Theo dõi Báo Hànộimới trên

Làm gì khi quan hệ thầy - trò lệch chuẩn?

Quỳnh Phạm| 28/04/2012 08:24

(HNM) - Những câu chuyện đau lòng trong mối quan hệ giữa thầy và trò nơi giảng đường ĐH thời gian gần đây không chỉ gây xôn xao dư luận, mà còn đặt ra cho ngành giáo dục những câu hỏi không dễ trả lời...


Giảng viên trẻ - nhiều cái khó

Sau những mâu thuẫn, va chạm, thậm chí là các hành vi mang tính bạo lực trong quan hệ thầy - trò, rõ ràng là rất đáng báo động về tình trạng xuống cấp của "đạo làm trò". Song, cũng có nhiều người đặt câu hỏi, liệu sự việc có bị đẩy tới mức đó hay không, nếu người thầy có khả năng sư phạm tốt hơn, có một kỹ năng ứng xử khéo léo hơn? Phải chăng đây là một lỗ hổng trong đào tạo giảng viên trẻ?

Một giờ lên lớp của thầy và trò Trường ĐH Quốc gia Hà Nội. Ảnh: Bùi Tuấn


Trước tiên, việc trở thành một giảng viên là điều không dễ dàng. Thạc sĩ Nguyễn Việt Hà, Trường CĐ Sư phạm Hà Nội, tâm sự: Để được ở lại trường sau khi tốt nghiệp, bạn phải là SV xuất sắc với kết quả học tập rất cao, phải đạt được những tiêu chí tương đối khắt khe như tốt nghiệp loại giỏi, có bằng thạc sĩ và cử nhân hệ chính quy đúng chuyên ngành loại khá trở lên, tiếng Anh trình độ TOEFL 500 trở lên, sử dụng thành thạo máy vi tính. Trước khi giảng chính thức, giảng viên phải có một năm trợ giảng và thử việc, sau khi tham gia các kỳ sát hạch gắt gao về cả nhận thức chính trị cũng như chuyên môn.

Đây là một lực lượng lao động có trình độ cao được xem xét vô cùng kỳ lưỡng trong khâu tuyển dụng. Nhưng khi đã trở thành giảng viên, thì họ phải luôn luôn nỗ lực phấn đấu, thường xuyên nâng cao chuyên môn nghiệp vụ và kỳ năng sư phạm. Điều này tưởng chừng rất đơn giản và tất nhiên, nhưng với các giảng viên trẻ lại là sự thách thức vô cùng lớn. Theo thạc sĩ Nguyễn Việt Hà: Họ phải chịu rất nhiều áp lực từ nhiều phía, áp lực về kinh tế, về bằng cấp, về thời gian, do đó sự đầu tư vào chuyên môn nghiệp vụ sẽ bị xao nhãng dẫn đến mai một về tay nghề. Nhiều giảng viên trẻ đã không chịu được các áp lực này nên lòng tin về nghề, lòng yêu nghề đã giảm sút và có xu hướng rời bỏ nghề giáo để tìm các công việc có thu nhập cao và tính chất công việc nhẹ nhàng hơn.

Đó là câu chuyện của một giảng viên trường sư phạm với những cái khó riêng của ngành. Còn với một trường ĐH kỹ thuật khác, một giảng viên trẻ cho biết tình trạng như sau là rất phổ biến: Việc bồi dưỡng kỹ năng sư phạm nhiều khi chỉ là chiếu lệ, phần lớn giảng viên coi việc đi học các lớp bồi dưỡng như đi cho có. Trong trường ĐH, nhiều giảng viên có cung cách đi lại, ăn mặc không khác gì SV. Cá biệt, có trường hợp như trong một lớp tại chức, quan hệ thầy - trò bị "cào bằng" tới mức: thầy mắng chửi trò bằng ngôn ngữ chợ búa, trò nổi máu côn đồ hành hung lại thầy...

Cần những nguyên tắc ứng xử thành văn

Nhìn nhận về vấn đề kỹ năng của người thầy ở góc độ mối quan hệ thầy - trò, tiến sĩ Nguyễn Thị Trường Giang, Học viện Báo chí và tuyên truyền cho rằng, mối quan hệ thầy - trò đã có nhiều thay đổi và phức tạp hơn, trở nên dân chủ, công khai chứ không còn áp đặt, một chiều như trước. Nhìn theo chiều hướng tích cực, điều này thể hiện tính nhân văn, dân chủ trong quan hệ thầy - trò. Tuy nhiên, nó cũng mang lại những ảnh hưởng tiêu cực. Không hiếm trường hợp trò hỗn láo, cãi lại thầy, thể hiện thái độ tự do thái quá, trong khi thầy lại không được quát mắng, trừng phạt học trò. Những hiện tượng như "đổi chác", "phong bì", "gạ tình", "chạy điểm, chạy trường", "hành xử kiểu xã hội đen"… đang phản ánh một tình trạng đáng báo động về sự thoái hóa, biến chất của mối quan hệ thầy - trò ngày nay, về sự lệch chuẩn của truyền thống "tôn sư trọng đạo", về sự ô nhiễm của môi trường giáo dục.

Theo tiến sĩ Trường Giang, để mối quan hệ trong các nhà trường trở nên minh bạch, tích cực, mang tính nhân văn cao đẹp, cần có rất nhiều giải pháp. Một trong những giải pháp đó là phải xây dựng những tiêu chí của người thầy, người trò và ban hành được bộ quy tắc ứng xử trong các giảng đường ĐH: "Cho đến nay, chúng ta chưa có một bộ quy tắc ứng xử trong mối quan hệ thầy - trò. Thiết nghĩ, đây là một thiếu sót cần nhanh chóng khắc phục".

Để có những quy tắc, điều không thể thiếu là các tiêu chí của người thầy, người trò, trong đó đòi hỏi về kỹ năng sư phạm của người thầy, như một chuyên gia giáo dục đã đúc kết: Kỹ năng sư phạm, một phần nào đó do bẩm sinh, nhưng chủ yếu do sự khổ công rèn luyện để ngày càng hoàn hảo hơn. Kỹ năng sư phạm thật sự là một nghệ thuật của công tác giáo dục.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Làm gì khi quan hệ thầy - trò lệch chuẩn?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.