Ngày 23-3 tới đây sẽ diễn ra hoạt động bảo vệ môi trường, tiết kiệm điện Giờ Trái đất. Nhưng ngay từ bây giờ, các em HS đã có thể góp phần hưởng ứng hoạt động cộng đồng đầy ý nghĩa này bằng những hành động thiết thực nhất. Chúng ta hãy lắng nghe chia sẻ của các em HS và các bậc phụ huynh nhé.
Em Nguyễn Ngọc Hiếu, lớp 9A6, Trường THCS Ngọc Lâm:
- Theo em, không chỉ vì chương trình Giờ Trái đất, chúng em mới phải có ý thức gìn giữ môi trường, tiết kiệm điện năng. Ngay trong các hoạt động thường ngày, chúng em có thể thực hành tiết kiệm điện như tắt bớt một bóng đèn, một chiếc quạt khi không cần thiết; tắt tivi, máy tính, các thiết bị điện khi ra ngoài… Trong thời gian này, trường em cũng phát động rất nhiều chương trình hưởng ứng Giờ Trái đất. Các bạn HS được phân công đi gom vật dụng tưởng chừng như "phế thải" để tái chế thành các món đồ trang trí, đồ dùng học tập rất hữu ích. Ngoài những hoạt động trên, rất nhiều bạn còn hưởng ứng tham gia đạp xe Giờ Trái đất, đi vận động các gia đình, các cửa hàng kinh doanh, quán cà phê tắt đèn vào khoảng thời gian này, vẽ tranh cổ động, làm báo tường về Giờ Trái đất. Bạn nào cũng hào hứng tham gia với hi vọng những hành động nhỏ bé của bản thân có thể góp sức để gìn giữ và bảo vệ môi trường sống xung quanh được trong lành và sạch đẹp hơn.
Em Hoàng Thu Trang, lớp 9D, Trường THCS Cao Bá Quát:
Em nghe nhà trường và thầy cô giáo phát động về hoạt động này rồi. Giờ Trái đất là một sự kiện lớn được người dân nhiều quốc gia trên thế giới hưởng ứng mạnh mẽ. Nội dung chính của hoạt động này là tắt điện trong một tiếng đồng hồ. Để hưởng ứng Giờ Trái đất thì ngày 23-3 tới đây, em cũng sẽ nhắc nhở bố mẹ tắt bóng điện và các thiết bị điện đúng giờ quy định. Thế nhưng, em nghĩ tiết kiệm điện chắc là chỉ cần một giờ trong một năm là đủ, "Mỗi tuần một câu hỏi" nhỉ?
Cô Nguyễn Hương Lan, phụ huynh HS, 142 Giáp Bát, Hà Nội:
- Tại Việt Nam, Giờ Trái đất được triển khai từ vài năm trở lại đây và nhận được sự tham gia hưởng ứng mạnh mẽ của các bạn trẻ, đặc biệt là các em HS, SV. Tuy nhiên, nhiều em lại chỉ tham gia cho có phong trào và suy nghĩ chỉ cần tắt điện trong một giờ là đủ để bảo vệ môi trường. Hiện nay, vấn đề môi trường, khí hậu, vấn đề khủng hoảng năng lượng ngày càng trở nên cấp thiết nhưng trong cuộc sống thường nhật, ý thức trách nhiệm của chính bản thân người lớn lại rất kém. Từ những hành động nhỏ nhất như vứt rác lung tung, sử dụng điện không tiết kiệm đến những việc làm như khai thác rừng bừa bãi, khai thác khoáng sản tràn lan, đổ chất thải nguy hại bừa bãi ra môi trường mà không qua xử lý…
Do đó, để giúp cho con trẻ hào hứng tham gia hoạt động cộng đồng ý nghĩa này, bản thân chúng ta phải làm tấm giương sáng cho trẻ noi theo. Từ những việc làm hằng ngày, cha mẹ cần nhắc nhở con cái ý nghĩa của việc bảo vệ môi trường sống như không vứt rác bừa bãi, sử dụng điện, ga lãng phí… Dịp cuối tuần rảnh rỗi, có thể cho con tham gia hoạt động dọn dẹp nhà cửa, vỉa hè, lối đi tại khu dân cư mình đang sinh sống.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.