Theo dõi Báo Hànộimới trên

Làm gì để nâng chất lượng nguồn nhân lực y tế?

Thu Trang| 21/07/2015 06:20

(HNM) - Ngày 20-7, Bộ Y tế tổ chức hội nghị trực tuyến lấy ý kiến đóng góp vào báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 46 của Bộ Chính trị về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.

Không đào tạo ồ ạt

Hiện nước ta đạt tỷ lệ 7,61 bác sĩ và 2,2 dược sĩ/1 vạn dân, tuy nhiên con số này còn thấp so với các nước trên thế giới. Ngoài ra, còn có sự chênh lệch về số lượng, chất lượng và sự phân bố cán bộ y tế giữa các vùng, miền thiếu đồng đều. Những cán bộ có trình độ chuyên môn cao thường tập trung tại các thành phố lớn. Tỷ lệ cán bộ y tế ở tuyến xã và huyện vừa ít về số lượng, vừa hạn chế về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Thậm chí, tình trạng mất cân đối về nhân lực y tế còn xảy ra giữa các chuyên ngành. Một số chuyên ngành như truyền nhiễm, tâm thần, xét nghiệm, y tế dự phòng thiếu bác sĩ cả ở các đơn vị trung ương và địa phương.

Chất lượng nguồn nhân lực y tế của nước ta chưa được như mong muốn. Ảnh: Bá Hoạt



Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng, dù tuổi thọ của người dân tăng nhưng thời gian sống khỏe lại ngắn hơn so với các nước trên thế giới. Số tiền người dân chi trả cho y tế từ tiền túi hiện vẫn còn cao (chiếm đến 47%) trong khi chất lượng khám, chữa bệnh của các cơ sở y tế chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân. Theo ông Nguyễn Thanh Long, ngay cả bằng tốt nghiệp đại học y, dược của nước ta cũng chưa được thế giới công nhận. Do đó, các thầy thuốc Việt Nam khi ra nước ngoài làm việc hay học tập nâng cao trình độ chuyên môn đều phải đào tạo lại từ đầu. Điều đó cho thấy chất lượng đào tạo của nước ta chưa cao, ảnh hưởng tới chất lượng khám chữa bệnh, đồng thời gây tốn kém về thời gian và kinh phí.

Quan niệm lâu nay là chỉ những người giỏi mới có thể vào ngành y, dược dường như đang có sự thay đổi. Theo đại diện Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk, hiện nay, có quá nhiều cơ sở giáo dục được phép đào tạo ngành y, dược. Một số trường ngoài công lập có chỉ tiêu tuyển sinh lớn, đầu vào thấp trong khi năng lực đào tạo, cơ sở thực hành hạn chế. Thậm chí, có trường không có cơ sở thực hành, giáo viên thì "vay mượn" và như vậy thì không thể đào tạo nhân lực có chất lượng được. "Tăng cường nguồn nhân lực không phải cứ đào tạo một cách ồ ạt là xong, bởi vì nghề y là một nghề đặc biệt, cần được tuyển chọn, đào tạo, sử dụng và đãi ngộ đặc biệt", đại diện Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk nói.

Trên thực tế, sau 6 năm đào tạo, đa số sinh viên trường y chưa đủ năng lực để hành nghề độc lập bởi việc dạy và học hiện nay không sát với thực tiễn, khối lượng kiến thức lý thuyết quá nhiều và dàn trải. Việc đào tạo của nhiều trường còn chạy theo số lượng, đào tạo chưa dựa trên chuẩn kỹ năng và yêu cầu nghề nghiệp đầu ra. Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Y dược Hải Phòng Phạm Văn Hán cho rằng, hiện nay, mô hình giáo dục sinh viên y khoa của nước ta khác so với các nước trên thế giới. Chính vì vậy, tới đây, cần phải đổi mới căn bản toàn diện giáo dục ngành y.

Nâng cao năng lực quản lý bệnh viện

Thực tế cho thấy tại bệnh viện công, với lượng bệnh nhân đông, áp lực công việc lớn nên dễ xảy ra sai sót, tai biến, trong khi chế độ đãi ngộ còn khiêm tốn. Vì vậy, một số bác sĩ có tay nghề đã xin chuyển đến làm việc ở bệnh viện tư. Nhiều đại biểu cho rằng, bên cạnh việc đổi mới công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực y tế chất lượng cao thì cần có chính sách đãi ngộ tốt để thu hút nhân tài. Đơn cử tại Quảng Ngãi, trước đây, tỷ lệ bác sĩ rất thấp, trung bình một năm có khoảng 2-3 bác sĩ về đây công tác. Tuy nhiên, sau 2 năm áp dụng chính sách đãi ngộ với những sinh viên y khoa sau khi tốt nghiệp, ngoài mức thu nhập hấp dẫn, hỗ trợ tiền thuê nhà, mua nhà, hiện tỉnh đã thu hút hơn 100 bác sĩ về đây làm việc.

Nhiều ý kiến khác cho rằng bệnh viện như một xã hội thu nhỏ với rất nhiều vấn đề nảy sinh cần giải quyết, từ lo nguồn thu để bảo đảm đời sống cho cán bộ, lo nâng cao năng lực chuyên môn, tổ chức nghiên cứu khoa học... Tuy nhiên, ở Việt Nam từ trước đến nay, lãnh đạo các bệnh viện, khoa phòng phần lớn là người giỏi chuyên môn, có uy tín về chuyên môn, sau đó đi học một khóa ngắn hạn về quản trị bệnh viện chứ chưa có những nhà quản trị bệnh viện chuyên nghiệp, chủ yếu vẫn là các bác sĩ kiêm giám đốc.

Để khắc phục tình trạng trên, theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, thời gian tới Bộ Y tế sẽ đẩy mạnh việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học trong đào tạo, phát triển nguồn nhân lực y tế và tăng cường hợp tác quốc tế; đặc biệt là đổi mới căn bản, toàn diện đào tạo nguồn nhân lực y tế theo hướng tiếp cận với các phương thức đào tạo của các nước tiên tiến trên thế giới. Bộ sẽ thí điểm việc cho phép các trường được thực hiện tuyển sinh, đào tạo nhân lực y tế theo các tiêu chuẩn quốc tế, cùng với đó là nâng cao năng lực quản lý bệnh viện. Tới đây, giám đốc bệnh viện cũng phải được đào tạo bài bản về công tác quản lý.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Làm gì để nâng chất lượng nguồn nhân lực y tế?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.