Theo dõi Báo Hànộimới trên

Làm gì để tăng sức hấp dẫn?

Thanh Thủy| 22/10/2017 07:43

(HNM) - Thủ tướng Chính phủ vừa chỉ đạo Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch tìm hướng chuyển đổi mô hình Làng Văn hóa - Du Lịch các dân tộc Việt Nam, từng bước nâng cao chất lượng hoạt động cũng như thu hút vốn đầu tư để tăng sức hấp dẫn.

Một hoạt động văn hóa của đồng bào dân tộc Dao (huyện Ba Vì) tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam. Ảnh: Bá Hoạt


Chưa xứng tầm

Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Làng VHDL) nằm ở thị xã Sơn Tây, TP Hà Nội, có tổng vốn đầu tư hơn 3,2 nghìn tỷ đồng, xây dựng trên diện tích đất 1,5 nghìn héc ta với 7 khu chức năng chính, gồm: Khu các làng văn hóa; Khu di sản văn hóa thế giới; Khu trung tâm văn hóa - vui chơi giải trí; Khu dịch vụ du lịch tổng hợp; Khu công viên bến thuyền; Khu cây xanh mặt nước Đồng Mô; Khu quản lý điều hành. Với quy mô và nguồn kinh phí xây dựng đồ sộ, Làng VHDL được kỳ vọng là “thánh địa du lịch”, nơi tái hiện để giới thiệu với du khách trong nước và quốc tế các giá trị văn hóa truyền thống của 54 dân tộc Việt Nam.

Tuy nhiên, sau 7 năm hoạt động, điểm đến này chưa đạt được tầm vóc như mong đợi, vì nhiều nguyên nhân như: Mô hình hoạt động thiếu hấp dẫn, cơ sở hạ tầng xuống cấp…

Giám đốc Kinh doanh - Marketing Công ty TNHH Xuân Sơn Travel Nguyễn Vân Nhung nhận xét: Ý tưởng xây dựng một khu du lịch là phiên bản đất nước thu nhỏ với nhiều dân tộc quây quần rất ý nghĩa, triển vọng sáng sủa. Tuy nhiên, những gì đang có tại Làng VHDL chưa thể hiện được điều đó. Nhiều hạng mục vẫn nằm trên giấy. Nhiều công trình đang trong quá trình hoàn thiện nhưng đã hoang hóa; cơ sở hạ tầng và dịch vụ phụ trợ còn thiếu và yếu… Thực trạng này ảnh hưởng đáng kể đến tâm lý khách tham quan.

Nếu như hình ảnh các công trình kiến trúc hư hỏng, xuống cấp làm giảm sức hấp dẫn của Làng VHDL thì sự thiếu sáng tạo, hời hợt trong tổ chức các hoạt động văn hóa tiếp tục làm Làng VHDL “mất điểm” trong mắt du khách. Phó Giám đốc Công ty Du lịch Trần Việt (Transviet Travel) Nguyễn Tiến Đạt phân tích: Các sự kiện khá đơn điệu, thiếu sáng tạo, quanh quẩn với ý tưởng tái hiện phiên chợ vùng cao, đồng bào các dân tộc đón tết…, chưa xứng tầm một khu du lịch đẳng cấp.

Nói về vấn đề này, Quyền Trưởng ban Quản lý Làng VHDL Lâm Văn Khang cho biết: Do thiếu kinh phí đầu tư nên nhiều hạng mục chưa hoàn thiện. Nhiều công trình sử dụng vật liệu tranh, tre, nứa, lá… để bảo đảm tính nguyên bản nên khó tránh cảnh hư hỏng, xuống cấp. Việc vận động đồng bào các dân tộc về làng sinh sống luân phiên nhằm giới thiệu, quảng bá tinh hoa văn hóa, phong tục tập quán bản địa cũng khá khó khăn bởi hoạt động tại đây chưa đem lại thu nhập cho bà con. Tất cả những yếu tố đó đã ảnh hưởng không lợi đến nỗ lực tăng sức hấp dẫn cho khu du lịch.

Giám đốc Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Văn Huy nhận định: Những vấn đề đang tồn tại ở Làng VHDL xuất phát từ thực tế là mô hình hoạt động hiện tại đã không còn phù hợp. Cần sự đổi mới căn bản thì mới có thể tăng sức hấp dẫn, thu hút nguồn vốn đầu tư để hoàn thiện các hạng mục còn dang dở. Nói cách khác, nếu tiếp tục theo mô hình cũ, hoạt động èo uột, không hấp dẫn du khách và nhà đầu tư thì tình trạng công trình chờ vốn sẽ tiếp diễn, đồng nghĩa với việc các vấn đề tồn tại của Làng VHDL vẫn không thể giải quyết.

Hướng chuyển mình tất yếu

Mới đây, Văn phòng Chính phủ ra thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về mô hình quản lý và tổ chức hoạt động của Làng VHDL. Thông báo nêu rõ: Làng VHDL nếu tiếp tục theo mô hình hiện tại sẽ gặp khó khăn trong việc huy động nguồn lực đầu tư, không thể có đột phá trong hợp tác và triển khai hoạt động. Làng VHDL cần có mô hình mới với các điều kiện thuận lợi để thu hút mạnh mẽ nguồn đầu tư tư nhân, đẩy mạnh hợp tác công - tư, tiến tới giảm triệt để sự bao cấp của Nhà nước.

Thủ tướng Chính phủ cũng đã giao Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch khẩn trương hoàn thiện Đề án chuyển đổi mô hình Ban Quản lý Làng VHDL, lấy ý kiến các bên liên quan và báo cáo Thường trực Chính phủ vào cuối quý I năm 2018.

Nhiều chuyên gia văn hóa đánh giá đây là hướng chuyển mình tất yếu của một mô hình mà hiệu quả hoạt động chưa xứng với tầm vóc của dự án. Để tăng tính hấp dẫn cho mô hình, đồng thời thu hút đầu tư cho Làng VHDL, PGS.TS Nguyễn Văn Huy cho rằng, cần nhấn mạnh vào những nét tiêu biểu của văn hóa từng dân tộc với cách tổ chức có chiều sâu, bảo đảm chất lượng. Cùng với đó, đầu tư mạnh cho các hoạt động vui chơi, giải trí để thu hút du khách mà Disney Land là một trong nhiều mô hình có thể áp dụng.

Đối với bài toán đẩy mạnh hợp tác công - tư, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam, PGS.TS Đặng Văn Bài đề xuất: Cần có cơ chế đặc thù, chính sách riêng, đủ sức hấp dẫn để chủ đầu tư yên tâm tham gia dự án trong dài hạn; tăng cường “bắt tay” với các doanh nghiệp lữ hành chứ không thụ động ngồi chờ khách tham quan đến với mình. Làng VHDL cần tổ chức tốt hoạt động văn hóa du lịch, làm phong phú bằng cách kết nối với các điểm du lịch trong khu vực; bổ sung, hoàn thiện các dịch vụ vui chơi, ẩm thực, lưu trú; có giải pháp đưa đón khách từ khu vực trung tâm Thủ đô tới khu du lịch và ngược lại…

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Làm gì để tăng sức hấp dẫn?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.