày thường, gia đình chế biến khoảng 40kg-50kg thịt để làm giò, chả, nhưng vào những ngày cận Tết gia đình phải chế biến khoảng 1-2 tạ thịt mỗi ngày. Hầu hết mọi người thức dậy từ 1-2 giờ sáng. Mỗi người một khâu, người xẻ thịt, người chuẩn bị máy xay, người giã thịt, người gói giò, luộc giò... Nhờ có máy xay, hấp, nhiều công đoạn cũng được rút ngắn, năng suất cũng cao hơn, nên hầu hết các gia đình đều nhận nhiều đơn hàng”, anh Bình chia sẻ.
Tương tự, gia đình anh Lê Xuân Danh cũng có gần chục người làm giò, chả những ngày này. Theo anh Danh, tuy “sinh sau đẻ muộn”, nhưng làng nghề giò, chả Hoàng Trung đang dần khẳng định được tên tuổi và vị thế trong giới ẩm thực Việt. Được công nhận làng nghề truyền thống từ năm 2003, uy tín của làng nghề ngày được nâng cao. Người làng nghề giò chả Hoàng Trung luôn đặt lên hàng đầu sự an toàn trong từng mẻ hàng. Giò, chả Hoàng Trung không dùng thêm bất kỳ chất phụ gia nào khác. Việc bảo vệ môi trường trong sản xuất cũng được cải thiện đáng kể. Đặc biệt, mọi khâu từ hấp giò tới rán chả đều dùng bếp điện, không phải dùng đến than như trước kia, nên hạn chế tối đa ô nhiễm môi trường.
Khá cẩn trọng, cầu kỳ trong quá trình làm, người dân làng nghề giò, chả Hoàng Trung chia sẻ, để làm được khoanh giò ngon, nguyên liệu phải được chọn lựa rất khắt khe. Thịt để làm giò phải là lợn khỏe, thịt mổ ra còn tươi, khi cắt, miếng thịt cuốn theo dao. Lá để gói giò phải là lá chuối quê, nếu không chọn lá cẩn thận, khi gói giò sẽ không ngon và nhanh ôi. Giò thành phẩm phải có màu hồng nhạt, cắt khoanh giò phải thấy có các “lỗ hút trạch” và có mùi thơm ngậy. “Hiện các gia đình đều phải thuê công nhân làm mới đáp ứng đủ các đơn hàng, chưa tính đến hàng được người dân bán khắp chợ trong huyện và một số quận, huyện lân cận. Sản phẩm giò, chả Hoàng Trung cũng đa dạng, ngoài giò lợn, chả quế, làng nghề còn có thêm giò tai, chả mỡ… với những hương vị truyền thống đặc trưng được thực khách ưa thích”, anh Lê Xuân Danh cho biết thêm.
Khẳng định thương hiệu
Theo Trưởng thôn Hoàng Trung Đỗ Xuân Bình, hiện toàn thôn có hơn 300 hộ làm nghề, trong đó có hơn 10 hộ làm với quy mô lớn, từ 3-4 tạ giò, chả mỗi ngày, còn lại khoảng 30-40kg/ngày và vào dịp Tết số lượng phải gấp 3-4 lần ngày thường. Để bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm, giữ vững thương hiệu làng nghề, UBND xã Hồng Dương và thôn đã đẩy mạnh tuyên truyền về công tác vệ sinh, an toàn thực phẩm đối với các hộ. Thôn, xã cũng thường xuyên kiểm tra quá trình sản xuất tại các hộ. “Đặc biệt, làng nghề còn thành lập Hội chế biến giò, chả để cùng nhau gìn giữ, phát triển nghề”, anh Bình thông tin.
Theo Chủ tịch UBND xã Hồng Dương Nguyễn Duy Hùng, xã Hồng Dương có 7 thôn thì cả 7 thôn đều có nghề truyền thống. Trong đó, làng nghề sản xuất giò, chả Hoàng Trung là phát triển hơn cả. Khoảng 10 năm gần đây, người dân làng nghề Hoàng Trung đã đưa máy móc vào hỗ trợ sản xuất, xay, giã thịt, nên năng suất cũng cao hơn. Trong số hơn 300 hộ làm giò, chả trong làng, hộ có kinh nghiệm làm nghề ít nhất cũng phải 20 năm. Nhiều gia đình cha truyền con nối, đến nay cũng qua 4-5 thế hệ.
Đáng chú ý, với sự ra đời của Hội chế biến giò, chả Hoàng Trung, những hộ làm nghề có nơi sinh hoạt, giao lưu, truyền đạt kinh nghiệm cho nhau. Việc quảng bá trên trang web cũng giúp lượng tiêu thụ tăng mạnh, khẳng định thương hiệu làng nghề. Nhờ đó, nghề làm giò, chả thực sự là thế mạnh, mũi nhọn trong phát triển kinh tế của Hoàng Trung. Cũng chính nghề đã góp phần đưa tỷ trọng nghề phụ và dịch vụ lên 60% tổng giá trị kinh tế của làng, nhiều hộ làm nghề giàu lên trông thấy. Nghề làm giò chả đã góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân Hoàng Trung, nhờ đó hạn chế các tệ nạn xã hội, an ninh trật tự được giữ vững. Thu nhập bình quân của người dân thôn Hoàng Trung hơn 70 triệu đồng/người, là thôn có mức thu nhập bình quân cao nhất của xã Hồng Dương.
Rời Hồng Dương trong xế chiều, khắp làng mùi giò, chả thơm nức, khiến người ta nghĩ đến món ăn không thể thiếu trong mân cỗ ngày Tết của mỗi gia đình. Với người dân Hoàng Trung, Tết đã về tới ngõ từ nhiều tuần nay, khi người dân được say mê làm nghề, cung cấp sản phẩm đến thực khách bốn phương.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.