Theo dõi Báo Hànộimới trên

Làm gì để người Việt cao hơn?

Hải Hà| 07/10/2013 07:00

(HNM) - Trong 30 năm qua, cứ sau 10 năm thì chiều cao trung bình của người Việt chỉ tăng thêm hơn 1cm.

Giải pháp chưa đồng bộ

Một khảo sát mới được công bố của Viện Dinh dưỡng quốc gia cho thấy, chiều cao trung bình của nam thanh niên Việt Nam, từ 22 đến 26 tuổi, cao 164,2cm, còn nữ thanh niên cao trung bình 153,4cm. So với 30 năm trước, nam thanh niên đã cao hơn 4cm. Tuy nhiên, nếu so với các nước Đông Nam Á, người Việt vẫn rất thấp. So với người Thái Lan, nam thấp hơn 3,3cm, nữ thấp hơn 3,9cm. Còn ở Malaysia, nam trung bình cao 168,4cm, nữ trung bình cao 157,7cm; Indonesia nam trung bình cao 164,4cm, nữ 155cm… Đó là chưa so sánh với các nước Châu Á có chiều cao trung bình đã phát triển hơn hẳn như Hàn Quốc 173,9cm ở nam thanh niên và 161cm ở nữ thanh niên, hay Nhật Bản là 171,5cm và 158cm.

Bổ sung dinh dưỡng cho trẻ là điều hết sức cần thiết. Ảnh: Bảo Kha


Nguyên nhân khiến người Việt vẫn thấp, theo Cục trưởng Cục Khoa học, Đào tạo và công nghệ Bộ Y tế Nguyễn Công Khẩn, là do sự can thiệp để tăng chiều cao ở nước ta đứt quãng. Kinh nghiệm truyền thống của nhiều nước, đặc biệt là phương Tây, trẻ dưới 2 tuổi là giai đoạn mấu chốt để can thiệp phát triển chiều cao. Nhưng gần đây, bài học của Nhật Bản cho thấy, có thể cải thiện chiều cao nếu can thiệp dinh dưỡng tốt ở giai đoạn học đường. Ông Nguyễn Công Khẩn cũng cho biết, gần đây Nhật Bản cũng đã hỗ trợ Việt Nam thiết kế 40 thực đơn bữa ăn học đường ở TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, chú ý đến dinh dưỡng ngay từ thời kỳ mang thai, cho trẻ bú mẹ đầy đủ theo khuyến cáo, sau đó là ăn đa dạng, đủ chất, thực phẩm sạch và kết hợp học - chơi - thể thao vừa sức là những bí quyết có hiệu quả trong cải thiện chiều cao.

Mở chương trình sữa học đường

Từ kinh nghiệm triển khai chương trình sữa học đường ngay từ thời kỳ khó khăn sau chiến tranh của Nhật Bản, trong cuộc trao đổi mới đây với báo giới, cả ông Nguyễn Công Khẩn và Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Nguyễn Thị Lâm đều đề xuất nên có chương trình sữa học đường để bổ sung dưỡng chất cho trẻ.

Hiện nay, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đang xây dựng chương trình sữa học đường, chuẩn bị trình Chính phủ vào năm 2014 tới. Theo ông Nguyễn Trọng An, Phó Cục trưởng Cục Chăm sóc và bảo vệ trẻ em (Bộ LĐ- TB&XH), nếu được phê duyệt, dự án này sẽ hỗ trợ cho khoảng 400 nghìn trẻ lứa tuổi mầm non và tiểu học ở 62 huyện nghèo nhất nước được uống sữa mỗi ngày. Các cháu lứa tuổi mầm non sẽ được uống 2 lần/ngày, mỗi lần 110ml sữa nước, lứa tuổi tiểu học là 180ml sữa nước.

"Với chương trình này, các địa phương kinh tế phát triển khá hơn có thể triển khai chương trình sữa học đường theo hình thức Nhà nước và nhân dân cùng làm, còn các tỉnh nghèo thì Nhà nước đầu tư 100%. Chương trình này nhằm thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về cải thiện tầm vóc và sức bền người Việt. Tuy nhiên, kinh phí dự kiến lên tới 210 nghìn tỷ đồng nếu chương trình thực hiện đến năm 2020 cũng là một trở ngại khá lớn trong tình hình kinh tế hiện nay", ông Nguyễn Trọng An lo ngại.

Sau hàng chục năm can thiệp mạnh để giảm suy dinh dưỡng, tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân đã giảm xuống 16,2% và suy dinh dưỡng chiều cao theo tuổi còn 26%. Tại các thành phố lớn, thanh thiếu niên đã cao hơn nhiều so với thế hệ trước, nhưng trẻ ở đô thị lại phải đối mặt với nguy cơ thừa cân, béo phì. Theo đánh giá của Chương trình dinh dưỡng, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc, tỷ lệ trẻ béo phì, thừa cân ở Việt Nam gia tăng ở mức đột biến, hai năm gần đây tăng 15-21%/năm. Còn theo công bố của Viện Nghiên cứu y - Xã hội học, cả nước có khoảng 300.000 trẻ dưới 5 tuổi thừa cân béo phì, trong số này có đến 86.000 cháu sống tại 5 thành phố lớn là Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ và TP Hồ Chí Minh. Tại Hà Nội, trẻ thừa cân béo phì tại nội thành cũng đã ở mức 5,5%, còn ở nội thành TP Hồ Chí Minh con số này đã trên 12%, tương đương với các nước phát triển.

Cải thiện tầm vóc và sức bền cho người Việt có lẽ không thể đợi lâu hơn. Qua các khảo sát gần đây đều cho thấy người Việt có sức bền vào loại kém, khó trụ vững trong các trận đấu thể thao đòi hỏi sức bền, kể cả đáp ứng cường độ công việc căng thẳng. Chiều cao không đồng đều giữa các vùng miền vẫn đang là vấn đề cần giải quyết nếu muốn nâng chiều cao trung bình của người Việt. Với những thách thức này, sẽ không thể cải thiện chiều cao cho các thế hệ tương lai nếu không có giải pháp thật mạnh mẽ và triển khai thật quyết liệt.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Làm gì để người Việt cao hơn?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.