Lương - Bảo hiểm

Làm gì để thu về tiền chậm, trốn đóng, tiền hưởng không đúng các chế độ BHXH?

Vũ Minh 16/07/2023 - 18:12

Việc khắc phục số tiền chậm đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN); đồng thời thu hồi về quỹ đối với các trường hợp hưởng không đúng các chế độ liên quan là giải pháp quan trọng nhằm bảo đảm quyền lợi chính đáng cho người tham gia.

Đó cũng là cách tạo lòng tin cho người dân, người lao động, giúp họ yên tâm tham gia các chính sách lâu dài. Vậy, các các cơ quan chức năng đã, đang làm gì để thu về Quỹ BHXH, Quỹ BHYT, Quỹ BHTN các khoản tiền này?

thanh-tra.jpg
Công bố quyết định thanh tra đối với các đơn vị chậm đóng BHXH là giải pháp quan trọng để thành phố Hà Nội thu về số tiền chậm đóng.

Liên quan đến vấn đề nêu trên, BHXH Việt Nam cho biết, giải pháp quyết liệt được triển khai là ngành chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật về lao động, việc làm, bảo hiểm xã hội tại các đơn vị, doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm. Từ đầu năm 2023 đến nay, các cơ quan chức năng đã tiến hành thanh tra, kiểm tra tại hơn 9.000 đơn vị, doanh nghiệp, qua đó các đơn vị đã khắc phục, nộp tiền chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN với số tiền hơn 425 tỷ đồng.

Cùng với đó, ngành BHXH ban hành, tham mưu ban hành 448 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền xử phạt là 15 tỷ đồng; yêu cầu truy thu tiền đóng BHXH, BHYT, BHTN của 23.118 lao động đóng chưa đúng quy định với số tiền truy thu là 62,4 tỷ đồng.

Căn cứ vào kết quả thanh tra, kiểm tra, BHXH Việt Nam còn yêu cầu thu hồi về các quỹ số tiền hơn 37,6 tỷ đồng tiền hưởng các chế độ không đúng quy định.

Ngoài các giải pháp đã, đang triển khai, BHXH Việt Nam đề xuất một số giải pháp “mạnh tay” hơn. Góp ý cho dự thảo Luật BHXH (sửa đổi), BHXH Việt Nam đề nghị bổ sung quy định: Người sử dụng lao động trốn đóng BHXH từ 3 tháng trở lên không được đấu thầu, thi công, mua sắm vật tư, hàng hóa, trang thiết bị từ nguồn vốn của Nhà nước; không được tổ chức tín dụng cho vay vốn với lãi suất ưu đãi; không được hỗ trợ kinh phí hỗ trợ đào tạo, học nghề cho người lao động”.

Cùng quan điểm phải “ngăn” hành vi trốn đóng BHXH, góp ý cho dự thảo Luật BHXH (sửa đổi), Bộ Tư pháp đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, quy định cụ thể đối tượng áp dụng biện pháp hoãn xuất cảnh đối với trường hợp người sử dụng lao động trốn đóng BHXH sao cho phù hợp. Cơ quan này cũng đề nghị nghiên cứu, bổ sung trường hợp này vào Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2014 và Luật Xuất nhập cảnh của công dân Việt Nam năm 2019 về các trường hợp tạm hoãn xuất cảnh…

Tiếp thu ý kiến góp ý, cơ quan chủ trì soạn thảo dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) là Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định về vấn đề nêu trên theo hướng tăng tính nghiêm minh, thực thi của pháp luật.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Làm gì để thu về tiền chậm, trốn đóng, tiền hưởng không đúng các chế độ BHXH?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.