(HNM) - Chuẩn bị cho Luật KHCN có hiệu lực từ năm 2014, Bộ Khoa học và Công nghệ (KHCN) được Chính phủ giao nhiệm vụ xây dựng và triển khai một số nghị định.
Cần lưu ý tính đặc thù
Dự thảo nghị định này đang được lấy ý kiến nhằm triển khai thực hiện theo Điều 19, 22 và 23 của Luật KHCN, gồm: Các quy định về tuyển dụng, bổ nhiệm đặc cách chức danh nghiên cứu khoa học, chức danh công nghệ; đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài; ưu đãi, trọng dụng cá nhân hoạt động KHCN. Nghị định áp dụng đối với cá nhân hoạt động KHCN và các tổ chức, cá nhân có liên quan tại Việt Nam.
Dự thảo nghị định quy định chính sách sử dụng, trọng dụng cá nhân hoạt động khoa học - công nghệ đang được giới khoa học và xã hội quan tâm. Ảnh: Bá Hoạt |
Một trong những nội dung thu hút sự chú ý là các quy định liên quan tới chính sách đối với các nhà khoa học đầu ngành. Theo dự thảo nghị định, các cá nhân hoạt động KHCN đáp ứng tiêu chuẩn của nhà khoa học đầu ngành thì sẽ được cấp kinh phí hằng năm để thực hiện các nhiệm vụ KHCN liên quan đến sự phát triển ngành, được hỗ trợ kinh phí sử dụng phòng thí nghiệm trọng điểm và chi phí công bố kết quả nghiên cứu trên tạp chí khoa học quốc tế có uy tín, đăng ký quyền sở hữu trí tuệ. Các nhà khoa học này còn được hưởng phụ cấp tương đương phụ cấp chức vụ vụ trưởng cấp bộ...
Tuy nhiên, khái niệm nhà khoa học "đầu ngành" khiến nhiều người phân vân. Nhiều ý kiến cho rằng không nên dùng khái niệm "đầu ngành" bởi đó là danh hiệu suy tôn, mang tính danh dự. TS Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn đặt vấn đề: Danh hiệu "đầu ngành" cần phải để cho các nhà khoa học lựa chọn theo ý tôn vinh thay vì theo quyết định của một bộ, ngành nào đó. TS Đặng Kim Sơn nêu bất cập: Rất nhiều nhà khoa học có đóng góp lớn cho ngành NN&PTNT nhưng lại không phải người thuộc Bộ NN&PTNT, nên bộ này không thể ra quyết định. Vì vậy, nên thành lập những tổ chức, chẳng hạn như viện hàn lâm để các nhà khoa học tôn vinh nhau. Đại diện Trường ĐH Bách khoa Hà Nội nêu vấn đề "nhà khoa học là trưởng bộ môn rất giỏi ở một trường ĐH thì có được coi là cán bộ đầu ngành hay không?", và cho rằng với loại danh hiệu này không thể quyết định bằng văn bản hành chính.
Với quan điểm của Ban soạn thảo nghị định, Thứ trưởng Bộ KHCN Trần Quốc Khánh giải thích: Khái niệm "đầu ngành" đã được nêu trong Luật KHCN, trong đó xác định rõ là phải xây dựng cơ chế chính sách cho cán bộ đầu ngành. Dự thảo tiếp cận theo hướng cán bộ đầu ngành là người có chức vụ, có chức trách dẫn dắt, phát triển ngành khoa học ở một cơ quan.
Quan trọng là môi trường làm việc
Xuyên suốt dự thảo nghị định, quan điểm về sử dụng và trọng dụng các cá nhân hoạt động KHCN dựa trên cơ sở thành tích thực tế chứ không phụ thuộc vào thâm niên công tác đã được nhấn mạnh. Tuy nhiên, nhiều nhà khoa học cho rằng, những quy định về tuyển dụng, đãi ngộ cần có sự điều chỉnh đáng kể và cần chú trọng tới tính đặc thù của hoạt động nghiên cứu khoa học.
GS.TS Trần Xuân Hoài - Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Vật lý ứng dụng - cho rằng, việc tuyển dụng nên tránh thực hiện theo cách thức mang tính hành chính, kiểu "sống lâu lên lão làng" như có thể thấy lâu nay. Trên thực tế, trong nhiều trường hợp, lương bổng của cán bộ khoa học trong các cơ quan nhà nước không bằng bên ngoài, không bằng khối hành chính, vậy tại sao họ vẫn theo đuổi khoa học? Câu trả lời là họ hy vọng có biên chế nhà nước, có cơ hội học hỏi, tích lũy kiến thức, kinh nghiệm. Nghị định này muốn tạo sự thay đổi cho tương lai thì phải "đánh" vào nguyện vọng đó của các nhà khoa học làm việc cho cơ quan nhà nước, coi đó như động lực, không nên tránh né. Vì vậy, GS Trần Xuân Hoài đề nghị: Không nên để nhà khoa học chờ qua đủ số bậc lương mới được lên nghiên cứu viên chính, qua "nấc" nghiên cứu viên chính mới được tuyển chọn vào biên chế. Hãy đãi ngộ nhà khoa học trẻ bằng hình thức lên bậc chuyên viên.
Cho rằng các nhà khoa học nhiều khi không cần ưu đãi, mà chỉ cần mức đãi ngộ xứng đáng, TS Đặng Kim Sơn nhấn mạnh: Đãi ngộ chính là lương. Trước tiên, đơn vị nghiên cứu phải được tự chủ, cán bộ phải được trả lương theo kết quả, tiền nghiên cứu được tính vào lương, làm nhiều hưởng nhiều, làm tốt hưởng mức tốt. Đó là chính sách ưu đãi tốt nhất, cần sớm được thực hiện. Bên cạnh đó, nhiều nhà quản lý nêu quan điểm, rằng môi trường làm việc thuận lợi có thể tạo sức hút hơn cả chế độ lương bổng. Môi trường tốt là có hoạt động học thuật phong phú, điều kiện nghiên cứu, cơ hội đào tạo, tham gia hội thảo tại nước ngoài.
Theo một số chuyên gia, chính sách ưu đãi hiện vẫn tiềm ẩn sự bất bình đẳng. Chẳng hạn, với cùng bài báo đăng trên tạp chí chuyên ngành quốc tế nhưng nhà khoa học đầu ngành sẽ được hỗ trợ chi phí công bố kết quả nghiên cứu, còn những nhà khoa học khác thì không. Nhiều ý kiến chỉ ra rằng, khu vực ngoài công lập dường như không được đề cập ở dự thảo nghị định. Trước những ý kiến nói trên, đại diện Ban soạn thảo, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh thừa nhận những quy định này, về cơ bản là dành cho viên chức làm việc trong tổ chức công lập, khối ngoài công lập cũng được đưa vào nhưng còn "nhạt".
Dự thảo nghị định tiếp tục được lấy ý kiến đóng góp để hoàn thiện, trước khi trình Chính phủ phê duyệt - dự kiến vào cuối năm nay.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.