(HNMO) - Chủ trương xã hội hóa đầu tư dịch vụ y tế là đúng đắn và cần thiết để các bệnh viện tự nâng cao năng lực khám, chữa bệnh. Thế nhưng, những vụ việc tiêu cực nâng khống giá thiết bị y tế xảy ra thời gian gần đây đang làm ảnh hưởng đến ý nghĩa và hiệu quả của chủ trương này. Vậy, phải làm gì để lấp "lỗ hổng" xã hội hóa đầu tư y tế?
Người dân hưởng lợi ích từ việc ứng dụng những kỹ thuật cao
Dịch Covid-19 được xem như một phép thử đối với năng lực của ngành Y tế Việt Nam. Với nỗ lực của các y, bác sĩ cùng với "vũ khí" ECMO (thiết bị tim, phổi nhân tạo), các bệnh nhân Covid-19 nặng đã được cứu sống.
Một trường hợp điển hình được điều trị và cứu sống bằng ECMO là phi công người Anh (bệnh nhân 91) trong đợt dịch Covid-19 vừa qua. Phi công người Anh này đã rất nhiều lần chạm đến cửa tử. Trong 58 ngày chạy ECMO, các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy (thành phố Hồ Chí Minh) đã thay 7 màng ECMO cho bệnh nhân 91. Đây được coi là trường hợp đặc biệt của y văn thế giới.
Tương tự, bệnh nhân 19 (64 tuổi, ở Hà Nội) từng 2 lần được các y, bác sĩ của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cơ sở 2 dùng ECMO cứu sống. Nhiều nghiên cứu cho thấy, ở những người bệnh có tổn thương phổi nặng, nếu thở máy thường quy sẽ cứu sống được khoảng 30-37% trường hợp, còn nếu dùng ECMO có thể cứu sống tới 53-60% trường hợp, nghĩa là gấp đôi số người được cứu sống.
Ngoài ra còn có nhiều ví dụ cho thấy, nếu có trang thiết bị hiện đại, cơ hội để bác sĩ cứu sống người bệnh cao hơn rất nhiều.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, việc xã hội hóa đầu tư thiết bị y tế, thực tế giúp ngành y tế tận dụng được công nghệ cao, giúp các cơ sở y tế trong điều kiện nguồn vốn hạn chế có thể mở rộng hoạt động phục vụ người dân.
"Thông qua việc vận hành, khai thác các máy móc hiện đại, các thầy thuốc được cọ xát thực tế, nâng cao tay nghề để phục vụ người dân. Người dân đỡ phải ra nước ngoài khám, chữa bệnh khi trong nước đã có đầy đủ máy móc, điều kiện, với chi phí hợp lý", ông Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh.
Tuy nhiên, theo GS.TS Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, chính sách xã hội hóa y tế cũng phát sinh những hạn chế, đó là các hoạt động xã hội hóa thường tập trung vào các lĩnh vực có khả năng mang lại nhiều doanh thu, dẫn đến tăng chi trả tiền túi của người bệnh. Mặt khác, chủ trương này chưa mở rộng khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế cho người dân sinh sống ở các khu vực có điều kiện khó khăn hơn, những người không có khả năng chi trả cho các dịch y tế đắt tiền. Các bệnh viện trung ương và bệnh nhân ở các thành phố lớn thường được hưởng lợi nhiều hơn so với những bệnh nhân ở các tỉnh nghèo và khu vực nông thôn.
Cần công khai, minh bạch hóa các dự án xã hội hóa
Đề cập vấn đề gây tranh cãi nhất hiện nay liên quan đến xã hội hóa trong lĩnh vực y tế, GS.TS Nguyễn Quang Tuấn cho rằng, đó là việc tập trung vào lắp đặt các thiết bị chẩn đoán công nghệ cao và mở rộng "các dịch vụ theo yêu cầu". Theo thống kê, có hơn 62% liên doanh đã đầu tư vào thiết bị chẩn đoán hình ảnh và thiết bị xét nghiệm, gây lo ngại về việc chỉ định quá mức các xét nghiệm và lạm dụng các thiết bị chẩn đoán công nghệ cao, chi phí lớn. Hơn nữa, việc cung cấp dịch vụ đắt tiền cho nhóm người bệnh có thu nhập trung bình hoặc cao cũng dấy lên quan ngại về sự công bằng và tính hiệu quả của các dịch vụ công cũng như nghi vấn về sự phù hợp của mô hình liên doanh chia sẻ lợi nhuận với các mục tiêu của chính sách xã hội hóa.
Bên cạnh đó, GS.TS Nguyễn Quang Tuấn cũng cho rằng, việc quản lý chưa hiệu quả các đề án liên doanh cũng tạo ra một số thách thức khác, như các nhà đầu tư tư nhân không cần phải nộp hồ sơ dự thầu cho các dự án đầu tư liên doanh đề xuất, dễ gây nghi ngờ về tính minh bạch trong quá trình lựa chọn đối tác tư nhân, tính cạnh tranh trong đấu thầu tài sản và tính hiệu quả khi thẩm định kế hoạch tài chính. Khi đi vào hoạt động, liên doanh không phải tiến hành giám sát hiệu quả hoạt động hoặc thực hiện các quy trình kế toán chuẩn mực. Bên cạnh đó, nhân viên bệnh viện đóng góp một phần vốn đầu tư thiết bị và được hưởng lợi từ việc thu phí sử dụng các thiết bị đó. Do vậy, có cơ sở để nói rằng, điều này sẽ làm lạm dụng chỉ định dịch vụ kỹ thuật. Chính vì vậy, Bộ Y tế đã nhiều lần phải điều chỉnh chính sách về liên doanh đầu tư thiết bị và các dịch vụ "theo yêu cầu" trong hệ thống y tế công lập.
Dù tồn tại những hạn chế, nhưng theo ông Nguyễn Ngọc Phương, Ủy viên Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, cần tiếp tục thực hiện xã hội hóa y tế; không thể vì những hạn chế, khuyết điểm của một số cá nhân, nhóm người mà vội vàng quy chụp ngay chính sách đúng đắn này. Bởi, trên thực tế có những bệnh viện tư có thể trang bị máy móc hiện đại, mà y tế công lập không đủ khả năng đầu tư. "Điều quan trọng, ngành y tế cần rà soát ngay các đề án liên doanh, liên kết đang thực hiện tại đơn vị, nếu phát hiện trang thiết bị y tế không rõ ràng về nguồn gốc, xuất xứ hay phát hiện giá không phù hợp phải xem xét điều chỉnh, xử lý kịp thời", ông Nguyễn Ngọc Phương nhấn mạnh.
Để giảm thiểu những mặt còn hạn chế của chính sách xã hội hóa trong lĩnh vực y tế, GS.TS Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai đề xuất, Chính phủ cần xây dựng các quy định và hướng dẫn liên quan đến các hình thức hợp tác công tư trong lĩnh vực y tế. Cùng với đó, xây dựng và tổ chức các khóa đào tạo cho cán bộ quản lý dự án hợp tác công - tư trong ngành y tế, đồng thời thúc đẩy và phổ biến cách thực hành tốt về quản lý các dự án hợp tác công - tư; xây dựng danh mục các lĩnh vực được phép hợp tác công - tư y tế.
Ngoài ra, cần kiểm tra, giám sát và đánh giá hiệu quả của các dự án hợp tác công - tư trong lĩnh vực y tế, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về các dự án hợp tác công - tư nhằm công khai, minh bạch hóa các dự án xã hội hóa trong lĩnh vực y tế, giúp các cơ quan chức năng cũng như người dân dễ theo dõi, giám sát.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.