(HNM) - Đúng là
Nhưng thật bất ngờ khi ngày hôm trước một tờ báo đã "chỉ mặt, điểm tên" hàng loạt các "đại gia", toàn những người giàu kếch xù, nằm trong tốp giàu nhất Việt Nam, thậm chí có cả máy bay riêng, nhưng chính họ lại "xù bảo hiểm xã hội của hàng trăm lao động đang hằng ngày tạo ra lợi nhuận cho họ".
Đến đây lại nhớ đến một việc cũng chưa cũ với dư luận là chuyện nhiều doanh nghiệp "làm từ thiện vì cao hứng" hoặc nhằm đánh bóng tên tuổi để rồi trở thành "con ma nhà họ Hứa". Mới đây, cực chẳng đã, cơ quan chức năng tỉnh Bình Thuận đã phải công bố danh tính 13 công ty còn nợ người nghèo trong tỉnh gần 5 tỷ đồng và 8.000 USD tiền mà các doanh nghiệp hứa ủng hộ hoặc mua đấu giá hiện vật làm từ thiện. Trong một chương trình ca nhạc ủng hộ Quỹ "Vì người nghèo", rất nhiều doanh nghiệp lên sân khấu giơ bảng ghi số tiền ủng hộ cùng với tên tuổi của họ. Nhưng đã 2 năm trôi qua, mới chỉ có một phần rất nhỏ trong số các "đại gia" ấy giữ được lời hứa.
Hai câu chuyện này đã khiến báo chí tốn khá nhiều giấy mực. Nhưng xem ra với các "đại gia" thì không đáng gì. Có lẽ với họ, chuyện thất hứa, xù nợ với Nhà nước, với nhân dân có lẽ đã quá bình thường. Họ sẵn sàng hứa, lấy danh và sẵn sàng đùa cợt với niềm tin của dân, coi thường kỷ cương, phép nước.
Đóng BHXH là trách nhiệm của doanh nghiệp với người lao động, là nghĩa vụ với Nhà nước. Điều ấy được pháp luật quy định cụ thể. Nhà nước là đại diện quản lý khoản tiền ấy thay người lao động, tức là doanh nghiệp có trách nhiệm pháp lý trực tiếp với Nhà nước. Nhưng nghịch lý thay khi cơ quan nhà nước lại cứ phải lẽo nhẽo theo sau đòi nợ doanh nghiệp, thậm chí phải đáo tụng đình mới may có hy vọng thu được nợ. Cũng thật buồn khi các cơ quan nhà nước có công cụ, quyền lực trong tay, được pháp luật bảo hộ nhưng lại ứng xử quá hời hợt, thiếu trách nhiệm. Chẳng hạn như, theo thông tin trên tờ báo nọ thì một doanh nghiệp thuộc hàng "đại gia" ở tỉnh Gia Lai có hơn 5.000 lao động nhưng chỉ đóng BHXH cho hơn 1.300 người. Còn một doanh nghiệp khác, trong khi lương người lao động là 7 triệu đồng/tháng thì họ chỉ đóng ở mức tối thiểu 1.050.000 đồng. Vi phạm pháp luật đã rõ, nhưng chả thấy cơ quan nào xử lý rốt ráo.
Kinh doanh, làm giàu là quyền của mỗi cá nhân, doanh nghiệp. Quyền ấy được Nhà nước, pháp luật bảo hộ. Nhưng thật xấu hổ thay khi chỉ vì lợi ích riêng mà có người sẵn sàng vứt bỏ chữ tín, chữ tâm. Làm từ thiện, hỗ trợ người khó khăn hơn là một nghĩa cử cao đẹp. Nhưng điều quý giá ấy lại bị họ lợi dụng để đánh bóng, quảng cáo cho tên tuổi của mình mà lừa dối, phớt lờ cộng đồng. Một doanh nghiệp làm giàu chính đáng tức là không vi phạm pháp luật, không trốn thuế, không chối bỏ nghĩa vụ với Nhà nước, có trách nhiệm với người lao động, với cộng đồng. Tiếc là vẫn có người coi các vi phạm ấy là nhỏ nhặt, xem thường kỷ cương, đạo lý và tiếc hơn nữa là những vi phạm ấy vẫn có đất sống chỉ vì kỷ cương lỏng lẻo.
Người Việt Nam có lời răn: "Mua danh ba vạn, bán danh ba đồng". Để tạo được một ấn tượng tốt đẹp, một uy tín tốt, mỗi doanh nghiệp phải nỗ lực rất nhiều. Song, nếu chỉ làm một việc xấu danh tiếng sẽ mất đi. Xin hãy nhớ rằng làm giàu đúng nghĩa là phải biết tự trọng, biết tôn trọng cộng đồng và tuân thủ kỷ cương, pháp luật.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.