Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xuất khẩu gỗ và lâm sản: Tiếp tục duy trì đà tăng trưởng

Đỗ Minh| 14/07/2022 06:18

(HNM) - Nửa đầu năm 2022, ngành sản xuất gỗ và lâm sản tiếp tục duy trì đà tăng trưởng với giá trị xuất khẩu đạt 8,5 tỷ USD, trở thành mặt hàng có tính chiến lược cao của nông sản Việt Nam, trong đó thị trường Hoa Kỳ chiếm tới 60% tổng kim ngạch. Mặc dù, có sự tăng trưởng đáng ghi nhận, song ngành sản xuất gỗ và lâm sản Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

Sản xuất đồ gỗ xuất khẩu tại Công ty Gỗ Tân Nhật, Khu công nghiệp Nam Tân Uyên (tỉnh Bình Dương). Ảnh: Cẩm Tú

Xuất khẩu gỗ đạt 8,5 tỷ USD

Theo Bộ NN&PTNT, 6 tháng đầu năm 2022, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 8,5 tỷ USD, tăng 2,8% so với cùng kỳ năm 2021. Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Quốc Toản cho biết, gỗ và lâm sản đang là mặt hàng chiến lược trong xuất khẩu nông sản và Hoa Kỳ là thị trường nhập khẩu gỗ và lâm sản lớn nhất. Chỉ tính 6 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu gỗ sang thị trường Hoa Kỳ đã đạt 4,8 tỷ USD, chiếm khoảng 60% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam.

Bên cạnh thị trường Hoa Kỳ, các thị trường khác cũng ghi nhận sự tăng trưởng. Đơn cử như thị trường Trung Quốc, dù bị ảnh hưởng bởi chính sách “Zero Covid”, song trong 6 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang thị trường này đạt 947 triệu USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước. Một số thị trường khác như: Malaysia, Nhật Bản, Australia... cũng ghi nhận sự tăng trưởng tích cực.

Về thị trường gỗ và lâm sản, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam Đỗ Xuân Lập cho biết: Hiện tại xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đang tập trung vào các mặt hàng có giá trị gia tăng cao như ghế khung gỗ, đồ nội thất phòng khách, phòng ăn, phòng ngủ... Thời gian tới, nhu cầu nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ từ các thị trường dự báo sẽ tăng mạnh.

Cũng về vấn đề này, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ tỉnh Bình Dương Nguyễn Liêm thông tin: Đa số doanh nghiệp xuất khẩu gỗ đã kín các đơn hàng từ nay đến cuối năm và đang dồn lực sản xuất. Tuy nhiên phía trước vẫn còn nhiều khó khăn, đặc biệt là vấn đề nguyên liệu, chi phí vận tải và bảo đảm các điều kiện xuất khẩu bền vững ở thị trường Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản...

Hướng tới mục tiêu xuất khẩu 17 tỷ USD

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh cho biết: Để hoàn thành mục tiêu năm 2022, xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt 17 tỷ USD, Bộ NN&PTNT sẽ đồng hành cùng doanh nghiệp, hiệp hội và các bộ, ngành để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc...

Thẳng thắn chỉ ra vấn đề của ngành gỗ hiện nay, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Chánh Phương cho rằng: Nguồn nguyên liệu cho chế biến đang là cản trở lớn nhất đối với ngành gỗ và logistics cũng là bài toán cần có lời giải để hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu. Hiện tại, thị trường Hoa Kỳ chiếm tới 60% trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam nhưng dư địa tăng trưởng không lớn, ngành gỗ buộc phải tạo sự đột phá như số hóa, tự động hóa, hay tăng cường sử dụng nguồn nguyên liệu gỗ nội địa mới duy trì được tăng trưởng bền vững...

Để giải quyết những khó khăn, vướng mắc nêu trên, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh cho biết, Bộ NN&PTNT đang phối hợp với các địa phương, bộ, ngành xây dựng đề án bài bản về phát triển nguồn gỗ nguyên liệu để trình Thủ tướng Chính phủ. Đây là chiến lược lâu dài cho ngành gỗ và phát triển rừng của Việt Nam.

Trước mắt, để có nguồn cung nguyên liệu gỗ bảo đảm cho sản xuất rất cần sự liên kết giữa nông dân, doanh nghiệp, chính quyền địa phương. Theo đó, trong kế hoạch phát triển rừng hằng năm, các địa phương cần nâng cao năng suất và chất lượng rừng trồng - cần phải tổ chức thực hiện bài bản, chấn chỉnh toàn diện ngay từ khâu chọn giống, làm giống cho rừng trồng, kiểm soát chất lượng giống. “Nước ta hiện có 1,1 triệu hộ nông dân trồng rừng, nhưng không có hợp tác xã thì không thể liên kết được với nông dân, người trồng rừng để xây dựng vùng nguyên liệu, đáp ứng yêu cầu, sản xuất chế biến...”, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh nhấn mạnh.

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp, bao gồm cả một số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang nỗ lực liên kết phát triển gỗ có chứng chỉ FSC (chứng chỉ Quản lý rừng). Nguồn cung gỗ rừng trồng có chất lượng là nguồn gỗ nguyên liệu đầu vào cho sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Do vậy, các doanh nghiệp cần chủ động liên kết, xây dựng vùng nguyên liệu... 

Bên cạnh đó, “Đề án phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ bền vững, hiệu quả giai đoạn 2021-2030” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã xây dựng những chiến lược, mục tiêu cụ thể, trong đó thu hút đầu tư có chọn lọc, ưu tiên dự án sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, công nghệ tiên tiến, phát triển các nhóm sản phẩm gỗ có lợi thế cạnh tranh, giá trị gia tăng, nhu cầu sử dụng cao, ổn định trên thị trường... Đây là những giải pháp phát triển bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xuất khẩu gỗ và lâm sản: Tiếp tục duy trì đà tăng trưởng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.