(HNM) - Xã Dương Xá, huyện Gia Lâm có 6 thôn thì cả 6 thôn đều có nghề truyền thống. Từ xa xưa người dân ở đây đã có câu ca: "Thợ xây Dương Đá, đậu phụ Dương Đanh, thóc vàng Dương Tiến, tỏi hành Thuận Quang…".
Ngày nay, trong xã, một số nghề phụ ở các thôn đang gặp khó khăn, thậm chí mai một, nhưng ở thôn Thuận Quang thì ngược lại, nghề làm hành, tỏi đang phát triển, làm giàu cho nhiều hộ dân.
Ông Lê Huy Yên, Phó Chủ tịch UBND xã Dương Xá cho biết, cách đây hàng trăm năm, người dân trong làng đã trồng hành, tỏi ở khắp các xứ đồng. Ngày nay, dù diện tích đất sản xuất bị thu hẹp, nhưng ở thôn Thuận Quang vẫn dành 3ha để trồng hành. Riêng vụ đông thì cả làng đều trồng hành, mỗi nhà làm vài ba sào trên đất hai vụ lúa. Người dân Thuận Quang còn có truyền thống muối dưa hành cung cấp cho thị trường Hà Nội. Vào mùa đông, dịp cuối năm, gần Tết, hàng trăm hộ dân thôn Thuận Quang lại tất bật chuẩn bị chum vại, đồ nghề để muối hành. Tính ra, mỗi ngày, cả làng Thuận Quang muối khoảng 20 tấn hành tươi. Hành trồng ở làng không đủ, người Thuận Quang còn phải nhập hàng từ nhiều nơi, chủ yếu là ở Hải Dương. Hành muối được thương lái khắp nơi đến lấy, rồi mang đi bán tại các chợ lớn nhỏ ở Hà Nội.
Men theo con đường bê tông trải dài qua từng ngõ xóm về thôn Thuận Quang, từ xa còn thấy mùi hành phi bốc lên thơm lừng. Còn ven đường là những đống hành cao ngất được từng tốp chị em thoăn thoắt bóc vỏ. Bất cứ chỗ nào cũng có thể bắt gặp cảnh mua bán diễn ra tấp nập. "Thôn Thuận Quang có nhiều đổi thay, đường sá, nhà cửa khang trang hơn trước nhiều. Sự đổi thay lớn lao này đều nhờ bao đời nay người dân cần mẫn, gắn bó với cây hành, cây tỏi" - Ông Lê Văn Thứ, Trưởng thôn Thuận Quang cho hay. Cũng theo ông Thứ, nghề phi hành có mặt ở Thuận Quang thì chỉ khoảng mươi năm nay. Từ khi Thuận Quang có nghề này, những nhà hàng bán các món ăn dân tộc như bún riêu cua, bánh cuốn, xôi xéo… nhàn tênh vì họ không phải tự phi hành nữa. Cũng từ đó mà nghề này ở làng ngày một phát triển. Hiện tại, cả làng có trên 100 hộ làm hành, trong đó có 20 hộ chế biến hành phi quy mô lớn, cung cấp cho khắp thị trường Hà Nội.
Chủ tịch UBND xã Dương Xá Nguyễn Tiến Thoại, cũng là người làng nghề Thuận Quang cho biết thêm, hành phi ở Thuận Quang có đủ loại. Hành ta chế biến có giá cao nhất, kém tiền hơn một chút thì dùng hành tây phi. Nghề này không công phu, già trẻ, gái trai ai cũng có thể làm nên thu hút khoảng 2/3 số lao động trong làng tham gia. Mỗi người mỗi việc, người thì bóc hành, người thái, phơi và làm các việc liên quan... "Mấy năm gần đây, hành phi của Thuận Quang không chỉ tiêu thụ trong nước mà còn được xuất khẩu sang Hà Lan, Ba Lan, Đài Loan. Đây là nghề phụ nhưng đem lại nguồn thu nhập chính, tạo công ăn việc làm cho người dân trong thôn, xã và các xã lân cận". Chị Dương Thị Phương, chủ một cơ sở sản xuất hành phi cho biết: Chỉ riêng cơ sở của chị, mỗi tháng xuất khẩu tới 5-7 tấn.
Mặc dù nghề hành, tỏi ở Thuận Quang đã mang đến những đổi thay lớn cho người dân nhưng nhắc tới nghề này, không ít người vẫn còn e dè. Khi được hỏi, không nhiều người muốn trải lòng về nghề truyền thống, họ sợ những thông tin sai lệch làm ảnh hưởng đến uy tín của cả làng nghề. "Nghề nào cũng vậy, chúng tôi làm ăn chân chính, hàng thật, tiền thật nhưng có người chỉ nhìn vào một số ít cá nhân làm chưa tốt để đánh giá cả làng là không đúng" - ông Lê Văn Thứ, Trưởng thôn Thuận Quang cho biết. Hiện làng nghề hành, tỏi ở Thuận Quang sản xuất chủ yếu vẫn trong khu dân cư, mặt bằng chật chội, rác thải hầu hết chưa được xử lý, đổ ra đồng ruộng làm ảnh hưởng tới môi trường xung quanh. Đây cũng là nỗi trăn trở của những người dân Thuận Quang, mong được cơ quan chức năng tháo gỡ, hướng dẫn, hỗ trợ xử lý, tạo không gian trong lành cho người làm nghề.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.